Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 6-5 hoan nghênh việc Mỹ ủng hộ bỏ quyền bằng sáng chế với vắcxin COVID-19 và kêu gọi các thành viên WTO bắt đầu đàm phán càng sớm càng tốt.
Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala được cho là ủng hộ bỏ bản quyền sáng chế vắcxin COVID-19 - Ảnh: Reuters
Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành kinh hoàng tại Ấn Độ, WTO vẫn phải tổ chức nhiều cuộc họp để bàn bạc và kết quả chắc chắn không có trước tháng 6-2021.
Người chờ chết, WTO chờ họp
Đưa ra tuyên bố sau một cuộc họp kín ngày 6-5, bà Ngozi Okonjo-Iweala, giám đốc WTO, kêu gọi: "Chúng ta cần gấp rút phản ứng với COVID-19 vì nhiều người đang chết. Tôi kêu gọi đưa vấn đề ra bàn bạc càng sớm càng tốt".
Cho đến nay, theo Reuters, các nước thành viên WTO đã trải qua 10 cuộc họp nhưng vẫn không đạt được tiến triển đáng kể về đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắcxin COVID-19 do Ấn Độ và Nam Phi đưa ra.
Hai nước này cho biết họ sẽ xem xét lại kiến nghị của mình trước cuộc họp cuối tháng 5 và cuộc họp chính thức của Hội đồng Hiệp định TRIPS từ ngày 8 đến 9-6. TRIPS là hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, một thỏa thuận pháp lý quốc tế giữa tất cả các quốc gia là thành viên của WTO.
Kết quả cuối cùng về việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắcxin COVID-19 sẽ được quyết định trong các cuộc họp trong vài tuần và những tháng tới bởi tất cả các nước thành viên WTO. Quyết định cuối cùng ra sao là một điều hết sức khó đoán, ngay cả với người trong cuộc như người phát ngôn của WTO, ông Keith Rockwell.
Cách làm khác
Dù việc Mỹ lên tiếng ủng hộ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắcxin trong những trường hợp đặc biệt là tín hiệu đáng mừng, nhưng việc các nhà sản xuất vắcxin và các nước thành viên WTO khác như Anh, Đức phản đối quyết liệt cho thấy chúng ta không nên... mừng vội.
Không có sự đồng thuận, theo quy định hoạt động của WTO, đề xuất này vẫn mãi nằm trên giấy. Theo Reuters, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU sẵn sàng thảo luận về việc từ bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ với vắcxin COVID-19 nhưng điều đó không ngăn Đức đi tìm phương án khác.
Đài BBC thông tin Chính phủ Đức khẳng định "bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là nguồn gốc của đổi mới" và những hạn chế trong cung ứng vắcxin hiện nay nằm ở "năng lực sản xuất của đối tác trên cơ sở phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao" chứ không phải ràng buộc về quyền sáng chế.
Thay vì ủng hộ bỏ quyền sở hữu trí tuệ để vắcxin có thể được sản xuất ở nhiều nước, Đức muốn đẩy mạnh năng lực sản xuất ở Đức, Liên minh châu Âu (EU) và các nơi khác để cung cấp vắcxin COVID-19 cho toàn cầu.
Báo Spiegel đưa tin Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 6-5 đã thảo luận với ông Ugur Sahin, giám đốc của BioNTech, công ty công nghệ sinh học Đức (đơn vị liên kết với Pfizer của Mỹ để sản xuất vắcxin), về việc đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp vắcxin cho các nước nghèo và xây dựng nguồn cung bền vững để đối phó với những đại dịch khác xảy ra trong tương lai.
Về phía các hãng dược, chưa có một công ty dược nào lên tiếng ủng hộ đề xuất bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắcxin. Một số đã nói thẳng là đề xuất có thể phá vỡ chuỗi cung ứng vốn đã bị kéo căng hết cỡ và mong manh hiện nay. Thay vào đó, các công ty này kêu gọi các nước giàu nên chia sẻ nhiều hơn với các nước nghèo trong đại dịch.
Ông Ugur Sahin công khai lên tiếng rằng bỏ quyền sở hữu trí tuệ không phải là cách đúng đắn để đẩy mạnh sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 mà quan trọng là vắcxin sản xuất tại EU phải được xuất khẩu sang các khu vực khác trên thế giới.
100 Hiện có trên 100 nước thành viên WTO và nhiều tổ chức phi chính phủ ủng hộ đàm phán hướng tới loại bỏ các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với vắcxin COVID-19. Nếu thành công, nhiều công ty dược tại các nước đủ khả năng sản xuất vắcxin để có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của thế giới, đặc biệt với những nước nghèo. Tuy nhiên, Liên đoàn các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm cảnh báo nếu bỏ quyền sở hữu trí tuệ, rất có thể việc bào chế vắcxin sẽ được giao cho các nhà sản xuất mới thiếu kiến thức thực tế cần thiết, không đủ khả năng đảm bảo chất lượng trong khi những cơ sở đủ năng lực sản xuất lại bị đứng ngoài cuộc chơi. Mấu chốt để có thể sản xuất vắcxin nhiều hơn, theo lập luận này, không phải là công thức bào chế, mà nằm ở nguyên liệu, nhà máy và mạng lưới phân phối chất lượng. |
Theo Hồng Vân/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/bo-quyen-so-huu-tri-tue-vacxin-covid-19-my-gat-dau-nhung-con-ai-chau-au-20210508084215841.htm