Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã chỉ trích hành vi "bắt nạt" của Trung Quốc trong tuyên bố chung ngày 5/5.
Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio và Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian chụp ảnh trong cuộc họp ngoại trưởng G7 ở London, Anh ngày 5/5 (Ảnh: Reuters).
Trong tuyên bố chung dài 12.400 chữ ngày 5/5, Ngoại trưởng các nước G7, gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản, cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền và sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để bắt nạt các quốc gia khác.
G7 tuyên bố sẽ thúc đẩy nỗ lực tập thể nhằm ngăn chặn "các chính sách kinh tế mang tính cưỡng ép" của Trung Quốc. Theo Reuters, đây là một phần trong nỗ lực nhằm thể hiện rằng phương Tây là một liên minh rộng lớn hơn, ngoài các nước G7 cốt lõi.
"Thay vì phản ứng giận dữ, tôi nghĩ Trung Quốc cần tự nhìn lại mình, cần xem xét (lý do) luồng quan điểm chống họ ngày càng tăng, đồng thời nhận thức rằng những luật lệ quốc tế cơ bản cần được tuân thủ", Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói.
Được thành lập vào năm 1975 với tư cách là một diễn đàn để các quốc gia giàu có nhất phương Tây thảo luận về các cuộc khủng hoảng như lệnh cấm vận dầu mỏ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (Opec), G7 tuần này đã họp bàn để tìm cách giải quyết các vấn đề mà nhóm coi là mối đe dọa lớn nhất hiện nay: gồm Trung Quốc, Nga và đại dịch Covid-19.
Trung Quốc từng chỉ trích phương Tây là "kẻ bắt nạt", đồng thời cáo buộc các nhà lãnh đạo phương Tây có tư tưởng "hậu đế quốc" khiến họ cảm thấy mình có thể hành xử như "cảnh sát toàn cầu".
Đối với phương Tây, sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong 40 năm qua là một trong những sự kiện địa chính trị quan trọng nhất trong lịch sử gần đây.
"Chúng tôi sẽ làm việc tập thể để thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu trước các chính sách và hành vi kinh tế mang tính ép buộc, độc đoán", các ngoại trưởng G7 nhận định về Trung Quốc.
Các ngoại trưởng G7 cho biết họ ủng hộ sự tham gia của Đài Loan vào các diễn đàn của Tổ chức Y tế Thế giới và Đại hội đồng Y tế Thế giới. G7 cũng bày tỏ lo ngại về "bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm leo thang căng thẳng" tại eo biển Đài Loan.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời và phản đối bất kỳ đại diện nào của Đài Loan tại các tổ chức quốc tế. Trung Quốc cũng sẵn sàng sáp nhập Đài Loan bằng mọi cách, kể cả sử dụng vũ lực.
Dù có quy mô kinh tế và quân sự gộp lại lớn hơn Trung Quốc và Nga, song phương Tây vẫn phải "vật lộn" để tìm cách đối phó với hai nước này.
Liên quan tới Nga, tuyên bố của các ngoại trưởng G7 bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine, đồng thời "quan ngại sâu sắc" về các động thái của Nga như tập trung quân gần biên giới Ukraine và Crimea.
Về đại dịch Covid-19, G7 cam kết hợp tác để mở rộng sản xuất vắc xin với giá cả phải chăng, nhưng không kêu gọi các công ty dược phẩm lớn từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin. G7 kêu gọi thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các công ty dược phẩm và khuyến khích các thỏa thuận cấp phép cũng như chuyển giao công nghệ tự nguyện theo các điều khoản được các bên thống nhất.
Theo Thành Đạt/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/g-7-dong-loat-len-an-hanh-vi-bat-nat-cua-trung-quoc-20210506071950325.htm