Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang tìm hiểu về sự xuất hiện của biến thể đôi lần đầu phát hiện ở Ấn Độ, biến thể có thể liên quan đến sự bùng phát dịch gần đây, khiến các bệnh viện ở Ấn Độ quá tải và gần 1.500 người chết mỗi ngày.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở một nhà ga xe lửa tại Mumbai, Ấn Độ ngày 16-4-2021 - Ảnh: REUTERS
Bộ Y tế Ấn Độ ngày 18-4 cho biết đã có 260.810 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao kỷ lục từ đầu dịch đến nay. Tỉ lệ tăng của số ca bệnh là 11,5%, và là ngày thứ 4 liên tiếp tỉ lệ này ở mức 2 chữ số.
Báo Times of India thống kê cho thấy các kỷ lục mới về số ca nhiễm mới mỗi ngày từ cuối tháng 3-2021 đến nay liên tục bị xô đổ, và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại.
Mốc trên 50.000 ca nhiễm ngày 24-3 duy trì trong 11 ngày. Mốc trên 100.000 ca nhiễm ngày 4-4 duy trì trong 6 ngày. Mốc trên 150.000 ca nhiễm ngày 10-4 duy trì trong 4 ngày. Trong một tuần qua, số ca nhiễm mới mỗi ngày vọt lên mốc trên 200.000 ca, rồi trên 250.000 ca.
Các chuyên gia lo rằng có thể biến thể đôi của virus corona đang lây lan tại quốc gia hơn 1,3 tỉ dân này, dẫn đến tốc độ lây bệnh kinh hoàng hiện nay. Biến thể đôi, được đặt tên B.1.617, chứa hai biến thể độc lập khác của virus corona là E484Q và L452R.
"Biến thể đôi mới rất đang quan ngại và cần theo dõi" - bà Maria Van Kerkhove, phụ trách vấn đề kỹ thuật về đại dịch COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 16-4 xác nhận và cho biết biến thể đôi B.1.617 do một nhà khoa học Ấn Độ phát hiện lần đầu vào cuối năm 2020.
Bộ Y tế Ấn Độ lần đầu công bố về sự hiện diện của biến thể này vào cuối tháng 3-2021, và chỉ mới cung cấp thông tin chi tiết cho WHO từ ngày 12-4.
Các nhà khoa học Ấn Độ có cái nhìn khác nhau về sự nguy hiểm của nó.
Aparna Mukherjee, nhà khoa học tại Hội đồng nghiên cứu y khoa thuộc Bộ Y tế Ấn Độ, cho biết trên Bloomberg TV: "Mặc dù biến thể đôi B.1.617 là biến thể được quan tâm, nó không là một biến thể đáng lo ngại, chưa có cơ sở để nói nó gây chết người nhiều hơn hoặc dễ lây nhiễm hơn".
Trong khi đó, Nithya Balasubramanian, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chăm sóc sức khỏe tại Bernstein Ấn Độ, lại cho rằng sự gia tăng số ca nhiễm có thể do biến thể đôi này và nó là một mối quan ngại lớn.
Theo trang web tracker outbreak.info, sử dụng dữ liệu từ kho lưu trữ toàn cầu GISAID, giải trình tự bộ gen cho thấy tỉ lệ phổ biến trung bình của biến thể đôi nói trên là 52% số mẫu được giải mã vào tháng 4-2021 so với con số gần 0 vào tháng 1-2021.
Ông Anurag Agrawal - giám đốc Viện nghiên cứu gen thuộc Hội đồng Khoa học và công nghiệp nhà nước, đơn vị tiến hành giải trình tự gen của virus - cho biết tại một số quận ở bang Maharashtra, nơi đang là tâm dịch ở Ấn Độ hiện nay, mức độ phổ biến của biến thể đôi hơn 60%.
Biến thể này hiện có mặt tại 10 bang ở Ấn Độ với mức độ phổ biến khác nhau. Theo ông Agrawal, nó "có nhiều khả năng lây lan và thoát khỏi khả năng miễn dịch trước đó hơn".
Rakesh Mishra, giám đốc Trung tâm Sinh học tế bào và phân tử có trụ sở tại Hyderabad, cho biết: "Có vẻ như biến thể đôi đang lây lan nhanh hơn các biến thể trước. Không sớm thì muộn, nó sẽ trở nên phổ biến trên toàn quốc".
William A. Haseltine, cựu giáo sư tại Đại học Y Harvard, viết trên báo Forbes ngày 12-4: "Biến thể B.1.617 được phát hiện ở Ấn Độ có tất cả các dấu hiệu của một loại virus rất nguy hiểm. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để xác định sự lây lan của nó và kiềm chế nó".
Cho đến nay, biến thể đôi này được ghi nhận ở ít nhất 10 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Úc và New Zealand, theo trang outbreak.info. Anh cho biết họ đã phát hiện 77 trường hợp nhiễm biến thể B.1.617 ở Anh và Scotland và đang nghiên cứu về nó.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu liệu biến thể này có độc tính cao hơn, làm chết nhiều bệnh nhân hơn hay không.
Tuy nhiên, theo ông Agrawal, tại Mỹ, đột biến L452R (1 trong 2 đột biến con có mặt trong biến thể đôi B.1.617) đã được ghi nhận làm tăng khả năng lây virus khoảng 20% và làm giảm hiệu quả của kháng thể xuống hơn 50%.
Theo Hồng Vân/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/phat-hien-bien-the-doi-cua-virus-corona-cuc-ky-nguy-hiem-o-an-do-who-quan-ngai-20210418105347619.htm