Nga đã thực hiện một loạt biện pháp trả đũa Mỹ sau khi Washington áp lệnh trừng phạt Moscow giữa lúc căng thẳng leo thang.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (Ảnh: Sputnik).
Tại cuộc họp báo ngày 16/4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moscow sẽ trục xuất 10 quan chức ngoại giao Mỹ để đáp trả việc Washington trước đó đã trục xuất 10 quan chức Nga.
Theo ông Lavrov, hiện Mỹ duy trì 450 nhân viên ngoại giao ở Nga còn Nga đang có 350 nhân viên ở Mỹ, do vậy phía Mỹ sẽ phải "điều chỉnh số lượng nhân viên ở Nga phù hợp với số lượng người Nga ở Mỹ", nếu quan hệ giữa hai nước trở nên tồi tệ hơn.
Nga cũng cấm 8 quan chức cấp cao khác của Mỹ, bao gồm cả đương nhiệm và mãn nhiệm, nhập cảnh vào Nga vì góp phần vào hoạt động "chống Nga".
Những người bị Nga đưa vào danh sách cấm gồm Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray, Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland, và Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas.
Những người khác phải đối mặt với lệnh cấm nhập cảnh là Giám đốc Cục Trại giam Liên bang Michael Carvajal, Giám đốc Hội đồng Chính sách Nội địa Susan Rice, John Bolton - cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, và cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) Robert James Woolsey.
Ngoài lệnh trục xuất và cấm nhập cảnh, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ chấm dứt hoạt động tại Nga của các quỹ và tổ chức phi chính phủ của Mỹ mà Moscow tin rằng can thiệp vào công việc nội bộ của Nga.
Ngoại trưởng Lavrov cũng cảnh báo rằng Nga sẽ thực hiện "các biện pháp đau đớn" nhằm vào các doanh nghiệp Mỹ, nhưng chưa hành động vào thời điểm này.
Một ngày trước khi Nga tuyên bố các lệnh trừng phạt, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh trừng phạt hơn 30 cá nhân và tổ chức Nga vì cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 và có liên quan đến vụ tấn công mạng SolarWinds hồi năm ngoái. Nga kịch liệt bác bỏ cả hai cáo buộc này.
Ngoài trục xuất 10 quan chức ngoại giao Nga, Mỹ cũng đưa một số công ty Nga vào "danh sách đen" và cấm các ngân hàng Mỹ mua trái phiếu từ Ngân hàng Trung ương Nga, Bộ Tài chính và quỹ tài sản quốc gia của nước này.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi các biện pháp trừng phạt của Mỹ là không thể chấp nhận được, ngay cả khi Mỹ vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Nga.
"Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần nói rằng chúng tôi sẵn sàng khởi động đối thoại nếu những người đồng cấp Mỹ sẵn sàng làm như vậy. Theo hướng này, có lẽ điều tích cực là quan điểm của hai nhà lãnh đạo trùng khớp nhau", ông Peskov nói trước khi các lệnh trừng phạt đáp trả của Nga được công bố.
Trước khi 2 nước "ăn miếng trả miếng" lẫn nhau, chính quyền Mỹ đã để ngỏ về một cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Putin ở châu Âu vào mùa hè năm nay. Bất chấp việc các lệnh trừng phạt có nguy cơ dập tắt cơ hội tổ chức hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Biden đã tổ chức một cuộc họp báo vào tối 15/4, kêu gọi "đối thoại" với Nga, đồng thời nói rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ là "tương xứng".
Ngay trước khi ông Biden công bố các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga, ông Peskov cho rằng bất kỳ hội nghị thượng đỉnh được đề xuất nào cũng chưa thể thực hiện được, ít nhất là trong ngắn hạn.
Nga trục xuất 5 nhà ngoại giao Ba Lan
Trong một tuyên bố ngày 16/4, Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết nước này sẽ trục xuất 5 nhà ngoại giao Ba Lan để đáp trả động thái tương tự trước đó của Warsaw.
"Chúng tôi lưu ý rằng Warsaw đã nhanh chóng theo chân chính quyền Mỹ, yêu cầu 3 nhà ngoại giao Nga rời khỏi Ba Lan. Lần lượt, 5 nhà ngoại giao Ba Lan sẽ bị trục xuất khỏi Nga", Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Ba Lan ngày 15/4 cho biết nước này đã triệu tập Đại sứ Nga tại Warsaw Sergey Andreyev và thông báo về việc trục xuất 3 nhà ngoại giao Nga vì "vi phạm quy chế ngoại giao và thực hiện các hoạt động gây tổn hại cho Ba Lan".
Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết nước này "bày tỏ sự ủng hộ đối với các quyết định của Mỹ liên quan tới chính sách của Mỹ với Nga".
Quyết định của Ba Lan là động thái thể hiện sự ủng hộ mới nhất của các nước đối tác và đồng minh của Mỹ trong việc "đáp trả các hoạt động gây bất ổn của Nga". Căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang trong những tuần gần đây liên quan tới các hoạt động ở biên giới Nga - Ukraine.
Lãnh đạo 3 nước kêu gọi Nga rút quân gần biên giới Ukraine
Trong cuộc hội đàm ngày 16/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thảo luận về "tình hình an ninh tại biên giới Nga - Ukraine và đông Ukraine".
Các nhà lãnh đạo "chia sẻ mối quan ngại về việc Nga tăng cường lực lượng" tại biên giới với Ukraine và bán đảo Crimea, đồng thời kêu gọi Nga rút quân để "hạ nhiệt căng thẳng".
Nga được cho là đã triển khai hàng chục nghìn binh sĩ và nhiều khí tài đến khu vực giáp biên giới Ukraine những ngày gần đây trong lúc chiến sự giữa quân đội chính phủ và lực lượng ly khai ở miền Đông leo thang. Tuy nhiên, Nga nói rằng hoạt động chuyển quân trong lãnh thổ nước này là việc bình thường, đồng thời khẳng định Moscow không có ý định can thiệp vào xung đột khu vực.
Theo Thành Đạt/Dân trí (nguồn Reuters, RT, SCMP)
https://dantri.com.vn/the-gioi/nga-truc-xuat-10-nha-ngoai-giao-my-doa-giang-don-dap-tra-dau-don-20210417071531972.htm