Kế hoạch xả hơn 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra Thái Bình Dương đang khiến Nhật đối mặt nhiều chỉ trích.
Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường Hàn Quốc phản đối kế hoạch xả nước thải bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc ngày 14-4 - Ảnh: AFP
"Thái Bình Dương không phải là cống rãnh của Nhật Bản. Các vị đừng nên bắt cả thế giới phải trả tiền cho việc làm của mình.
Ông TRIỆU LẬP KIÊN (người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc) chỉ trích kế hoạch xả 1 triệu tấn nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển của Nhật
Trung Quốc hiện đang là bên phản đối mạnh nhất kế hoạch xả nước thải của Nhật. Sự việc cũng gây thêm căng thẳng giữa Tokyo và Seoul - hai đồng minh của Mỹ vốn đã luôn tranh cãi vì các vấn đề tồn đọng của lịch sử.
Hàn Quốc muốn kiện, Trung Quốc chất vấn
Theo kế hoạch Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 13-4, việc xả thải hơn 1 triệu tấn nước bị ô nhiễm từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi sẽ bắt đầu trong 2 năm tới. Phía Nhật khẳng định việc xả thải chỉ diễn ra sau khi hoàn tất quá trình lọc bỏ các đồng vị phóng xạ nguy hiểm.
Trong thông cáo cuối ngày 14-4, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết các quan chức nước này đã họp với những người đồng cấp Trung Quốc để bàn về kế hoạch xả thải của Nhật Bản.
Thông cáo khẳng định cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều quan ngại sâu sắc, cho rằng Tokyo đã vội vã đưa ra quyết định xả thải mà không tham vấn các nước láng giềng. Theo Hãng thông tấn Yonhap, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã thẳng thắn nêu ra các quan ngại trong cuộc gặp đại sứ Nhật Bản. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc sau đó yêu cầu xem xét khả năng đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS).
Ngày 15-4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận cuộc họp với Hàn Quốc đã diễn ra, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh chia sẻ quan điểm phản đối với Seoul. Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo hành động của Nhật Bản có thể đe dọa an ninh lương thực khu vực.
Trung Quốc đã liên tục phản đối kể từ sau khi Nhật Bản công bố kế hoạch. Sự chỉ trích không chỉ đến từ giới chức Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc, điển hình như Tân Hoa xã và Thời báo Hoàn Cầu, cũng vào cuộc và thổi bùng tâm lý phản đối Nhật Bản trong nước.
Trong các cuộc họp báo ngày 13 và 14-4, người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Tokyo "vô trách nhiệm" và tuyên bố Bắc Kinh sẽ "hành động" nếu Nhật tiếp tục kế hoạch xả thải. Ông Triệu nêu ra 3 vấn đề chất vấn: "Nhật Bản có lắng nghe các quan ngại trong và ngoài nước? Hành động của các vị có tuân thủ luật quốc tế? Nước thải ra có đạt tiêu chuẩn quốc tế?".
Nhật khẳng định an toàn
Thời báo Hoàn Cầu tuyên bố nước nhiễm phóng xạ từ Nhà máy Fukushima Daiichi sẽ loang ra toàn bộ Thái Bình Dương trong vòng 57 ngày.
"Sau 10 năm, nước phóng xạ sẽ lan ra toàn bộ các vùng biển trên thế giới. Phóng xạ nguy hiểm carbon-14 sẽ tồn tại hàng ngàn năm, không chỉ đe dọa sinh kế trên biển mà còn ảnh hưởng tới hệ gen của con người", tờ báo của chính quyền Bắc Kinh vạch ra viễn cảnh đáng sợ.
Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế hoan nghênh việc Nhật công bố kế hoạch xả thải. Thông cáo ngày 13-4 của cơ quan này nhấn mạnh sẵn sàng hỗ trợ Nhật các vấn đề kỹ thuật nếu được yêu cầu. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đánh giá cao quyết định thông báo của Tokyo, cho rằng hành động này thể hiện trách nhiệm quốc tế và sự minh bạch của Nhật Bản.
Các chuyên gia Nhật Bản khẳng định nước có chứa tritium - một đồng vị phóng xạ của hydro, là an toàn về mặt khoa học. Theo tuần báo Nikkei Asia, việc xả nước có chứa chất này ra biển đã diễn ra ở nhiều nhà máy hạt nhân không chỉ của Nhật Bản mà còn của nhiều nước khác. Cũng theo báo này, kế hoạch xả thải của Nhà máy Fukushima Daiichi thu hút sự chú ý là do thảm họa động đất - sóng thần năm 2011.
Bộ Kinh tế - thương mại và công nghiệp Nhật Bản ước tính có khoảng 60.000 tỉ becquerel (Bq - đơn vị đo cường độ phóng xạ) tritium trong các bể chứa ở Nhà máy Fukushima Daiichi.
"Con số này tương đương với lượng tritium Nhà máy điện hạt nhân Wolseong thải ra trong 6 hoặc 7 năm. Một nhà máy ở Pháp đã xử lý và thải ra lượng tritium tương tự trong thời gian chưa đầy 1 năm. Không có sự cố môi trường nào được ghi nhận tại các địa điểm trên", Nikkei Asia dẫn số liệu của Chính phủ Nhật lập luận.
Các quy định của Nhật cho phép nước có chứa 60.000 Bq tritium/lít được thải vào đại dương. Con số này dựa trên các khuyến nghị của Ủy ban quốc tế về an toàn phóng xạ. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cam kết sẽ pha loãng hơn 100 lần nước chuẩn bị thải ra biển, cam đoan nước được thải sẽ chứa ít hơn 1.500 Bq tritium/lít.
Trong thảm họa năm 2011, nước ngầm tràn vào bên trong Nhà máy điện hạt nhân Fukushima và gặp các vật liệu nhiễm phóng xạ nên bị ô nhiễm. Để ngăn chặn thảm họa môi trường lan rộng, chính quyền Nhật và TEPCO đã gấp rút xây dựng các bể chứa nước ô nhiễm. Các hệ thống lọc và xử lý cũng được huy động để loại bỏ chất phóng xạ nguy hiểm. Mỗi quốc gia có các tiêu chuẩn khác nhau về tritium. Ví dụ, giới hạn ở Úc là 76.000 Bq/lít. Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị mức 10.000 Bq/lít, trong khi ở Nga là mức 7.000 Bq/lít, theo Nikkei Asia. |
Theo Duy Linh/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/dong-bac-a-day-song-vi-nuoc-thai-phong-xa-nhat-20210416075633614.htm