Nếu Mỹ bị xem là quốc gia đứng đầu kêu gọi tẩy chay Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh, quan hệ hai nước sẽ xấu đi đáng kể
Trong suốt tháng qua, các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh đã bàn về những vấn đề liên quan đến nỗi lo Thế vận hội Bắc Kinh bị tẩy chay. Trên trường quốc tế, tranh cãi nổ ra vào ngày 6-4 khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định khả năng tẩy chay thế vận hội đang được xem xét. Đến ngày 7-4, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki xoa dịu căng thẳng khi thông báo "chúng tôi hiện thời chưa và không thảo luận nỗ lực đồng loạt tẩy chay cùng các đồng minh và đối tác".
Dù vậy, Bắc Kinh vẫn không nguôi giận, đáp trả gần như tức thì rằng mọi nỗ lực của Mỹ nhằm chỉ trích Trung Quốc, cũng như tẩy chay thế vận hội, liên quan đến nghi vấn lao động cưỡng bức ở khu tự trị Tân Cương "chắc chắn sẽ thất bại" và bị trả đũa thỏa đáng.
"Trung Quốc nhiều khả năng áp lệnh cấm lên một số mặt hàng nhập khẩu từ các nước tỏ ý tẩy chay cũng như tẩy chay ngược lại công ty đến từ những nước này" - chuyên gia Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (trụ sở tại Washington - Mỹ) nhận định. Cũng theo bà Glaser, nếu Mỹ bị xem là quốc gia đứng đầu kêu gọi tẩy chay, quan hệ Washington - Bắc Kinh chắc chắn sẽ xấu đi đáng kể.
Các vận động viên trượt băng tại một sự kiện thử nghiệm cho Thế vận hội mùa đông 2022 ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 7-4 Ảnh: REUTERS
Căng thẳng Mỹ - Trung hiện ở mức cao hơn nhiều so với thời điểm năm 2008 vì hàng loạt vấn đề, nổi bật là Đài Loan và biển Đông. Quân đội Trung Quốc vừa xác nhận đã theo dõi USS John S. McCain khi con tàu khu trục tên lửa hành trình này đi qua eo biển Đài Loan ngày 7-4. Trong khi người phát ngôn Quân khu phía Đông của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Zhang Chunhui gọi đây là "chiêu trò cũ nhằm thao túng khu vực" thì Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ tuyên bố USS John S. McCain thực hiện chiến dịch tự do hàng hải để "thể hiện cam kết về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Những tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi Cơ quan Quốc phòng Đài Loan thông báo hôm 7-4 rằng vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của họ bị Không quân Trung Quốc xâm phạm gần như mỗi ngày vào tuần rồi, với tổng cộng 15 máy bay quân sự, trong đó có 12 chiến đấu cơ. Sử dụng ngôn từ trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan (TRA), ông Ned Price cùng ngày tái khẳng định cam kết của Washington về việc chống lại "hành vi sử dụng vũ lực hoặc các biện pháp dọa nạt" khiến an ninh, xã hội hay hệ thống kinh tế của Đài Loan bị tổn hại.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ còn nhắc Bắc Kinh về "nghĩa vụ" của Washington đối với các đồng minh trong khu vực, như Philippines. "Một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào quân đội, tàu thuyền hoặc máy bay của Philippines trên Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông, sẽ kích hoạt nghĩa vụ của chúng tôi theo khuôn khổ Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines" - ông Ned Price cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh Washington đang theo dõi sát sao nhóm tàu Trung Quốc neo đậu xung quanh đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Trong lĩnh vực đầu tư, Tổng thống Joe Biden hôm 7-4 tuyên bố cơ sở hạ tầng là một vấn đề an ninh quốc gia và Trung Quốc đang đi nhanh hơn Mỹ. "Các bạn nghĩ Trung Quốc đang ngồi chờ để đầu tư vào cơ sở hạ tầng số hoặc nghiên cứu và phát triển ư? Tôi cam đoan với các bạn là không" - ông chủ Nhà Trắng khẳng định trong lúc chỉ trích những đảng viên Cộng hòa phản đối kế hoạch hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỉ USD của ông. Cạnh tranh với Trung Quốc cũng là lý do Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ tổ chức phiên điều trần về Dự luật Biên giới Không giới hạn (EFA) vào ngày 14-4. Theo Reuters, được đệ trình lần đầu vào năm 2020, EFA kêu gọi duyệt chi 110 tỉ USD trong 5 năm để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ Mỹ.