24
/
107589
Cuộc chơi của những "ông lớn" ở châu Á
cuoc-choi-cua-nhung-ong-lon-o-chau-a
news

Cuộc chơi của những "ông lớn" ở châu Á

Thứ 4, 07/04/2021 | 16:36:51
834 lượt xem

Châu Á đang trở thành trung tâm địa chính trị và địa kinh tế của thế giới, với một bên là sự nổi lên của nhóm "Bộ Tứ kim cương", một bên là Trung Quốc có tham vọng ngày càng lớn.

Cuộc chơi của những ông lớn ở châu Á - 1

Lãnh đạo "Bộ tứ" đã có cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên theo hình thức trực tuyến vào ngày 12/3 (Ảnh: EPA).

Trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương được xem là động lực và trung tâm tăng trưởng của thế giới, sự kiện lịch sử diễn ra hồi tháng 3 - "Đối thoại an ninh 4 bên" (Quad) - hay còn gọi là "Bộ Tứ kim cương" - giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ càng làm nổi bật tầm quan trọng của khu vực này.

Trên thực tế, kể từ năm 2007, các thành viên nhóm Quad đã nỗ lực thúc đẩy vai trò và tạo tiếng nói trong khu vực chiến lược này. Và mỗi nước đang cho thấy tầm ảnh hưởng, vị thế và những thành công khác nhau.

 Quỹ nghiên cứu nhà quan sát (ORF) của Ấn Độ nhận định, vấn đề mấu chốt ở đây là một bên là những hoạt động ngày càng tăng của "Bộ Tứ kim cương" trong khu vực, một bên là các hành động bành trướng của Trung Quốc. Hiện chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden đang tìm cách huy động các đối tác trong khu vực vào "cuộc đối đầu" với Bắc Kinh, không chỉ ở châu Á-Thái Bình Dương mà cả Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Rõ ràng, khi nhóm Quad càng cho thấy quyết tâm, các quốc gia "cùng hội cùng thuyền" trong khu vực chắc chắn sẽ càng quyết tâm hơn nữa. Trong bối cảnh Biển Đông vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn do những hoạt động phi pháp và những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc, để trấn an các nước ASEAN, tại hội nghị hồi tháng 3, các nhà lãnh đạo nhóm Quad tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sự thống nhất của ASEAN, cũng như việc ASEAN phát huy vai trò trung tâm trong khu vực.

Hầu hết các nước trong khu vực đều hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ. Nhưng họ cũng biết rõ những lợi ích có được khi hợp tác với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất khu vực châu Á. Đó là lý do làm hiện hữu một thực tế: các quốc gia Đông Nam Á không muốn công khai đứng về phía nào trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung.

Việc Pháp, Anh và Đức cũng đang nhắm đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng khiến nhóm Quad "đứng ngồi không yên". Tại hội nghị vừa qua, trọng tâm ban đầu đặt trên bàn nghị sự là vấn đề an toàn hàng hải, nhưng các nhà lãnh đạo "Bộ Tứ kim cương" trao đổi nhiều hơn về tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế và sức khỏe con người.

Họ cuối cùng đã nhất trí khởi động chương trình hợp tác phân phối vắc xin cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, trọng tâm là Đông Nam Á. Mục tiêu của các nước này là giải quyết bài toán khó nhằn hiện nay: có đủ vắc xin để tiêm chủng cho số lượng lớn người dân trong khu vực. Rõ ràng, đây là chương trình ý nghĩa và nhân văn, nhận được sự ủng hộ lớn. Tuy nhiên, đó chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Bởi thực tế, đây là một sáng kiến nhằm đối trọng chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc - vốn được xem là "Con đường tơ lụa y tế" - đã bao phủ hơn 60 quốc gia trên thế giới.

Quyết định của Quad nhằm tập trung vào nỗ lực chống đại dịch Covid-19 đánh dấu một cách tiếp cận mới đối với Trung Quốc. Thực tế là, chính quyền ông Biden một mặt vẫn đi theo con đường của người tiền nhiệm Donald Trump, mặt khác tìm cách tạo sự khác biệt như xây dựng chủ nghĩa đa phương và tạo thách thức phức tạp đối với Bắc Kinh. Mỹ đang trông chờ vào Ấn Độ - hiện được xem là một nhân tố thiết yếu cho bất kỳ chiến lược nào trong khu vực. Nhưng vấn đề đặt ra là cho đến nay, New Delhi vẫn chưa tỏ rõ quyết tâm "bắt tay" trực tiếp với Mỹ hay nhóm "Bộ Tứ kim cương" để kiềm chế Trung Quốc.

Nhưng theo các chuyên gia, với những diễn biến ngày càng khó lường trong mối quan hệ với Bắc Kinh, nhất là "thùng thuốc súng" ở biên giới tranh chấp Ấn-Trung, rõ ràng New Delhi cần thay đổi các chính sách chiến lược, trong đó đặt Mỹ là nhà bảo trợ an ninh chính, như trường hợp của Australia và Nhật Bản.

Cuộc chơi của những ông lớn ở châu Á - 2

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ tập trận với hải quân Ấn Độ trên Ấn Độ Dương tháng 3/2021 (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Các chuyên gia cũng cho rằng, nhóm Quad có thể thiết lập khuôn khổ mô hình quản trị toàn cầu trong một thế giới hậu đại dịch, nhưng không có khả năng trở thành một liên minh an ninh chính thức giống NATO. Trước hội nghị "Bộ Tứ kim cương", Thời báo Hoàn cầu - Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - đã cảnh báo, bất kỳ nỗ lực tái tạo một liên minh kiểu NATO ở châu Á sẽ không thành công. Về mặt lý thuyết, thực tế này chính là cơ hội để Bắc Kinh thể chế hóa dự án "Bộ Tứ Himalaya" (gồm Trung Quốc, Nepal, Pakistan và Afghanistan) nhằm tạo thế đối trọng với "Bộ Tứ kim cương".

Hỗn loạn và những thiệt hại nghiêm trọng do đại dịch làm lộ rõ những điểm yếu của nền kinh tế phụ thuộc vào Trung Quốc của Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Đó là nguyên nhân thúc đẩy họ khởi động Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu (SCRI) riêng biệt, trong đó có việc từng bước rời xa Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng, hiện nay rất khó có thể nói rằng, khu vực này là "chiến trường" chính để Trung Quốc thách thức Mỹ và các đồng minh nhằm hiện thực hóa "Giấc mơ Trung Hoa" và đạt vị thế của một cường quốc thế giới. Nhưng một xu hướng dường như không thể tránh khỏi và đang dần định hình là: khu vực này hiện đang dần dịch chuyển trở thành trung tâm địa chính trị và địa kinh tế của thế giới.

Vì vậy, một "Thế kỷ châu Á" đang hiện rõ, trong tương lai gần sẽ rất sôi động và mang tầm ảnh hưởng rất lớn.

Theo Dân trí

https://dantri.com.vn/the-gioi/cuoc-choi-cua-nhung-ong-lon-o-chau-a-20210406142710714.htm

  • Từ khóa

Seoul đang hứng tuyết dày ngày thứ 2, gần gấp đôi "kỷ lục thế kỷ" hôm trước

Hàn Quốc đang vật lộn với ngày tuyết rơi dày thứ 2 với ít nhất 4 người đã thiệt mạng, có nơi ở Seoul lớp tuyết lên tới 40 cm.
16:22 - 28/11/2024
214 lượt xem

Thái Lan 'hành động quyết liệt' để bảo vệ đạo Phật

Chính phủ Thái Lan khẳng định sẽ hành động quyết liệt hơn để bảo vệ Phật giáo trước hàng loạt tệ nạn như ma túy, cờ bạc, trục lợi tiền cúng dường, truyền...
15:22 - 28/11/2024
237 lượt xem

Ông Medvedev nêu điều kiện dẫn đến việc tấn công các căn cứ NATO

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng Nga có thể tấn công các căn cứ NATO trong trường hợp leo thang.
13:54 - 28/11/2024
257 lượt xem

Bolivia - Trung Quốc ký thỏa thuận xây nhà máy lithium carbonat

Bolivia ngày 26.11 cho biết họ đã ký một thỏa thuận trị giá 1 tỉ USD với CBC của Trung Quốc, một công ty con của gã khổng lồ sản xuất pin CATL, để xây...
12:10 - 28/11/2024
314 lượt xem

Đông Nam Á thúc đẩy sản xuất nội địa

Việc cấm bán iPhone 16 khiến Indonesia trở thành hình mẫu khu vực trong việc bảo vệ quyền lợi cho các ngành sản xuất trong nước trước sức ép cạnh tranh...
09:50 - 28/11/2024
371 lượt xem