WHO đã công bố báo cáo điều tra về nguồn gốc Covid-19, nhưng giới chuyên gia cho rằng báo cáo chỉ là khởi đầu rất quan trọng chứ chưa phải kết thúc, và còn hàng tá vấn đề lớn cần được làm rõ.
Một khu chợ ở Vũ Hán, Trung Quốc (Ảnh: Getty).
Các nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tuần qua cuối cùng cũng đã công bố báo cáo điều ra về nguồn gốc gây ra đại dịch Covid-19. Báo cáo do WHO công bố hôm 30/3 là kết quả của 28 ngày công tác của các thành viên nhóm điều tra thuộc WHO tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, nơi virus xuất hiện lần đầu tiên.
Tuy nhiên, báo cáo đã gây ra nhiều tranh cãi khi cho rằng khả năng virus rò rỉ trong phòng thí nghiệm là "không tưởng" và thật sự vẫn chưa thể biết nguồn gốc của đại dịch nên vẫn phải chờ nghiên cứu tiếp.
Mỹ và hơn 10 quốc gia khác đã ngay lập tức nêu ra mối quan ngại rằng các nhà điều tra WHO có thể không được quyền tiếp cận tất cả dữ liệu quan trọng.
Theo Asia Times ngày 4/4, một thành viên tham gia cuộc điều tra của WHO ở Vũ Hán cho rằng, virus có thể xuất hiện ở Trung Quốc từ khoảng giữa đến cuối tháng 11/2019, nhưng khả năng rò rỉ từ phòng thí nghiệm là điều "cực kỳ khó xảy ra". Thành viên này cũng nói rõ, báo cáo công bố những phát hiện đã được thông tin rộng rãi: SARS-CoV-2 rất có thể khởi nguồn từ loài dơi, sau đó lây lan sang người qua một động vật trung gian chưa xác định.
Theo chuyên gia trên, báo cáo của WHO thật sự chưa thể giải quyết vấn đề cần thiết và thật sự "chỉ là khởi đầu rất quan trọng chứ chưa phải kết thúc".
Những câu hỏi hóc búa
Trọng tâm chính trong giai đoạn điều tra tiếp theo chính là: Điều gì đã xảy ra trước khi thế giới nhận ra mối nguy của "căn bệnh lạ" (sau đó gọi là Covid-19) tại Trung Quốc vào tháng 12/2019. Trên thực tế, không chỉ ở Trung Quốc, nhiều quốc gia khác cũng xuất hiện những ca bệnh rất sớm, như Italia và Iran.
Một khi giải được câu hỏi trên, mọi người sẽ được thấy rõ ràng và đầy đủ hơn về bức tranh toàn cảnh của virus SARS-CoV-2 và trả lời được câu hỏi: liệu có phải virus đã xuất hiện trước tháng 12/2019 hay không? Ví dụ, nếu nhóm điều tra chỉ tập trung vào Trung Quốc, họ chỉ biết rằng đã xuất hiện bệnh về hô hấp giống như cúm ở Vũ Hán vào cuối năm 2019. Các nhà điều tra cũng đang tập trung xem xét về các đợt hiến máu ở Trung Quốc vào năm 2019 để xem liệu đó có phải là nguồn lây lan dịch bệnh hay không.
Các chuyên gia muốn biết liệu có ai trong số những người hiến máu bị nhiễm virus hay không. Và tất nhiên, việc điều tra này cần rất nhiều thời gian.
Sau đó, nhóm điều tra tiếp tục phân tích các yếu tố dịch tễ học phân tử (cấu tạo di truyền của virus và sự lây lan). Ví dụ, nếu các nhà điều tra tìm thấy nhiều biến thể trong trình tự di truyền của các mẫu virus SARS-CoV-2 đầu tiên, thì rõ ràng việc lây lan đã diễn ra từ sớm.
Nhóm chuyên gia quốc tế của WHO đến Vũ Hán điều tra về đại dịch Covid-19 (Ảnh: AP).
"Có rất nhiều mẫu sinh học trong các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới mà chúng tôi cần phân tích, chứ không chỉ ở Vũ Hán", thành viên trên của WHO nhấn mạnh. Chẳng hạn như ở Mỹ, Pháp và Italia, đã có những ca hiến máu nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong khi đó tại Tây Ban Nha, virus tồn tại trong các xét nghiệm nước thải. Đây là những nơi có thể giúp các nhà điều tra xác định chính xác thời điểm virus SARS-CoV-2 xuất hiện.
Các nhà điều tra cũng cần nhiều nghiên cứu kỹ hơn về vai trò của các sản phẩm đông lạnh. Mặc dù dây chuyền lạnh được xem là con đường lây nhiễm khả thi nhưng hiện vẫn chưa rõ nó là con đường lây lan nguy hiểm như thế nào. Và nhiệm vụ quan trọng cuối cùng là các nhà điều tra sẽ phải lấy mẫu động vật và môi trường xung quanh để tìm các dấu hiệu tồn tại của SARS-CoV-2 hoặc các virus liên quan.
Câu hỏi đặt ra là liệu các chuyên gia có thể tìm thấy virus mẹ (virus cuối cùng biến đổi thành SARS-CoV-2) ở loài dơi trong hang động ở đâu đó không? Phải tìm ở đâu, Đông Nam Á, Trung Á, hay châu Âu? Có thể tìm thấy virus ở động vật trung gian không, và nếu có thì đó là loại động vật nào và chúng ở đâu? Rõ ràng, đây đều là những nhiệm vụ khó khăn và chắc chắn sẽ còn kéo dài.
Vì vậy, theo các chuyên gia, chìa khóa cho nút thắt hiện nay là các nhóm điều tra và các quốc gia liên quan cần bắt tay hợp tác hoàn thành nhiệm vụ, tránh chính trị hóa vấn đề.
"Thay vì đổ lỗi cho chính phủ các nước, chúng ta cần thúc đẩy hợp tác và niềm tin giữa các nhà điều tra với chính quyền và giữa các quốc gia. Điều này không chỉ giúp giải quyết đại dịch mà còn là chìa khóa để tránh các đại dịch tương tự trong tương lai", Asia Times dẫn lời thành viên của WHO nhấn mạnh.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/bai-toan-khung-sau-bao-cao-gay-tranh-cai-cua-who-ve-covid-19-20210405231123532.htm