Trung Quốc ngày 26-3 tuyên bố trừng phạt các tổ chức và cá nhân của Anh vì "những thông tin sai lệch và dối trá" về Tân Cương, vài ngày sau khi Anh áp lệnh trừng phạt Trung Quốc vì vấn đề nhân quyền tại khu vực này.
Một trung tâm đào tạo nghề theo cách gọi của Chính phủ Trung Quốc tại Tân Cương - Ảnh: AFP
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo trừng phạt 4 tổ chức và 9 cá nhân tại Anh, bao gồm các nghị sĩ như cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith và Ủy ban nhân quyền Đảng Bảo thủ, vì "lan truyền thông tin sai lệch và dối trá một cách ác ý".
"Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và các lợi ích liên quan, đồng thời cảnh báo phía Anh không nên tiếp tục đi sai hướng. Nếu không, Trung Quốc sẽ có những hành động tiếp theo", Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông tin.
Các cá nhân bị trừng phạt cùng thành viên trong gia đình họ bị cấm đặt chân vào lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời công dân và công ty Trung Quốc cũng bị cấm làm ăn với những người trong danh sách trừng phạt, theo Hãng tin Reuters.
"Có vẻ như tôi bị Chính phủ Trung Quốc trừng phạt vì đã nói lên sự thật về thảm kịch Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, và vì có lương tâm" - ông Jo Smith Finley, chuyên gia về người Duy Ngô Nhĩ tại ĐH Newcastle (Anh), viết trên Twitter, nhưng khẳng định không hối tiếc vì đã lên tiếng về vấn đề này.
Đây là động thái Bắc Kinh thực hiện để trả đũa các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Canada nhằm vào nước này, liên quan đến cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại khu vực Tân Cương.
Trung Quốc đã áp lệnh trừng phạt trả đũa EU, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26-3.
Các nhà hoạt động và chuyên gia nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc ước tính ít nhất 1 triệu người Hồi giáo, phần lớn là người Duy Ngô Nhĩ, đã bị giam giữ trong các trại giam ở Tân Cương. Các nhà hoạt động và một số chính trị gia phương Tây cáo buộc Trung Quốc tra tấn, cưỡng bức lao động và triệt sản những người này.
Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc trên, nói rằng đó chỉ là những trại đào tạo nghề và là điều cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/trung-quoc-trung-phat-tra-dua-anh-vi-thong-tin-doi-tra-ve-tan-cuong-20210326081522617.htm