Trung Quốc tiếp tục đưa ra cảnh báo cứng rắn với các nước phương Tây sau khi hai bên áp lệnh trừng phạt lẫn nhau khiến căng thẳng leo thang.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: AFP).
Reuters dẫn các phần trích dẫn từ bài phát biểu dự kiến của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại trụ sở của NATO ở Brussels, Bỉ vào ngày 24/3 cho biết, "Mỹ sẽ không ép buộc các đồng minh vào tình thế phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc".
Trong bài phát biểu quan trọng nhân chuyến công du đầu tiên tới châu Âu kể từ khi nhậm chức, Ngoại trưởng Blinken dự kiến sẽ nói với các đồng minh rằng: "Không thể phủ nhận hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đã đe dọa an ninh và thịnh vượng chung của chúng ta".
"Tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng các quốc gia không thể hợp tác với Trung Quốc trong những lĩnh vực khả thi. Mỹ cũng như vậy. Chúng tôi không thể không hợp tác, đặc biệt trong việc đối phó với những thách thức như biến đổi khí hậu hay an ninh y tế", bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ.
Ông Blinken dự kiến sẽ tuyên bố rằng, Mỹ muốn hợp tác với các đối tác để "thu hẹp khoảng cách trong những lĩnh vực như công nghệ và hạ tầng". Đây cũng là những lĩnh vực mà Washington cho rằng Bắc Kinh đang tập trung khai thác để gây sức ép.
Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ cáo buộc Trung Quốc làm suy yếu trật tự thương mại quốc tế, trong khi Mỹ và các đồng minh đã xây dựng trật tự này từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Bắc Kinh từng bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định Trung Quốc tôn trọng các quy tắc toàn cầu được duy trì bởi các thể chế quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
"Họ đang tích cực tác động để làm suy yếu hệ thống quốc tế và những giá trị mà chúng tôi và các đồng minh của chúng tôi chia sẻ. Nếu chúng ta có thể hợp tác cùng nhau để hiện thực hóa tầm nhìn tích cực về trật tự quốc tế, chúng tôi tin rằng chúng ta có thể đánh bại Trung Quốc trong bất kỳ lĩnh vực nào", ông Blinken nói.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 24/3 cảnh báo Trung Quốc là đất nước "không chia sẻ các giá trị với chúng ta".
Trung Quốc chỉ trích liên minh "Ngũ Nhãn"
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Ảnh: SCMP).
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 24/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi các nước thành viên của liên minh tình báo Ngũ Nhãn (gồm Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ) dừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Bà Hoa Xuân Oánh cho biết liên minh Ngũ Nhãn cần quay về thế kỷ 21 và nhận ra rằng, Trung Quốc ngày nay khác với Trung Quốc thời Nhà Thanh. Bà Hoa nói thêm rằng nhóm 5 quốc gia thuộc liên minh Ngũ Nhãn gợi nhớ đến liên quân 8 nước từng xâm chiếm và tấn công khu vực phía bắc Trung Quốc vào năm 1900.
"Trung Quốc bây giờ không phải là Trung Quốc của 120 năm trước. Người Trung Quốc không dễ nổi nóng, nhưng nếu đã nổi nóng, họ rất khó kiểm soát", bà Hoa cảnh báo.
Đề cập tới việc các quốc gia cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh cho biết "Liên Hợp Quốc có hơn 190 quốc gia, và một số nước đồng minh như "Liên minh Ngũ Nhãn" không thể đại diện cho cả cộng đồng quốc tế".
"Hãy nhìn vào bản đồ thế giới và bạn sẽ thấy Trung Quốc có những người bạn trên toàn thế giới. Vậy chúng tôi còn phải lo lắng về điều gì nữa", bà Hoa nói thêm.
Mỹ, EU, Anh và Canada ngày 22/3 đã áp lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vì vấn đề nhân quyền tại Tân Cương. Đây là hành động phối hợp đầu tiên của phương Tây nhằm vào Bắc Kinh dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Australia và New Zealand ngày 23/3 cũng hoan nghênh quyết định của Mỹ, EU, Canada và Anh khi áp lệnh trừng phạt với các quan chức Trung Quốc.
Trung Quốc ngay lập tức có động thái đáp trả, áp lệnh trừng phạt đối với hàng loạt cá nhân và tổ chức của EU. Trung Quốc và EU cũng triệu tập các nhà ngoại giao của nhau để phản đối lệnh cấm vận.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/bac-kinh-dap-tra-phuong-tay-trung-quoc-ngay-nay-khac-han-120-nam-truoc-20210324214134332.htm