Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang xem xét chi 3 ngàn tỉ USD cho cơ sở hạ tầng để tái thiết nước Mỹ, khoản chi tiêu này sẽ chia thành hai dự luật để đưa quốc hội thông qua.
Kế hoạch cơ sở hạ tầng để tái thiết nước Mỹ sẽ theo sau Kế hoạch Giải cứu người Mỹ trị giá 1,9 nghìn tỉ USD mà Tổng thống Biden đã ký hồi đầu tháng 3-2021, nhằm giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi sau những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra, theo báo Asia Times.
Tổng thống Biden, người nhậm chức vào tháng 1-2021, thề sẽ thông qua dự luật thứ hai nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng ở Mỹ và tạo việc làm, truyền thông Mỹ đưa tin hôm 22-3.
"Chúng tôi sẽ sử dụng tiền đóng thuế của người dân để xây dựng lại nước Mỹ. Chúng tôi sẽ mua các sản phẩm của Mỹ, hỗ trợ hàng triệu công việc sản xuất, nâng cao sức mạnh Mỹ trong một thế giới ngày càng cạnh tranh " - Tổng thống Biden cho biết.
Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AP
Tuy nhiên, bất kỳ biện pháp mới nào cũng có thể gặp phải những khó khăn trong quốc hội, nơi đảng Dân chủ chiếm ưu thế mong manh trong Hạ viện và chia đều ghế với đảng Cộng hòa tại Thượng viện. Vì vậy, buộc họ phải sử dụng một thủ tục đặc biệt của quốc hội để thông qua Kế hoạch giải cứu người Mỹ mà không có sự ủng hộ của phe đối lập.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki phản bác các thông tin và nói: "Tổng thống Biden và chính quyền của ông đang xem xét một loạt các lựa chọn tiềm năng về cách đầu tư vào các gia đình lao động và việc cải cách thuế".
Bà nói: "Những cuộc bàn bạc đó đang diễn ra, vì vậy bất kỳ suy đoán nào về các đề xuất kinh tế trong tương lai là quá sớm và không phản ánh suy nghĩ của Nhà Trắng".
Theo truyền thông Mỹ, kế hoạch mới sẽ được chia thành hai phần, với mục tiêu đầu tiên nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, bao gồm khoản đầu tư 400 tỉ USD vào chống biến đổi khí hậu. Đồng thời chi 200 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng nhà ở, 100 tỉ USD cho nhà thu nhập thấp và 60 tỉ USD cho mạng lưới giao thông xanh.
Đề xuất thứ hai sẽ tập trung vào lực lượng lao động và chi trả cho các trường đại học cộng đồng miễn phí, giáo dục mầm non và nghỉ phép có lương.
Kế hoạch cũng mở rộng các khoản tín dụng thuế nhằm mục đích chống lại tình trạng nghèo đói ở trẻ em và giúp người Mỹ có đủ tiền mua bảo hiểm y tế, theo các báo cáo.
Kế hoạch Giải cứu Mỹ, cùng với Đạo luật CARES trị giá 2,2 ngàn tỉ USD được thông qua vào tháng 3-2020 và dự luật 900 tỉ USD được thông qua vào tháng 12-2020, đã giúp nền kinh tế Mỹ tránh khỏi tình trạng suy thoái tồi tệ hơn sau khi đại dịch gây ra hàng loạt sa thải và đóng cửa kinh doanh trên toàn quốc.
Tuy nhiên, những đề xuất tốn kém đã tàn phá nền tài chính quốc gia, khiến thâm hụt ngân sách Mỹ lên tới 3,1 ngàn tỉ USD vào năm 2020. Đây là mức cao nhất mọi thời đại mà Ủy ban Ngân sách Quốc hội dự báo nợ quốc gia sẽ tăng trên GDP trong năm nay.
Vẫn chưa rõ Tổng thống Biden sẽ chi trả như thế nào cho các kế hoạch này nhưng thông tin cho biết ông có thể cân nhắc việc tăng thuế đối với các tập đoàn hoặc những người có thu nhập cao nhất - các đề xuất mà đảng Cộng hòa có thể từ chối.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nha-trang-xem-xet-chi-3-ngan-ti-usd-de-tai-thiet-nuoc-my-20210324104055468.htm