Cảnh sát, lính cứu hỏa Myanmar nằm trong nhóm 400 người trong những tuần qua đã vượt biên sang Ấn Độ, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á đang gặp hỗn loạn vì đảo chính và biểu tình.
Các cảnh sát Myanmar vượt biên trái phép sang Ấn Độ ngồi trong một nơi trú ẩn tạm thời tại bang Mizoram, Ấn Độ hôm 13/3 (Ảnh: AFP).
Reuters đưa tin, hơn 400 người Myanmar, trong đó có nhiều người là cảnh sát, đã vượt biên sang nước láng giềng Ấn Độ từ cuối tháng 2 trong bối cảnh lực lượng an ninh Myanmar đang có nhiệm vụ đối phó với phong trào biểu tình phản đối cuộc đảo chính ngày 1/2.
Nhiều cảnh sát thừa nhận rằng họ rời đi vì họ lo ngại sẽ bị xét xử sau khi từ chối không thi hành mệnh lệnh của chính quyền quân sự về việc bắn vào người biểu tình.
"Khoảng 116 người vượt biên hôm 12/3", một sĩ quan cảnh sát giấu tên ở bang Mizoram, Ấn Độ, nói với Reuters hôm 15/3.
Nhóm vượt biên bao gồm cảnh sát và lính cứu hỏa, một số người trong số họ chỉ mang theo quần áo nhét vào bao tải nhựa màu trắng khi họ vượt qua biên giới.
Chính phủ liên bang của Ấn Độ đã yêu cầu chính quyền địa phương ngăn chặn dòng người vượt biên nhưng tại biên giới, một số khu vực có địa hình núi non và khó tuần tra. Ngoài ra, giữa người dân ở 2 bên biên giới cũng có những mối quan hệ mật thiết về dân tộc và văn hóa.
Khoảng 140 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2, khi quân đội viện dẫn cáo buộc cuộc bầu cử tháng 11/2020 có gian lận và lật đổ chính quyền dân sự. Hàng trăm nghìn người Myanmar vẫn xuống đường biểu tình. Lực lượng an ninh đã dùng nhiều biện pháp để giải tán đám đông như đạn cao su, vòi rồng, hơi cay và cả đạn thật.
Chính quyền quân sự Myanmar cho biết họ đang hết sức kiềm chế trong việc xử lý những gì họ mô tả là phong trào của "những người biểu tình bạo loạn" mà họ cáo buộc tấn công cảnh sát và gây tổn hại đến an ninh và ổn định quốc gia.
Một trong những nhóm lớn nhất tới Ấn Độ gần đây - vào khoảng 100 người - đang sống ở một ngôi làng tại huyện Champhai, Mizoram, cách sông Tiau ở biên giới giữa hai nước một đoạn lái xe ngắn trên những con đường núi gồ ghề.
Trong số những người này có một quan chức cứu hỏa ở bang Chin, Myanmar tên là Khaw, 34 tuổi. Anh cho biết, hôm 18/2, anh nhận được lệnh của cấp trên về việc giải tán đám đông biểu tình.
Khaw cho hay, anh đã từ chối nhận lệnh và cùng 20 lính cứu hỏa khác đình công. "Tôi ủng hộ phong trào bất tuân dân sự. Tôi không muốn sống dưới sự kiểm soát của quân đội", Khaw nói, nhấn mạnh 16 lính cứu hỏa Myanmar cũng đã chọn vượt biên sang Ấn Độ.
Khaw cho biết sau khi tham gia phong trào biểu tình, anh cùng 30 người khác đã trốn trong 1 khu rừng. Tuy nhiên, tới ngày 3/3, lực lượng an ninh Myanmar đã phát hiện ra nơi ẩn náu của họ, buộc Khaw và những người khác phải vượt biên.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/400-nguoi-myanmar-vuot-bien-sang-an-do-canh-sat-bo-tron-vi-chong-quan-lenh-20210316065136710.htm#dt_source=Cate_TheGioi&dt_campaign=Top3&dt_medium=3