Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng lực lượng hải quân với sức mạnh vượt Mỹ, nhưng Bắc Kinh hiện có quá ít căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Các sĩ quan trên tàu hải quân Trung Quốc (Ảnh: Xinhua).
Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khởi động chương trình hiện đại hóa quân đội. Kể từ đó, Bắc Kinh đã rót hàng triệu USD vào việc nghiên cứu và phát triển các thiết bị quân sự mới.
Số tiền Trung Quốc chi cho lực lượng hải quân đã được sử dụng để đóng thêm hàng loạt tàu mới, mở rộng hạm đội hải quân của nước này.
Theo báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Mỹ trình Quốc hội hồi năm ngoái, Trung Quốc đã vượt Mỹ về quy mô hạm đội hải quân.
"Trung Quốc có hạm đội hải quân lớn nhất thế giới, với lực lượng tác chiến gồm tổng cộng gần 350 tàu nổi và tàu ngầm, trong đó có hơn 130 tàu chiến nổi. Trong khi đó, lực lượng tác chiến của hải quân Mỹ có xấp xỉ 293 tàu tính đến đầu năm 2020", báo cáo do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố vào tháng 9/2020.
Các nhà phân tích nhận định việc mở rộng hạm đội hải quân nhằm bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài, nhất là khi Bắc Kinh đang khởi động các dự án cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên điều này cũng đặt ra thách thức với Bắc Kinh. Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có quá ít căn cứ quân sự ở nước ngoài để hỗ trợ nước này đạt được tham vọng.
Theo SCMP, Mỹ hiện duy trì gần 800 căn cứ quân sự ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, mặc dù Washington gần đây đã đóng cửa hàng trăm căn cứ tại Iraq và Afghanistan. Trong khi đó, Trung Quốc cho đến nay mới chỉ có một căn cứ quân sự ở Djibouti.
Hai tháng trước khi căn cứ Djibouti bắt đầu đi vào hoạt động tại châu Phi hồi năm 2017, cố vấn quân sự Trung Quốc Kim Nhất Nam đã kêu gọi Bắc Kinh xây dựng thêm nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài để bảo vệ các lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở các khu vực xa lãnh thổ.
"Trước đây chúng tôi từng nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài, nhưng bây giờ chúng tôi đã có một căn cứ. Vì sao? Liệu có phải vì Trung Quốc muốn học theo Mỹ khi tìm cách "bá quyền" trên toàn thế giới? Không. Chúng tôi phải bảo vệ lợi ích hàng hải ở những nơi xa xôi", chuyên gia Kim cho biết.
Trung Quốc có tốc độ đóng tàu đáng kể, giúp nước này thu hẹp khoảng cách với Mỹ. Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ dự đoán lực lượng tác chiến hải quân của Trung Quốc sẽ có khoảng 425 tàu nổi và tàu ngầm tính đến năm 2030.
Vì sao Trung Quốc cần căn cứ quân sự ở nước ngoài?
Theo Timothy Heath, nhà phân tích an ninh cấp cao tại viện nghiên cứu Rand của Mỹ, Trung Quốc - quốc gia sở hữu hạm đội lớn nhất thế giới cần có sự tiếp cận quân sự nhiều hơn ở nước ngoài để bảo vệ các lợi ích của nước này.
"Việc thiếu các căn cứ ở nước ngoài là vấn đề đặt ra với Trung Quốc, vì Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào các thị trường, nguồn năng lượng hay tài nguyên ở những nơi xa xôi như Trung Đông, châu Phi hay Mỹ Latinh… Nhiều dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường rất dễ bị thiệt hại hoặc bị gián đoạn, từ đó có thể tác động to lớn đến nền kinh tế Trung Quốc cũng như thế giới", chuyên gia Heath nhận định.
Mặc dù Trung Quốc phát triển lực lượng hải quân lớn mạnh, nhưng nước này không có khả năng triển khai phần lớn sức mạnh đó tại các vùng biển xa Trung Quốc, vì thiếu các căn cứ quân sự ở nước ngoài.
"Hiện tại, Trung Quốc thiếu những căn cứ hải quân như vậy vì các thỏa thuận thiết lập căn cứ (với nước khác) thường đòi hỏi những cam kết kiểu liên minh, trong khi Bắc Kinh không muốn điều này. Trung Quốc không cần học theo mô hình của Mỹ, thay vào đó có thể thực hiện dưới hình thức các thỏa thuận tiếp cận, các cơ sở hậu cần hay các dạng thỏa thuận khác", chuyên gia Heath cho biết thêm.
Chuyên gia Heath cho rằng Trung Quốc có thể thiết lập nhiều thỏa thuận tiếp cận khác nhau.
"Một hình thức tiếp cận đơn giản là cho phép các tàu hải quân Trung Quốc dừng và tiếp nhiên liệu cũng rất hữu ích, và đây có lẽ là hình thức tiếp cận quân sự phổ biến nhất mà Trung Quốc tìm kiếm. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc sẽ quản lý các cảng được sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự", chuyên gia Heath nhận định.
Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, cũng đồng tình với quan điểm trên.
"Xét về căn cứ quân sự, tôi nghĩ đó là điều tất yếu và chúng ta đang chứng kiến Trung Quốc nỗ lực đạt được mục tiêu này thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Họ đang đảm bảo việc tiếp cận, hoặc trong một số trường hợp kiểm soát, các cảng vốn là cảng thương mại, nhưng có thể hỗ trợ các hoạt động của quân đội Trung Quốc trong tương lai", ông Davis nói.
Trên thực tế, Trung Quốc đã kiểm soát nhiều cảng trên khắp thế giới. Động thái này của Bắc Kinh khiến nhiều quốc gia lo ngại.
Công ty Cosco của Trung Quốc đã bắt đầu vận hành một cảng ở Piraeus, Hy Lạp từ năm 2008. Trung Quốc cũng "có chân" trong 3 cảng lớn nhất ở châu Âu, gồm Euromax ở Rotterdam, Hà Lan, Antwerp ở Bỉ và Hamburg ở Đức.
Tại Israel, Trung Quốc đang xây dựng 2 cảng mới ở Haifa và Ashdod. Các học giả địa phương hối thúc chính phủ Israel đánh giá xem Trung Quốc có thể tham gia vào nền kinh tế của họ ở mức độ nào mà không ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Israel. Cảng Hambantota ở Sri Lanka cũng đang được Trung Quốc thuê trong hàng chục năm.
Tại Australia, một cảng ở Darwin đã cho công ty Landbridge của Trung Quốc thuê hồi năm 2015 theo một thỏa thuận gây tranh cãi kéo dài 99 năm. Động thái này buộc Australia phải siết chặt các quy định về đầu tư nước ngoài. Gần đó, đảo Daru ở Papua New Guinea cũng trở thành "điểm nóng" giữa Trung Quốc và Australia, sau khi có thông tin nói rằng một công ty Trung Quốc muốn xây dựng khu công nghiệp thủy sản trên hòn đảo này, còn một công ty khác đề xuất chi hàng tỷ USD xây dựng một thành phố tại đây.
"Có mối lo ngại lớn tại Australia về nỗ lực của Trung Quốc nhằm sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường như một cách để tiếp cận các căn cứ, thông qua hoạt động đầu tư thương mại ở những cơ sở có thể sử dụng cho cả 2 mục đích (quân sự - dân sự)", chuyên gia Davis nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Chu Chấn Minh, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, chính sách quốc phòng của Trung Quốc vốn thiên về phòng thủ nên nước này không cần thiết phải xây dựng các căn cứ quân sự ở nước ngoài.
"Việc Trung Quốc mở rộng hạm đội hải quân chủ yếu nhằm chống lại các mối đe dọa ở những vùng biển lân cận. Mỹ thường đưa nhiều tàu sân bay và máy bay chiến đấu tới Biển Đông, đôi khi đi qua eo biển Đài Loan - một khu vực gần với Trung Quốc đại lục và khiến Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa", chuyên gia Chu cho biết.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/rao-can-ngang-duong-tham-vong-hai-quan-cua-trung-quoc-20210315143515559.htm