Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC) sẽ hỗ trợ Công ty Biological E của Ấn Độ sản xuất ít nhất 1 tỉ liều vắc-xin Covid-19 trước cuối năm 2022, trong đó có vắc-xin do Công ty Johnson & Johnson của Mỹ phát triển.
Sáng kiến vắc-xin nêu trên được thảo luận tại cuộc gặp cấp lãnh đạo của nhóm "bộ tứ" (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc) nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất vắc-xin cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm tăng sản lượng vắc-xin của Ấn Độ. Cam kết phân phối 1 tỉ liều vắc-xin cho khu vực trên được đưa ra giữa lúc Liên minh châu Âu (EU) đối mặt tình trạng thiếu hụt vắc-xin.
Ngày 13-3, hãng dược AstraZeneca thông báo không cung ứng kịp các lô vắc-xin theo kế hoạch cho EU, vì các vấn đề về sản xuất và hạn chế xuất khẩu. Hiện một số quốc gia đình chỉ việc tiêm vắc-xin của AstraZeneca vì lo ngại tình trạng đông máu, dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói không có lý do gì để ngừng sử dụng.
Con phố ở thủ đô Manila - Philippines bị phong tỏa do Covid-19 hôm 12-3 Ảnh: REUTERS
Ngoài thiếu hụt nguồn cung, Áo, Cộng hòa Czech, Slovenia, Bulgaria và Latvia kêu gọi EU thảo luận về việc phân phối vắc-xin đồng đều. Các nước này lo ngại nếu tình hình hiện tại kéo dài sẽ tạo ra sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia thành viên vào mùa hè, tức một số nước nhanh chóng miễn dịch cộng đồng trong khi một số khác tụt lại phía sau.
Kế hoạch tiêm chủng thuận lợi tạo điều kiện cho Singapore và Úc thảo luận về "bong bóng du lịch hàng không", cho phép đi lại giữa hai quốc gia mà không cần kiểm dịch. Song song đó, Singapore thảo luận với Úc về việc công nhận các chứng nhận tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của nhau. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hy vọng có thể bắt đầu mở cửa lại đất nước vào cuối năm nay hoặc năm sau, cũng có thể sớm hơn.
Cũng nằm trong lộ trình mở cửa biên giới hầu như bị khép chặt trong gần một năm qua, Trung Quốc cho biết sẽ nới lỏng yêu cầu xin thị thực đối với những người nước ngoài muốn vào đại lục từ Hồng Kông, nếu họ được tiêm vắc-xin Covid-19 sản xuất tại Trung Quốc.
Trong khi đó, tờ Sankei cho biết Nhật Bản chuẩn bị chấm dứt tình trạng khẩn cấp phòng dịch Covid-19 đối với Tokyo và các vùng phụ cận vào ngày 21-3. Lý do là số bệnh nhân mắc Covid-19 phải điều trị đang giảm dần. Ngược lại, Bộ Y tế Campuchia tiếp tục kêu gọi người dân cảnh giác trong bối cảnh các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lây nhiễm nhanh ở thủ đô Phnom Penh và các tỉnh. Một nước khác ở Đông Nam Á là Philippines cũng ghi nhận các ca nhiễm biến thể siêu lây nhiễm từ Brazil, Anh, Nam Phi.
Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/covid-19-dien-bien-phuc-tap-o-nhieu-noi-2021031422001768.htm