Có một điều không thể bàn cãi là cả Mỹ và Trung Quốc đều đang ra sức củng cố lực lượng, chuẩn bị các kịch bản xấu nhất dù nhiều người vẫn không tin chiến tranh Mỹ - Trung có thể xảy ra.
Hai thủy thủ trên tàu sân bay USS Nimitz nhìn về tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trong một hoạt động quân sự tháng 2-2021 trên Biển Đông - Ảnh: Hải quân Mỹ
Truyền thông Trung Quốc hôm 11-3 đã phản pháo mạnh mẽ sau những cảnh báo của đô đốc Mỹ Philip S. Davidson và tiếp tục chỉ trích Washington mới là người gây hấn trước. Ông Davidson trước đó cho rằng Bắc Kinh sẽ có các động thái đe dọa nhiều nước trong khu vực lẫn toàn cầu, nếu Washington không có những biện pháp răn đe quy ước và phù hợp.
Việc nước nào gây hấn, nước nào giữ ổn định là vấn đề thuộc về góc nhìn nên sẽ dẫn tới những tranh cãi không hồi kết. Song có một điều không thể bàn cãi là cả Mỹ và Trung Quốc đều đang ra sức củng cố lực lượng, chuẩn bị các kịch bản xấu nhất.
Trung Quốc muốn mạnh để không bị Mỹ đè
Truyền thông nhà nước và các quan chức Trung Quốc luôn có cùng một bài khi nói về sự phát triển nhanh chóng của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA): Đây là vì mục đích phòng thủ và cũng nhằm đáp trả lại các động thái quân sự dồn dập của Mỹ tại khu vực.
"Một quân đội Trung Quốc hùng mạnh có khả năng ngăn chặn các can thiệp quân sự từ bên ngoài không chỉ là lá chắn cho Trung Quốc, mà còn là một ‘người giữ ổn định’ cho hòa bình khu vực", Thời Báo Hoàn Cầu của chính quyền Bắc Kinh nhấn mạnh trong bài xã luận đáp trả đô đốc Davidson ngày 11-3.
Lu Xiang, một chuyên gia về Mỹ được tờ này trích dẫn, cho rằng quân đội Trung Quốc càng mạnh và vẫn kiên định phát triển hòa bình thì khả năng xung đột với Mỹ tại khu vực sẽ càng thấp. Nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng theo quan điểm "răn đe chiến lược" bằng quân sự hay bắt gặp ở Mỹ.
Trung Quốc không che giấu mục tiêu biến PLA thành một quân đội đẳng cấp thế giới. Hồi tháng 2 rồi, PLA tuyên bố sẽ xây dựng một hệ thống huấn luyện kiểu mới giúp cải thiện việc huấn luyện quân sự về mọi mặt, tăng cường khả năng chiến thắng trong các cuộc chiến tranh.
Bắc Kinh đã tăng 6,8% chi tiêu cho quốc phòng trong năm 2021, hướng tới việc sở hữu một loạt hệ thống vũ khí mới để bắt kịp Mỹ trong vòng 5 năm tới.
Đầu tiên là lực lượng hàng không mẫu hạm. Trung Quốc hiện đang đóng tàu sân bay thứ ba, được cho là sẽ lớn hơn nhiều so với hai chiếc trước của nước này và trang bị các máy phóng điện từ. Các nhà phân tích dự đoán nó có thể ra mắt trong 1 hoặc 2 năm nữa và đi vào hoạt động vào năm 2025.
Biên đội tiêm kích của PLA cất cánh trong một cuộc tập trận diễn ra trong địa bàn phụ trách của Chiến khu Nam Bộ Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình ChinaMil
Máy bay ném bom tàng hình tầm xa H-20 cũng được trông chờ hoàn tất trong 5 năm tới, giúp Trung Quốc sở hữu "chiếc đinh ba răn đe hạt nhân" hoàn chỉnh như Mỹ.
Theo Thời Báo Hoàn Cầu, những bổ sung khác cho kho vũ khí của PLA có thể bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ tiếp theo, siêu pháo điện từ gắn trên tàu chiến, tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân Type 095 và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Type 096.
Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự Trung Quốc, cho rằng PLA sẽ tiến tới tinh gọn lực lượng và hiện đại hóa khí tài bởi tránh thương vong sẽ trở thành tiêu chuẩn cho chiến tranh trong tương lai. Điều đó đồng nghĩa việc phát triển các loại vũ khí không người lái có thể nằm trong các mục tiêu của PLA trong 5 năm tới.
Mỹ trên đà suy thoái?
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Mỹ hồi đầu tháng 3 đã thừa nhận PLA sẽ lấn lướt quân đội Mỹ tại khu vực trong tương lai gần. Nếu kế hoạch của Trung Quốc đúng tiến độ, tiềm lực tàu sân bay của Bắc Kinh vào năm 2025 sẽ gấp 3 lần Washington tại phía tây Đường chuyển ngày quốc tế.
Trên cơ sở đó, INDOPACOM đề xuất tăng thêm hơn 7 tỉ USD cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương, nâng tổng số tiền cho ý tưởng ngăn chặn Trung Quốc lên hơn 27 tỉ USD trong vòng 6 năm tới.
Cảnh báo của INDOPACOM có phần "đúng nhưng chưa trúng" khi loại bỏ các căn cứ lớn của Mỹ ở Hawaii khiến nhiều người hiểu lầm quân đội Mỹ đang dần đuối sức trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mặc dù vậy, thực tế là ngày càng nhiều tướng lĩnh Mỹ tỏ ra bi quan trước viễn cảnh đối đầu với PLA.
"Chúng ta không chỉ thua mà còn là thua nhanh nếu không điều chỉnh hướng đi", trung tướng không quân Mỹ S. Clinton Hinote nhớ lại lời của một sĩ quan sau một cuộc mô phỏng chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc năm 2018.
Tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương (phía tây Đường chuyển ngày quốc tế) vào năm 2025 - Nguồn: INDOPACOM
Trong nhiều năm qua, Lầu Năm Góc đã tiến hành nhiều vụ mô phỏng đụng độ với PLA, bao gồm một vụ tuyệt mật vào mùa thu năm 2020. Chi tiết về cuộc chiến mô phỏng này chỉ mới được hé lộ ngày 11-3.
Theo Yahoo News, nội dung mô phỏng là một cuộc xung đột kéo dài hơn 10 năm, bắt đầu bằng một cuộc tấn công bằng vũ khí sinh học của Trung Quốc khiến căn cứ và tàu chiến của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bị ảnh hưởng.
Một cuộc tập trận quân sự lớn sau đó được Trung Quốc sử dụng làm vỏ bọc cho việc triển khai lực lượng xâm lược. Quá trình mô phỏng lên đến đỉnh điểm với các cuộc tấn công bằng tên lửa của Trung Quốc nhằm vào các căn cứ và tàu chiến của Mỹ trong khu vực, cũng như một cuộc tấn công đường không và đổ bộ chớp nhoáng vào đảo Đài Loan.
Theo tướng Hinote, trong khi nhiều người vẫn không tin chiến tranh Mỹ - Trung có thể xảy ra, thật khó để khiến họ tin rằng quân đội Mỹ sẽ thua trận. "Đó là lý do cần tiến hành các vụ mô phỏng. Chúng cho ta biết những thứ không khả thi vào hiện tại có thể trở thành hiện thực như thế nào. Nhưng ở mặt khác, những cuộc mô phỏng đó cũng chỉ ta cách khắc phục điểm yếu".
Bất chấp những lời cảnh báo sau các vụ mô phỏng, Lầu Năm Góc vẫn chậm chạp trong việc điều chỉnh các kế hoạch chi tiêu dài hạn hoặc đầu tư vào các năng lực quân sự cần thiết để bảo vệ Đài Loan hoặc Biển Đông, theo cây bút lão luyện về an ninh quốc phòng James Kitfield.
Theo các chuyên gia, nếu không muốn thua cuộc trước PLA, Lầu Năm Góc cần những quyết định táo bạo chưa từng có.
Ví dụ gần đây thủy quân lục chiến Mỹ đã quyết định nói không với xe tăng và thiết giáp hạng nặng vào năm 2030 để đầu tư vào tên lửa chống hạm và các khí tài tấn công cơ động, có khả năng sống sót cao để tối đa hóa khả năng chiến thắng trong cuộc chiến với Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là liệu Lầu Năm Góc có dám táo bạo với các lực lượng khác hay không? Chẳng hạn hải quân Mỹ có từ bỏ tàu tuần dương hay tàu khu trục để thay thế bằng những chiến hạm nhẹ hơn, đa năng hơn và có thể chiến đấu hiệu quả gần bờ hay không?
Câu trả lời có thể sẽ sớm có trong vòng 1 năm tới sau khi "Nhóm đặc nhiệm Trung Quốc" do Lầu Năm Góc dẫn đầu hoàn tất việc nghiên cứu đối thủ và đưa ra các khuyến nghị cho Chính phủ Mỹ.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/quan-doi-my-trung-chuan-bi-cac-kich-ban-xau-nhat-20210312010610873.htm