Giới chức Mỹ và Trung Quốc được cho đang đàm phán về một cuộc họp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa các nhà ngoại giao 2 nước kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.
Ông Biden gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào năm 2013 khi ông Biden đang là Phó tổng thống Mỹ (Ảnh: Reuters).
"Tất nhiên sẽ có các cuộc trao đổi giữa Tổng thống Joe Biden và đội ngũ phụ trách an ninh quốc gia của ông với Trung Quốc và các quốc gia khác trong thời gian tới", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki phát biểu hôm 9/3 khi được đề nghị xác nhận liệu cuộc gặp có diễn ra hay không.
"Chúng tôi đang trao đổi trực tiếp. Có hàng loạt vấn đề chúng tôi chắc chắn sẽ bàn bạc với Trung Quốc thông qua các cuộc trao đổi. Chúng tôi không giấu giếm về mối lo ngại của mình nhưng cũng tìm kiếm cơ hội để hợp tác cùng nhau", bà Psaki cho hay.
SCMP trước đó dẫn nguồn tin nói rằng, Trung Quốc và Mỹ dường như đang đàm phán để các nhà ngoại giao hàng đầu của họ gặp nhau ở Alaska trong nỗ lực cải thiện mối quan hệ trải qua nhiều biến động nhưng quan trọng. Đại diện phía Mỹ có thể là Ngoại trưởng Antony Blinken.
Phái đoàn Trung Quốc được cho sẽ do ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn đầu. Ngoài ra, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có thể cũng sẽ tham gia cuộc gặp. Đây là 2 nhà ngoại giao cấp cao nhất Trung Quốc và cũng là những quan chức thân cận hàng đầu của ông Tập.
Nếu cuộc gặp diễn ra, đây sẽ là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang kỳ vọng về việc xây dựng lại quan hệ với Mỹ, và cũng là cuộc họp trực tiếp cấp cao đầu tiên mà Mỹ và Trung Quốc tổ chức kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1.
Nguồn tin nói rằng, cuộc gặp có thể sẽ được tổ chức ở Anchorage, thành phố lớn nhất Alaska. Địa điểm cụ thể hay những chi tiết khác về cuộc gặp chưa được công bố.
"Khó mang lại kết quả cụ thể"
Mỹ và Trung Quốc đang vướng vào hàng loạt những căng thẳng liên quan tới vấn đề Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương, Biển Đông, thương mại,… Tuy nhiên, đại diện cả 2 bên đều từng tuyên bố rằng họ hiểu rõ mức độ quan trọng của mối quan hệ song phương giữa 2 nước.
Liu Weidong, chuyên gia từ Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, mô tả Alaska là một điểm gặp gỡ lý tưởng, vì nó nằm giữa thủ đô 2 nước, mặc dù đây vẫn là lãnh thổ Mỹ.
Tuy nhiên, Alaska không nằm trên phần lục địa Mỹ, nên tránh được việc gây ra ấn tượng rằng một trong hai bên phải tỏ ra nhượng bộ để cuộc gặp được diễn ra.
Ông Liu cho rằng cuộc gặp sẽ là cơ hội để 2 bên nắm được về "lằn ranh đỏ" của nhau và tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề, nhưng ông nhận định cuộc gặp khó mang lại kết quả cụ thể.
"Tôi nghĩ cả 2 bên sẽ đều không kỳ vọng có kết quả ngay lập tức vì đây chỉ là động thái nối lại hoạt động giao tiếp cấp cao, sau khi toàn bộ những liên hệ này gần như bị gián đoạn trước đó", Liu nói.
Chuyên gia Wei Zongyou từ đại học Phục Đán (Trung Quốc) nhận định có một khả năng rằng cuộc họp có thể sẽ đặt nền tảng cho cuộc gặp trong tương lai giữa ông Biden và ông Tập.
Nhà nghiên cứu Chen Qi từ đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) cho rằng ông Dương Khiết Trì và ông Blinken có thể bàn bạc về các vấn đề mà 2 bên cần hợp tác để xử lý như tình hình Myanmar, thỏa thuận hạt nhân Iran và nỗ lực phục hồi kinh tế.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/my-trung-dam-phan-tim-kiem-cuoc-gap-cap-cao-dau-tien-duoi-thoi-biden-20210310112935288.htm#dt_source=Cate_TheGioi&dt_campaign=Top3&dt_medium=3