24
/
106103
Trung Quốc, EU ủng hộ 'hộ chiếu vắc xin'
trung-quoc-eu-ung-ho-ho-chieu-vac-xin
news

Trung Quốc, EU ủng hộ 'hộ chiếu vắc xin'

Thứ 3, 09/03/2021 | 11:05:14
707 lượt xem

Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc lên tiếng ủng hộ việc dùng chứng nhận tiêm vắc xin ngừa COVID-19 (hộ chiếu vắc xin) như một giải pháp tháo gỡ cho việc đi lại quốc tế thời đại dịch.

Trung Quốc, EU ủng hộ hộ chiếu vắc xin - Ảnh 1.

Các hành khách tới sân bay Charles de Gaulle (Pháp) đang làm xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: EPA

Trong thông báo mới nhất, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng thử nghiệm ý tưởng này để có thể bảo đảm an toàn cho các hoạt động đi lại xuyên biên giới của người dân. EU cũng ủng hộ sáng kiến này.

Cởi trói cho việc làm và du lịch

Chính quyền Trung Quốc kỳ vọng tới cuối tháng 7 có thể tiêm vắc xin được 40% dân số, tăng đáng kể so với tỉ lệ 3,56% hiện nay, theo số liệu do chuyên gia Chung Nam Sơn, lãnh đạo Ủy ban Nghiên cứu và phát triển vắc xin COVID-19 của Trung Quốc, công bố gần đây.

Một chuyên gia của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC) Trung Quốc dự đoán nước này có thể đạt 90% miễn dịch cộng đồng trong tháng 8 và đã đề xuất kế hoạch nối lại hoạt động đi lại giữa Mỹ và Trung Quốc nếu miễn dịch cộng đồng diễn ra.

Tương tự, EU trong tháng này dự kiến trình bày các đề xuất về một loại "thẻ đi lại số hóa" cho các công dân EU. Loại thẻ này sẽ xác định cụ thể một người nào đó đã được tiêm vắc xin COVID-19 hay chưa, hoặc nếu chưa tiêm thì cũng cung cấp thông tin chi tiết về các kết quả xét nghiệm COVID-19 mới nhất của họ.

Báo Wall Street Journal cho biết các lãnh đạo EU ước tính cần phải mất ba tháng để đưa chương trình "hộ chiếu vắcxin" vào hoạt động. "Mục tiêu là dần dà sẽ giúp các công dân EU có thể di chuyển an toàn trong khối hoặc ra nước ngoài làm việc hoặc du lịch", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói.

Trong xu thế ủng hộ "hộ chiếu vắc xin" lan rộng tại châu Âu, chính quyền Anh dù ban đầu bác bỏ việc này song tuần trước đã nói đang cân nhắc lợi hại của sáng kiến này.

Thực tế ngày càng có thêm chính phủ các nước ủng hộ ý tưởng cho rằng "hộ chiếu vắc xin" hứa hẹn trở thành một trong những công cụ hữu ích làm nền tảng cho quá trình hồi phục kinh tế hậu đại dịch.

WHO thận trọng

Về phía những người ủng hộ, "hộ chiếu vắc xin" sẽ giúp nối lại việc đi lại vì công việc và du lịch, từ đó giúp các nền kinh tế có thể tự đứng dậy sau khủng hoảng. 

Không ngạc nhiên khi những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ nhất "hộ chiếu vắc xin" là các hãng hàng không và các quốc gia có nền kinh tế lệ thuộc nhiều vào du lịch. Những nước này đều đang nỗ lực và tìm mọi phương cách để có thể "bình thường hóa" việc đi lại quốc tế sớm nhất vào mùa hè năm nay.

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự kiến tháng này ra mắt một ứng dụng để hành khách tự tải lên đó ảnh chụp các tài liệu chứng thực đã tiêm vắc xin. Tất nhiên nhân viên IATA có thể xác minh những tài liệu này nếu thấy nghi ngờ. Chẳng hạn họ có thể liên hệ với cơ sở y tế đã tiêm vắc xin được nêu trong tài liệu chứng thực của hành khách.

Kể từ mùa thu năm ngoái, IATA đã cố gắng thuyết phục WHO ủng hộ đề xuất của họ, tuy nhiên mọi sự dường như chưa suôn sẻ. 

"Chúng tôi sẽ vẫn xúc tiến mọi chuyện mà không có họ (WHO - PV)... Chúng tôi có những quốc gia mà họ sẽ phát cuồng nếu không thể đón tiếp du khách và họ không phải những nước nhỏ: Tây Ban Nha, Hi Lạp, Thái Lan" - ông Nick Careen, phó chủ tịch cao cấp IATA, nói.

Tới nay WHO vẫn từ chối ủng hộ kế hoạch sử dụng "hộ chiếu vắc xin" vì cho rằng cần thêm thông tin về sáng kiến này. Có hai lý do lý giải sự thận trọng của WHO. 

Thứ nhất, nhiều chuyên gia bệnh truyền nhiễm và WHO tới giờ vẫn còn lấn cấn ở một điểm chưa biết về những người đã được tiêm vắc xin có thể hay không thể lây bệnh cho người khác, mặc dù các dữ kiện ban đầu cho thấy nguy cơ lây là thấp.

Thứ hai, một số nhà lãnh đạo của WHO bày tỏ lo ngại việc cho phép những người đã tiêm vắc xin được tự do đi lại trong khi vẫn tiếp tục đóng cửa biên giới và buộc những người khác phải tuân thủ cách ly y tế có thể dẫn tới sự kỳ thị rất lớn. 

Cho tới nay, 75% tổng số liều vắc xin COVID-19 hiện có chỉ tập trung tại 10 quốc gia như cảnh báo của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres công bố trong tháng 2.

"Hộ chiếu vắc xin" có thể sẽ thành cái "hạn chế đi lại hơn là cho phép" như ông Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO, từng nói như vậy vào tháng trước. Và đó là lý do mà WHO cho rằng đây vẫn là vấn đề chưa phải làm gấp rút, nhưng chắc chắn cần được bàn thảo trong nhiều tháng tới.

Mỹ chần chừ

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa nói rõ sẽ đưa vấn đề tiêm chủng vắc xin COVID-19 vào các yêu cầu kiểm soát đi lại của Mỹ hay không. Cho tới nay, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ vẫn chưa phát văn bản hướng dẫn về vấn đề này. CDC cho biết hiện chưa có các tiêu chuẩn quốc tế về việc tiêm vắc xin hay tài liệu chứng thực tiêm vắc xin.

Do đó mới đây nhất, bà Caitlin Shockey, người phát ngôn CDC Mỹ, cho biết tới lúc có những thay đổi khác, "mọi hành khách đi lại đường không tới Mỹ, bất kể đã tiêm vắc xin hay đã có kháng thể ngừa virus corona, vẫn sẽ được yêu cầu phải trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính hoặc tài liệu chứng minh đã khỏi bệnh".

Theo Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/trung-quoc-eu-ung-ho-ho-chieu-vacxin-2021030907515392.htm

  • Từ khóa

Seoul đang hứng tuyết dày ngày thứ 2, gần gấp đôi "kỷ lục thế kỷ" hôm trước

Hàn Quốc đang vật lộn với ngày tuyết rơi dày thứ 2 với ít nhất 4 người đã thiệt mạng, có nơi ở Seoul lớp tuyết lên tới 40 cm.
16:22 - 28/11/2024
122 lượt xem

Thái Lan 'hành động quyết liệt' để bảo vệ đạo Phật

Chính phủ Thái Lan khẳng định sẽ hành động quyết liệt hơn để bảo vệ Phật giáo trước hàng loạt tệ nạn như ma túy, cờ bạc, trục lợi tiền cúng dường, truyền...
15:22 - 28/11/2024
147 lượt xem

Ông Medvedev nêu điều kiện dẫn đến việc tấn công các căn cứ NATO

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng Nga có thể tấn công các căn cứ NATO trong trường hợp leo thang.
13:54 - 28/11/2024
165 lượt xem

Bolivia - Trung Quốc ký thỏa thuận xây nhà máy lithium carbonat

Bolivia ngày 26.11 cho biết họ đã ký một thỏa thuận trị giá 1 tỉ USD với CBC của Trung Quốc, một công ty con của gã khổng lồ sản xuất pin CATL, để xây...
12:10 - 28/11/2024
227 lượt xem

Đông Nam Á thúc đẩy sản xuất nội địa

Việc cấm bán iPhone 16 khiến Indonesia trở thành hình mẫu khu vực trong việc bảo vệ quyền lợi cho các ngành sản xuất trong nước trước sức ép cạnh tranh...
09:50 - 28/11/2024
283 lượt xem