Mỹ đang thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao cấp cao để giải quyết các vấn đề binh sỹ đang đồn trú tại Afghanistan, đồng thời nhanh chóng hướng tới một lệnh ngừng bắn lâu dài và toàn diện tại nước này.
Các binh sỹ Mỹ tại tỉnh Helmand ở Afghanistan. (Nguồn: Reuters)
Ngày 7/3, Chính phủ Mỹ khẳng định vẫn để ngỏ toàn bộ các phương án liên quan 2.500 binh sỹ đang đồn trú tại Afghanistan, nhấn mạnh Washington vẫn chưa đưa ra quyết định về các cam kết quân sự sau ngày 1/5 tới.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi giảm bạo lực trong 90 ngày ở Afghanistan, một nỗ lực hòa bình mới do Liên hợp quốc chủ trì, đồng thời cảnh báo Mỹ đang cân nhắc rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan vào ngày 1/5 cùng với các biện pháp khác.
Lời kêu gọi này được đưa ra trong một bức thư của Ngoại trưởng Blinken gửi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani do các hãng tin công bố.
Theo lá thư, Mỹ đang thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao cấp cao để giải quyết các vấn đề một cách cơ bản, đồng thời nhanh chóng hướng tới một lệnh ngừng bắn lâu dài và toàn diện.
Lá thư nêu rõ Mỹ sẽ đề nghị Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp với sự tham gia của các ngoại trưởng và phái đoàn từ Nga, Trung Quốc, Pakistan, Iran, Ấn Độ và Mỹ để thảo luận cách tiếp cận thống nhất nhằm hỗ trợ hòa bình tại Afghanistan.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập cuộc họp cấp cao của hai bên trong những tuần tới để hoàn tất thỏa thuận hòa bình.
Lá thư trên nhấn mạnh đề xuất giảm bạo lực trong 90 ngày nhằm ngăn ngừa làn sóng tấn công vào mùa Xuân của Taliban. Trong trường hợp Mỹ rút quân, Ngoại trưởng Blinken lo ngại rằng tình hình an ninh sẽ xấu đi và Taliban có thể nhanh chóng đánh chiếm các vùng lãnh thổ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối xác nhận bức thư trên, đồng thời cho biết Mỹ vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về lực lượng quân đội ở Afghanistan sau ngày 1/5.
Trước đó, nhằm thúc đẩy các cuộc hòa đàm với lực lượng Taliban, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngày 6/3 tuyên bố chính phủ của ông đã sẵn sàng thảo luận về việc tổ chức cuộc bầu cử mới, đồng thời khẳng định tất cả các chính phủ mới đều nên được thành lập thông qua tiến trình dân chủ này.
Tuần trước, Tổng thống Ghani cũng đã gặp Đặc phái viên Mỹ tại Afghanistan Zalmay Khalilzad ở thủ đô Kabul, thảo luận vấn đề thúc đẩy cuộc hòa đàm vốn bị đình trệ với các đại diện Taliban tại Qatar. Sau cuộc gặp này, ông Khalilzad đã đến Qatar.
Sau khi nhậm chức vào tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu xem xét lại chính sách đối với Afghanistan, trong đó có thỏa thuận hòa bình đạt được giữa chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump với Taliban vào đầu năm 2020.
Theo thỏa thuận này, tất cả lực lượng Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan trước tháng Năm. Tuy nhiên, Washington đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi mà hạn chót đang đến gần nhưng Taliban không có dấu hiệu chấm dứt bạo lực tại Afghanistan.
Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã điện đàm với Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan, Zalmay Khalilzad, để thảo luận về những diễn biến mới nhất liên quan đến tiến trình đàm phán hòa bình tại Afghanistan.
Ấn Độ đang hết sức quan tâm tới tình hình chính trị Afghanistan, sau khi Mỹ ký một thỏa thuận hòa bình với Taliban. Phía Ấn Độ cho rằng cần phải thận trọng để đảm bảo rằng bất kỳ tiến trình nào như vậy cũng không được phép tạo điều kiện cho các phần tử khủng bố hoành hành.
Trong những năm qua, Ấn Độ đã viện trợ phát triển cho Afghanistan với tổng trị giá khoảng 3 tỷ USD./.
Theo Đặng Huyền-Đặng Ánh-Huy Lê (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/my-can-nhac-rut-toan-bo-binh-sy-khoi-afghanistan-vao-ngay-15/698439.vnp