24
/
106057
Người Mỹ ghét 'virus Vũ Hán', dân gốc Á bị vạ lây
nguoi-my-ghet-virus-vu-han-dan-goc-a-bi-va-lay
news

Người Mỹ ghét 'virus Vũ Hán', dân gốc Á bị vạ lây

Thứ 2, 08/03/2021 | 14:32:29
738 lượt xem

Chưa bao giờ người Mỹ gốc Á bị kỳ thị, quấy rối và lăng nhục nhiều như khoảng thời gian dịch COVID-19 hoành hành. Truyền thông Mỹ những ngày qua đã liên tục lên tiếng cảnh báo.

Người Mỹ ghét virus Vũ Hán, dân gốc Á bị vạ lây - Ảnh 1.

Các thành viên của Ủy ban người Mỹ gốc Á trong một lần tổ chức họp báo tại thành phố Boston để nói về tình trạng phân biệt với người gốc Á do dịch COVID-19 - Ảnh: AFP

"Hắn khai hắn nghĩ những người này mang virus đến đây và làm lây lan. Với hắn, mọi người gốc Á đều đến từ Trung Quốc.  

Nữ thẩm phán Laura Nodolf quận Midland (bang Texas) kể về trường hợp một thanh niên 19 tuổi dùng dao tấn công người đàn ông gốc Á cùng hai đứa con nhỏ của ông này.

Cô Kiwi Wongpeng dừng xe chờ đèn đỏ ở một ngã tư thuộc khu ngoại ô thành phố Cleveland, bang Ohio thì bỗng một chiếc bán tải tiến tới bên cạnh, người tài xế ra dấu cho cô kéo cửa kính xuống. Cô chưa hiểu chuyện gì thì hắn đã tuôn một tràng: "Cút khỏi đất nước của tao, đây là lệnh! Tao sẽ giết mày".

Câu chuyện trên là một trong hàng ngàn hành động phân biệt người gốc Á xảy ra ở Mỹ trong năm vừa qua được báo Los Angeles Times dẫn lại. Bức tranh đằng sau có thể còn tệ hơn.

Vì đâu nên nỗi?

Gia đình cô Wongpeng rời Thái Lan đến Mỹ cách đây 20 năm, họ mở một nhà hàng chuyên món Thái. Người phụ nữ 34 tuổi không xa lạ gì với nạn kỳ thị chủng tộc ở Mỹ, nhưng cô chưa bao giờ nghe lời lẽ nào trực tiếp và bạo lực như vụ việc hồi tháng 4-2020, thời điểm mà nhiều thành phố của Mỹ đang phong tỏa do dịch COVID-19.

Cô Wongpeng tin rằng gã tài xế thô lỗ hẳn đã nhầm cô với người gốc Hoa, hắn đổ lỗi cho cô mang con virus đến Mỹ vì ổ dịch COVID-19 lớn đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. "Tôi sợ không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng của tôi và người gốc Á trên khắp nước Mỹ" - cô tâm sự.

Trong năm 2020, Tổ chức Stop AAPI Hate thống kê được hơn 2.800 hành động/tội ác chống người gốc Á dưới nhiều hình thức khác nhau, ví dụ bị lăng nhục, đe dọa (như với cô Wongpeng), bị tẩy chay ở nơi làm việc, bị tấn công gây thương tích... Riêng số liệu của Cục Điều tra liên bang (FBI) chưa được công bố.

Giới quan sát nhận xét sự gia tăng kiểu tội ác này rõ ràng liên quan đến dịch COVID-19, khởi đầu với việc nhiều người tin virus có nguồn gốc Trung Quốc, mở rộng thêm là mối đe dọa kinh tế - chính trị nước này phủ bóng lên Mỹ.

Cựu tổng thống Donald Trump từng công khai dùng từ "virus Vũ Hán" và chỉ trích những ai dám phê bình ông kích động tâm lý chống người châu Á. Hậu quả có thể thấy rõ, một khảo sát gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew (Washington D.C) ghi nhận tâm lý bài Trung Quốc ở Mỹ đã chạm mức cao nhất trong gần 20 năm qua.

Bà Manjusha Kulkarni, giám đốc Tổ chức Hội đồng kế hoạch và chính sách châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ thêm: "Trong một phân tích gần đây, chúng tôi phát hiện 1/4 kẻ thủ ác dùng từ ngữ như ông Trump, như virus Vũ Hán, virus Trung Quốc, Kung-flu (một cách chơi chữ ghép giữa tên môn võ Trung Quốc và bệnh cúm)... Những người này muốn nhắm đến người gốc Hoa nhưng họ không phân biệt được dân châu Á với nhau".

Định kiến bị thổi bùng

Những tháng đầu năm 2021, một loạt vụ tấn công nhắm vào người cao tuổi gốc Á ở Mỹ càng hướng sự chú ý của dư luận vào vấn đề này. Kỳ thị chủng tộc đã không còn mặc định là "người da màu" hay "người gốc Latin".

Theo trang Vox, mặc dù giai đoạn dịch bệnh và một số yếu tố khác đã đẩy tâm lý kỳ thị chủng tộc lên cao, định kiến với người Mỹ gốc Á thật ra đã có từ rất lâu - từ thời những di dân đầu tiên đặt chân đến Mỹ cách đây nhiều thế hệ.

Theo giáo sư Janelle Wong - Đại học Maryland, quan niệm "mãi mãi là người nước ngoài" gắn liền với dân gốc Á lâu đến mức đã bén rễ trong xã hội Mỹ. Ở góc nhìn này, người ta mặc định dân châu Á không bao giờ hòa nhập được xã hội Mỹ, "bệnh tật" hay "thức ăn kỳ dị" (của dân châu Á) cũng là những định kiến cũ trỗi dậy trong đại dịch COVID-19.

Tất nhiên, nhận thức và luật pháp của nước Mỹ ngày nay khác xa với 100 năm trước.

Cách đây vài tuần, một nhóm nghị sĩ Dân chủ đại diện cho cử tri gốc Á, Phi và Mỹ Latin đồng thanh lên án làn sóng bạo lực nhắm vào người gốc Á. "Tất cả chúng tôi sát cánh cùng cộng đồng Mỹ gốc Á cho đến khi đặt dấu chấm hết cho tai ương này" - họ tuyên bố.

Và mới cuối tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ tổ chức một buổi lắng nghe các đại diện cộng đồng gốc Á - đảo Thái Bình Dương và cam kết sẽ giải quyết tình trạng tội ác chủng tộc. "Không ai sống ở Mỹ phải lo sợ bạo lực chỉ vì họ là ai, họ trông ra sao và nguồn gốc xuất thân gia đình đến từ đâu" - Thứ trưởng Tư pháp John Carlin nhấn mạnh.

Trong mất mát và đau khổ của giai đoạn đầy biến động này, ít nhất người gốc Á nói riêng và tất cả sắc tộc ở Mỹ nói chung vẫn còn có thể nuôi dưỡng chút niềm tin và hi vọng.

Theo Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/nguoi-my-ghet-virus-vu-han-dan-goc-a-bi-va-lay-20210308074609388.htm

  • Từ khóa

Seoul đang hứng tuyết dày ngày thứ 2, gần gấp đôi "kỷ lục thế kỷ" hôm trước

Hàn Quốc đang vật lộn với ngày tuyết rơi dày thứ 2 với ít nhất 4 người đã thiệt mạng, có nơi ở Seoul lớp tuyết lên tới 40 cm.
16:22 - 28/11/2024
68 lượt xem

Thái Lan 'hành động quyết liệt' để bảo vệ đạo Phật

Chính phủ Thái Lan khẳng định sẽ hành động quyết liệt hơn để bảo vệ Phật giáo trước hàng loạt tệ nạn như ma túy, cờ bạc, trục lợi tiền cúng dường, truyền...
15:22 - 28/11/2024
92 lượt xem

Ông Medvedev nêu điều kiện dẫn đến việc tấn công các căn cứ NATO

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng Nga có thể tấn công các căn cứ NATO trong trường hợp leo thang.
13:54 - 28/11/2024
118 lượt xem

Bolivia - Trung Quốc ký thỏa thuận xây nhà máy lithium carbonat

Bolivia ngày 26.11 cho biết họ đã ký một thỏa thuận trị giá 1 tỉ USD với CBC của Trung Quốc, một công ty con của gã khổng lồ sản xuất pin CATL, để xây...
12:10 - 28/11/2024
173 lượt xem

Đông Nam Á thúc đẩy sản xuất nội địa

Việc cấm bán iPhone 16 khiến Indonesia trở thành hình mẫu khu vực trong việc bảo vệ quyền lợi cho các ngành sản xuất trong nước trước sức ép cạnh tranh...
09:50 - 28/11/2024
233 lượt xem