Những nước lớn ở châu Âu đều tuyên bố đưa tàu chiến tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương giữa lúc ngày càng có nhiều lo ngại về việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Tàu hộ vệ Prairial của Pháp tập trận chung với tàu của Mỹ và Nhật Bản hồi tháng 2. (Ảnh: JMSDF)
Ngày 3/3, Đại sứ quán Pháp tại Tokyo đăng một bài viết mô tả hoạt động của một tàu hộ vệ tại vùng biển châu Á.
"Tàu hộ vệ Prairial đang được triển khai ở châu Á - Thái Bình Dương và tham gia vào hoạt động ngăn chặn Triều Tiên lách các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đây là một trong những công việc của chúng tôi nhằm đảm bảo an ninh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương", Đại sứ quán Pháp cho biết.
Trong bài đăng trước đó, Đại sứ quán Pháp thông báo tàu hộ vệ Prairial đã ghé qua cảng hải quân Sasebo ở tỉnh Nagasaki, Nhật Bản và ở lại khu vực này trong 4 ngày.
Chuyến thăm của tàu chiến Pháp gợi nhớ đến chuyến thăm của tàu tấn công đổ bộ Anh HMS Albion hồi năm 2018 tới Yokosuka, Nhật Bản - nơi đóng quân của Hạm đội 7 Mỹ để bảo dưỡng.
Các chuyến thăm cảng của tàu Anh, Pháp nhằm gửi tín hiệu tới các đối thủ rằng, lực lượng hải quân của những nước này có thể sử dụng các cảng của đồng minh trong khu vực khi cần thiết.
Theo Nikkei, cuộc tập trận chung với sự tham gia của Pháp, Mỹ và Nhật Bản hồi tháng trước đã thể hiện rõ xu thế trên.
Tàu tiếp dầu Hamana của Nhật Bản đã tiếp nhiên liệu cho tàu Prairial gần đảo Kyushu phía tây nam Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên hoạt động này diễn ra kể từ khi thỏa thuận cung cấp dịch vụ qua lại giữa hai nước có hiệu lực từ năm 2019.
Tháng 12/2020, tàu ngầm hạt nhân Emeraude của Pháp đã tập trận chống tàu ngầm với tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John McCain của Mỹ và tàu sân bay trực thăng Hyuga của Nhật Bản ở vùng biển ngoài khơi Philippines. Đây là lần đầu tiên Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) và hải quân Pháp cùng tham gia một cuộc tập trận tàu ngầm.
"Cuộc tập trận 3 bên với hải quân Mỹ và hải quân Pháp không chỉ phát triển các kỹ năng chiến thuật mà còn đóng góp cho một khu vực "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" dựa trên pháp luật và tự do hàng hải", Đại tá Shingo Hamasaki, chỉ huy Sư đoàn Hộ tống số 3 của JMSDF, cho biết.
Với các căn cứ quân sự ở New Caledonia và Polynesia thuộc Pháp, Pháp tự coi mình là một cường quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Pháp cũng lo ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Trong khi đó, các quan chức cấp cao của chính phủ Đức ngày 2/3 cho biết Đức sẽ đưa một tàu hộ vệ tới châu Á vào tháng 8. Theo Reuters, tàu chiến này sẽ đi qua Biển Đông trong hành trình trở về và đây cũng là lần đầu tiên Đức đưa tàu chiến qua Biển Đông kể từ năm 2002.
Các quan chức tại Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Đức cũng cho biết tàu hộ vệ nước này sẽ không đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông.
Thông điệp chung gửi Trung Quốc
Hai tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan của Mỹ diễn tập tại Biển Đông năm 2020. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Mỹ đã tuyên bố yêu sách đường 9 đoạn do Trung Quốc tự ý vẽ ra ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý. Hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành các chiến dịch "tự do hàng hải", trong đó các tàu của Mỹ đi vào khu vực gần các đảo tranh chấp ở Biển Đông, khẳng định quyền tự do tiếp cận các tuyến hàng hải quốc tế.
Các động thái của Pháp và Đức diễn ra sau khi Anh ngày càng quan tâm tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hậu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu). Ngoài ra, mối quan hệ giữa London và Bắc Kinh cũng xấu đi sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong vào năm ngoái. Anh cho rằng luật này đã làm suy giảm quyền tự chủ của Hong Kong - một thuộc địa cũ của Anh.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh dự kiến được triển khai tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sau mùa xuân. Hộ tống HMS Queen Elizabeth là một nhóm tác chiến gồm các tàu ngầm và tàu khu trục nhằm phô diễn lực lượng trước Trung Quốc. Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dự kiến tham gia tập trận với các máy bay chiến đấu tàng hình F-35B của Mỹ và Nhật Bản.
Nhật Bản coi việc các nước châu Âu tăng cường sự hiện diện trong khu vực là cơ hội "vàng" để nước này mở rộng tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi hoan nghênh sự quan tâm ngày càng lớn của châu Âu tới khu vực, khi ông có bài phát biểu tại Hội đồng Đối ngoại của Liên minh châu Âu hồi cuối tháng 1. Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Motegi kêu gọi hợp tác trong các lĩnh vực, bao gồm an ninh hàng hải.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính quyền của ông vẫn đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với châu Âu. Đây là một phần trong chiến lược tập trung vào các liên minh quốc tế của Mỹ, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump có xu hướng xa rời đồng minh trong nhiệm kỳ 4 năm vừa qua. Trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng trước, Tổng thống Biden khẳng định mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh là "nền tảng vững chắc" cho an ninh và thịnh vượng chung.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/hai-quan-chau-au-don-dap-toi-vung-bien-chau-a-gui-tin-hieu-toi-trung-quoc-20210306140027115.htm#dt_source=Cate_TheGioi&dt_campaign=Cover&dt_medium=1