Các nước được khuyến khích tăng tốc tiêm phòng để đối phó làn sóng lây nhiễm mới do biến thể B.1.1.7 của virus SARS-CoV-2 gây Covid-19
Hàn Quốc hôm 24-2 bắt đầu vận chuyển lô vắc-xin Covid-19 đầu tiên của Công ty AstraZeneca và đối tác Oxford (đều của Anh), đưa khoảng 1,5 triệu liều từ một cơ sở sản xuất nội địa của Công ty SK Chemicals (Hàn Quốc) đến nhà kho bên ngoài thủ đô Seoul để chuẩn bị tiêm phòng từ ngày 26-2. Theo Reuters, nhân viên y tế là những người được ưu tiên trong đợt tiêm chủng thứ nhất. Hàn Quốc lên kế hoạch tiêm phòng cho 10 triệu người thuộc nhóm có nguy cơ cao đến tháng 7 năm nay để hướng đến mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào 4 tháng sau đó.
Thái Lan hôm 24-2 cũng nhận được những mũi vắc-xin Covid-19 đầu tiên từ 2 nhà sản xuất, gồm 200.000 liều CoronaVac của Công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) và 117.000 liều của AstraZeneca - Oxford. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha dự kiến là một trong những người đầu tiên được tiêm vắc-xin AstraZeneca - Oxford tại Thái Lan vào cuối tuần này. Tương tự Hàn Quốc, Thái Lan dành phần lớn vắc-xin đợt đầu cho nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch và có kế hoạch tiêm chủng cho hơn 50% dân số trưởng thành đến cuối năm nay.
Ghana trở thành quốc gia đầu tiên nhận được vắc-xin Covid-19 trong khuôn khổ của cơ chế COVAX Ảnh: REUTERS
Tại Malaysia, Thủ tướng Muhyiddin Yassin trở thành người đầu tiên được tiêm vắc-xin Covid-19 vào ngày 24-2. Malaysia ban đầu lên kế hoạch tiêm chủng trong vòng 1 năm, bắt đầu vào ngày 26-2, nhưng quyết định triển khai sớm hơn vì được Công ty Prizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) bàn giao 312.390 liều trong lô vắc-xin đầu tiên sớm hơn dự kiến. Malaysia đặt mục tiêu tiêm phòng cho khoảng 83% dân số thông qua 3 giai đoạn, lần lượt với lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, nhóm có rủi ro cao và dân số trưởng thành chung.
Nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc-xin, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador và người đồng cấp Argentina Alberto Fernandez hôm 23-2 kêu gọi Liên Hiệp Quốc (LHQ) cùng các nước giàu tăng cường nguồn cung cho những quốc gia nghèo hơn. Nhấn mạnh 80% nguồn cung đang tập trung vào 10 quốc gia, nhà lãnh đạo Mexico yêu cầu LHQ "can thiệp".
Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) hôm 24-2 thông báo Ghana là nước đầu tiên nhận được vắc-xin Covid-19 trong khuôn khổ cơ chế COVAX (ra đời nhằm bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng đối với vắc-xin Covid-19), với 600.000 liều vắc-xin AstraZeneca - Oxford.
Những diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang chuyển hướng tích cực tại nhiều quốc gia. Theo đài truyền hình NHK, Nhật Bản ghi nhận 1.083 ca mắc mới hôm 23-2, thấp hơn nhiều so với con số gần 8.000 ca vào thời điểm đỉnh dịch ngày 8-1. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản, ông Yasutoshi Nishimura, mới đây cho biết 6/11 tỉnh bị áp các biện pháp chống dịch khẩn cấp đã đề nghị được gỡ bỏ tình trạng này trước thời hạn ngày 7-3. Sau nhiều tuần không ghi nhận ca mắc mới, 2 bang của Úc gồm New South Wales và Nam Úc cũng sẽ nới lỏng hạn chế đối với những địa điểm khiêu vũ trong nhà từ ngày 26-2.
Bất chấp những tín hiệu tích cực, chuyên gia Trevor Bedford của Trường ĐH Washington (Mỹ) kêu gọi các nước tăng tốc tiêm phòng để đối phó với rủi ro bùng phát làn sóng lây nhiễm mới, nhiều khả năng vào tháng 4 hoặc tháng 5 do biến thể B.1.1.7 của virus SARS-CoV-2.
Trước đó, nhà khoa học Mỹ William Haseltine cảnh báo cuộc chiến chống Covid-19 đã trở nên phúc tạp hơn với sự xuất hiện của biến thể B.1.1.248 được phát hiện tại Nhật Bản, đặc biệt là khi biến thể này gần giống hoàn toàn với biến thể P.1 được phát hiện lần đầu tại Brazil, mang nhiều đột biến tương tự B.1.1.7 (Anh) và B.1.351 (Nam Phi) nhưng vẫn có 1 đột biến bất thường trong cấu trúc của nó.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/vac-xin-covid-19-phu-song-rong-hon-20210224213541528.htm