24
/
105420
Châu Âu và bài toán Biển Đông
chau-au-va-bai-toan-bien-dong
news

Châu Âu và bài toán Biển Đông

Thứ 3, 23/02/2021 | 09:51:38
432 lượt xem

Hải quân Pháp xác nhận tàu đổ bộ Tonnere và tàu hộ tống Surcouf của nước này đã rời cảng Toulon hôm 18-2, khởi động nhiệm vụ 3 tháng ở Thái Bình Dương, nơi họ sẽ hai lần đi qua Biển Đông và tham gia tập trận với Mỹ và Nhật Bản trong tháng 5.

Châu Âu và bài toán Biển Đông - Ảnh 1.

Tàu ngầm hạt nhân SNA Emeraude của Pháp tuần tra ở Biển Đông - Ảnh: Twitter

Theo chỉ huy tàu Tonnere, ông Arnaud Trachant, đây là hành động nhằm "nỗ lực tăng cường" quan hệ đối tác giữa Pháp với các nước "tứ giác kim cương" ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

Tín hiệu cam kết

Hoạt động của hai tàu Tonnere và Surcouf được công bố không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly xác nhận tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude và tàu hỗ trợ BSAM Seine đã thực hiện cuộc tuần tra ở Biển Đông. Theo bà Parly, cuộc tuần tra này là "bằng chứng nổi bật cho năng lực triển khai xa nhà và lâu dài của hải quân Pháp cùng với các đối tác chiến lược Úc, Mỹ và Nhật Bản của chúng tôi".

Đài France 24 nhận định rằng về mặt địa chính trị, với một khu vực có tranh chấp chồng chéo như Biển Đông, đây không phải nơi chứng kiến một sự hiện diện của tàu ngầm hạt nhân như SNA Emeraude mà không kèm theo ý định chiến lược.

Vào tháng 4-2019, Trung Quốc từng cáo buộc Pháp "xâm nhập bất hợp pháp" vào "vùng biển của Trung Quốc" sau khi tàu hộ vệ Vendémiaire của Pháp đi vào eo biển Đài Loan. Nhưng Paris vẫn duy trì việc đi qua eo biển này ít nhất một lần mỗi năm, nhằm tái khẳng định cam kết của Pháp về "tự do hàng hải theo luật pháp trên biển".

Theo chuyên gia về châu Á Antoine Bondaz - nhà nghiên cứu tại Quỹ nghiên cứu chiến lược (trụ sở Paris, Pháp), Pháp đang muốn thể hiện vai trò một người bảo vệ tự do đi lại trong các vùng biển quốc tế, và "đây là cách để nói với Úc, Ấn và Nhật rằng chúng tôi không chỉ nói suông. Pháp sẽ chỉ có uy tín trong khu vực nếu họ thể hiện rằng mình sẵn sàng hành động để bảo vệ các nguyên tắc ấy" - Bondaz nói.

Thời điểm trùng hợp

Báo Times of India (Ấn Độ) ngày 20-2 nhận định rằng các nước châu Âu như Anh và Đức cũng đang được kỳ vọng sẽ triển khai tàu chiến tới Biển Đông, trong một động thái phản ánh thái độ phản đối của phương Tây đối với sự quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực này.

Trên thực tế, vào tháng 1 năm nay, Trung Quốc tuyên bố sẽ có "những biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền" sau khi Anh đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Biển Đông.

Đáng chú ý, cột mốc 18-2 cũng là thời điểm Mỹ - Nhật - Ấn - Úc có cuộc họp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Trong khi cuộc họp này được kỳ vọng phản ánh chiến lược của "bộ tứ kim cương" đối với Trung Quốc, động thái từ Pháp và Anh cũng gợi lên khả năng tham gia sâu hơn của các nước châu Âu khác vào câu chuyện an ninh khu vực, cụ thể là Biển Đông.

Tính thời điểm trong hoạt động của tàu các nước châu Âu gần đây trùng khớp với tuyên bố sẽ "phối hợp cùng đồng minh và đối tác" mà Tổng thống Mỹ Biden đưa ra, khi ông khẳng định sẽ "mang nước Mỹ trở lại".

Vấn đề của châu Âu hiện nay là sự cân nhắc về mặt lợi ích. Một mặt, giới quan sát cho rằng khi châu Âu luôn nhấn mạnh trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, hành động của các nước lục địa già ở Biển Đông cũng phù hợp với chiến lược của chính quyền ông Biden. Mặt khác, họ vẫn cần cân bằng lợi ích kinh tế đáng kể với Trung Quốc.

Nhà phân tích Sophie Boisseau du Rocher viết trên The Diplomat rằng Liên minh châu Âu (EU) không phải bên dính dáng trực tiếp tới tranh chấp Biển Đông, nhưng EU vẫn có lợi ích mang tính hệ thống trong khu vực, chưa kể tới 40% thương mại quốc tế của họ dựa vào hành lang tự do và an toàn này.

Truyền thông Trung Quốc... cảnh báo

Tờ Hoàn Cầu thời báo hôm 21-2 nhấn mạnh EU phải lưu ý thực tế rằng Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của liên minh này.

Trong năm 2020, thương mại của EU với Trung Quốc đạt 711 tỉ USD, so với 673 tỉ USD với Mỹ. Tháng 1 vừa qua, EU và Trung Quốc cũng đã ký Hiệp định đầu tư toàn diện (CAI), một thỏa thuận mà Mỹ khó có thể chia vui.

Theo Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/chau-au-va-bai-toan-bien-dong-20210223075407558.htm

  • Từ khóa

Seoul đang hứng tuyết dày ngày thứ 2, gần gấp đôi "kỷ lục thế kỷ" hôm trước

Hàn Quốc đang vật lộn với ngày tuyết rơi dày thứ 2 với ít nhất 4 người đã thiệt mạng, có nơi ở Seoul lớp tuyết lên tới 40 cm.
16:22 - 28/11/2024
8 lượt xem

Thái Lan 'hành động quyết liệt' để bảo vệ đạo Phật

Chính phủ Thái Lan khẳng định sẽ hành động quyết liệt hơn để bảo vệ Phật giáo trước hàng loạt tệ nạn như ma túy, cờ bạc, trục lợi tiền cúng dường, truyền...
15:22 - 28/11/2024
40 lượt xem

Ông Medvedev nêu điều kiện dẫn đến việc tấn công các căn cứ NATO

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng Nga có thể tấn công các căn cứ NATO trong trường hợp leo thang.
13:54 - 28/11/2024
73 lượt xem

Bolivia - Trung Quốc ký thỏa thuận xây nhà máy lithium carbonat

Bolivia ngày 26.11 cho biết họ đã ký một thỏa thuận trị giá 1 tỉ USD với CBC của Trung Quốc, một công ty con của gã khổng lồ sản xuất pin CATL, để xây...
12:10 - 28/11/2024
127 lượt xem

Đông Nam Á thúc đẩy sản xuất nội địa

Việc cấm bán iPhone 16 khiến Indonesia trở thành hình mẫu khu vực trong việc bảo vệ quyền lợi cho các ngành sản xuất trong nước trước sức ép cạnh tranh...
09:50 - 28/11/2024
185 lượt xem