Myanmar gần như tê liệt khi hàng trăm nghìn người tham gia tổng đình công ở các thành phố lớn của nước này nhằm phản đối cuộc đảo chính của quân đội.
Thành phố Yangon tê liệt do tổng đình công ngày 22/2. (Ảnh: AFP)
Theo Reuters, hàng trăm nghìn người gồm lao động ở các ngành nghề khác nhau như nhân viên ngân hàng, nhân viên siêu thị ở nhiều thành phố, thị trấn trên khắp Myanmar đã hưởng ứng lời kêu gọi đình công nhằm phản đối chính quyền quân sự. Hàng loạt doanh nghiệp, nhà hàng thông báo đóng cửa vào ngày hôm nay.
Tại thành phố Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, các cửa hàng tiện lợi, chợ, và các cơ sở kinh doanh thiết yếu khác đều đóng cửa. Người lao động mang theo các biểu ngữ phản đối đảo chính và yêu cầu quân đội trả tự do cho các quan chức của chính quyền dân sự. Khung cảnh tương tự cũng diễn ra ở các thành phố khác của Myanmar, trong đó có thủ đô Naypyidaw và Mandalay.
Tại Hpa-an, thủ phủ bang Kayin, Nai Hongsar, một người dân địa phương tham gia đình công, cho biết khoảng 90% doanh nghiệp ở thành phố đóng cửa để hưởng ứng đình công. "Tất cả các ngân hàng đều đóng cửa. Hệ thống ngừng hoạt động", anh Nai cho hay. Sai Nay Nay Win, một sinh viên ở Lashio, bang Shan, cho rằng: "Nếu tổng đình công thành công, bộ máy chính quyền (quân sự) sẽ bị tê liệt. Họ sẽ phải nhượng bộ".
Đây là cuộc đình công lớn nhất kể từ khi quân đội Myanmar đảo chính hôm 1/2. Cuộc đình công diễn ra bất chấp quân đội cảnh báo người biểu tình có thể "thiệt mạng" nếu đối đầu với các lực lượng an ninh. "Những người biểu tình đang kích động dân chúng, đặc biệt là thanh thiếu niên dễ xúc động, tham gia đường lối đối đầu có thể khiến họ mất mạng", Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar cảnh báo ngày 21/2.
Người biểu tình xuống đường tại Yangon, Myanmar (Ảnh: Reuters)
Bất chấp những cảnh báo này, lực lượng an ninh Myanmar khá kiềm chế khi cuộc tổng đình công diễn ra. Tại Yangon, rạng sáng, lực lượng an ninh đã dựng các hàng rào, triển khai xe thiết giáp, xe quân sự để ngăn người biểu tình tiến sâu vào trung tâm thành phố, nhưng không ghi nhận bất cứ cuộc đụng độ căng thẳng nào.
Quân đội Myanmar bắt giữ nhiều quan chức của chính quyền dân sự và giành quyền kiểm soát đất nước hôm 1/2. Quân đội cam kết sẽ chuyển giao quyền lực cho đảng chiến thắng sau khi tổ chức một cuộc bầu cử mới. Tuy vậy, chính quyền quân sự vẫn vấp phải sự phản đối của dư luận cả trong nước và quốc tế.
Các cuộc biểu tình phản đối đảo chính tiếp tục lan rộng ở Myanmar bất chấp cảnh báo của quân đội. Đến nay, ít nhất 3 người biểu tình đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh. Các nước trong đó có Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản đã lên án cuộc đảo chính ở Myanmar. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đầu tuần này hối thúc quân đội Myanmar ngừng đàn áp biểu tình. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 21/2 cảnh báo, Mỹ sẽ tiếp tục hành động cứng rắn với quân đội Myanmar nếu họ dùng bạo lực chống lại dân thường
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/myanmar-te-liet-vi-tong-dinh-cong-phan-doi-dao-chinh-20210222202724375.htm#dt_source=Cate_TheGioi&dt_campaign=Top3&dt_medium=3