Chính quyền Tổng thống Donald Trump siết chặt lệnh cấm các nhà đầu tư Mỹ mua cổ phiếu của các công ty bị nghi có liên quan tới quân đội Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Bộ Tài chính Mỹ ngày 28/12 đã công bố tài liệu hướng dẫn nhằm làm rõ thêm sắc lệnh hành pháp được chính quyền Tổng thống Donald Trump thông qua từ tháng 11. Tài liệu giải thích rằng, sắc lệnh được áp dụng với các nhà đầu tư quỹ giao dịch hối đoái và cổ phiếu của các công ty bị nghi có liên quan tới quân đội Trung Quốc.
Động thái trên diễn ra sau khi Reuters và các hãng tin khác cho biết một cuộc tranh cãi đã xảy ra trong nội bộ chính quyền Trump về sắc lệnh này.
Một số hãng truyền thông đưa tin, Bộ Tài chính Mỹ tìm cách loại bỏ các công ty con của các công ty Trung Quốc khỏi phạm vi sắc lệnh của Nhà Trắng. Sắc lệnh cấm các nhà đầu tư Mỹ mua cổ phiếu của 35 công ty Trung Quốc mà Washington cho là được quân đội Trung Quốc hậu thuẫn, bắt đầu từ tháng 11/2021.
Một nguồn tin cho biết Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã tìm cách phản đối nỗ lực của Bộ Tài chính nhằm hạn chế quy mô của sắc lệnh trên.
Tài liệu của Bộ Tài chính Mỹ khẳng định lệnh cấm được áp dụng đối với bất kỳ công ty con nào của các công ty bị nghi ngờ có liên quan tới quân đội Trung Quốc, sau khi các công ty này bị Bộ Tài chính Mỹ công khai đưa vào danh sách đen.
Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo cơ quan này dự kiến sẽ công khai danh sách các công ty do quân đội Trung Quốc kiểm soát hoặc sở hữu từ 50% trở lên.
Theo CNBC, mục tiêu của Mỹ nhằm ngăn chặn các công ty đầu tư, quỹ hưu trí và các công ty khác của Mỹ mua cổ phần của các công ty Trung Quốc bị Washington đưa vào "tầm ngắm".
Danh sách các công ty Trung Quốc bị liệt vào danh sách đen của Mỹ hiện gồm 35 đơn vị, trong đó có Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) và Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC). Đây là những doanh nghiệp mà Washington cho rằng được sở hữu hoặc hoặc bị kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc và có thể gây ra mối đe dọa với an ninh quốc gia của Mỹ.
SMIC là hãng sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc và phụ thuộc lớn vào những thiết bị nhập từ các nhà cung cấp Mỹ. Tháng 9/2020, Bộ Thương mại Mỹ ra thông báo yêu cầu các doanh nghiệp nước này phải xin giấy phép trước khi cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho SMIC.
Trong khi đó, nhà đầu tư Mỹ hiện nắm giữ khoảng 16,5% cổ phần của CNOOC. CNOOC hiện sở hữu một số mỏ dầu khí ở Mỹ và đang hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài như Exxon Mobil trong các dự án quốc tế. Lệnh cấm của Mỹ được cho là sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của CNOOC.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 21/12 thông báo lệnh trừng phạt nhằm vào 58 công ty Trung Quốc và 45 công ty Nga, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc. Các công ty này sẽ bị cấm tiếp cận các công nghệ của Mỹ.
Việc đưa thêm các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc vào danh sách đen là một động thái cứng rắn với Bắc Kinh của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong những tuần cuối nhiệm kỳ. Hạ viện Mỹ ngày 2/12 cũng thông qua dự luật cho phép hủy niêm yết đối với bất cứ doanh nghiệp Trung Quốc nào không tuân thủ quy định kiểm toán của Mỹ.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/my-siet-chat-lenh-cam-dau-tu-vao-cac-cong-ty-trung-quoc-20201229101610047.htm#dt_source=Cate_TheGioi&dt_campaign=MainList&dt_medium=1