Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhấn mạnh các biện pháp cứng rắn được thực thi nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới, từ đó bảo vệ tính mạng và sinh kế của người dân
Nhiều nước ở châu Á đang có những biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn các đợt bùng phát liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện gần đây ở Anh. Hàn Quốc hôm 28-12 là cái tên mới nhất trong danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ có biến thể này. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc xác nhận 3 ca đầu tiên nhiễm biến thể mới (đến từ Anh và nhập cảnh hôm 22-12).
Kể từ khi bị phát hiện ở Anh vào tháng 11, biến thể mới này đã lây lan đến hơn 20 quốc gia và Đặc khu hành chính Hồng Kông của Trung Quốc. Trước Hàn Quốc, Canada và Na Uy là những cái tên mới có trong danh sách này. Hơn 50 nước đã hạn chế đi lại với Anh để ngăn biến thể mới lây lan. Trong số này, Hàn Quốc ban đầu cấm các chuyến bay thẳng từ Anh cho đến cuối năm nay nhưng sau đó gia hạn lệnh cấm đến ngày 7-1-2021. Ngoài ra, Seoul còn yêu cầu mọi hành khách đến từ Anh hoặc Nam Phi xét nghiệm Covid-19 trước khi lên đường đến nước này.
Theo Reuters, thông tin trên được công bố giữa lúc Hàn Quốc vật lộn với làn sóng thứ 3 của dịch Covid-19. Số ca mới hằng ngày đã vài lần tăng lên hơn 1.000 trong tháng này bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn được thực thi. Các quan chức nước này hiện đẩy mạnh nỗ lực sớm tiến hành chương trình tiêm chủng Covid-19 toàn quốc.
Khung cảnh tại sân bay quốc tế Tokyo ở Nhật Bản hôm 28-12 Ảnh: REUTERS
Theo kế hoạch ban đầu, việc tiêm vắc-xin Covid-19 sẽ bắt đầu vào quý I/2021, chậm hơn đáng kể so với Mỹ hoặc Liên minh châu Âu. Dù vậy, kế hoạch này đang đối mặt làn sóng chỉ trích trong nước, buộc Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc thông báo rút ngắn thời gian cần thiết để phê duyệt vắc-xin và phương pháp điều trị Covid-19 từ 180 ngày xuống còn 40 ngày. Ngoài ra, quy trình phê duyệt việc phân phối và bán vắc-xin sẽ được rút ngắn còn khoảng 20 ngày, thay vì vài tháng như thông thường. Trong nỗ lực trấn an người dân, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 28-12 cho biết các nhân viên y tế và người cao tuổi sẽ bắt đầu được tiêm chủng vào tháng 2-2021, đồng thời kế hoạch tiêm chủng rộng rãi cho công chúng cũng được đẩy nhanh.
Cũng trong ngày 28-12, lệnh cấm người nước ngoài không cư trú nhập cảnh bắt đầu có hiệu lực tại Nhật Bản trong nỗ lực ngăn sự lây lan của biến thể mới. Ngoài ra, Tokyo còn siết chặt quy định nhập cảnh đối với công dân Nhật Bản và người nước ngoài sống lâu dài tại Nhật khi họ trở về nước từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có ca nhiễm biến thể mới. Cụ thể, họ phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành về nước và phải tiến hành xét nghiệm ngay khi đến Nhật. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhấn mạnh các biện pháp cứng rắn trên được thực thi nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới, từ đó bảo vệ tính mạng và sinh kế của người dân. Theo hãng tin Jiji, nước này đã ghi nhận 8 ca nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2, trong đó ca mới nhất được xác nhận hôm 27-12.
Biến thể mới của SARS-CoV-2 ở Anh không phải là nỗi lo duy nhất lúc này. Tại Nam Phi, số ca Covid-19 đã vượt mốc 1 triệu hôm 27-12 trong bối cảnh một biến thể mới, gọi là 501.V2 và được cho là lây nhanh hơn chủng gốc, đang hoành hành nghiêm trọng. Nhiều quốc gia đã hủy các chuyến bay đến Nam Phi và cấm công dân nước này nhập cảnh kể từ khi thông tin về biến thể 501.V2 được công bố.
Thách thức mới trong cuộc chiến chống dịch
Theo nghiên cứu mới nhất của Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London (Anh), biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở nước này có khả năng lây nhiễm nhanh hơn 56% so với những biến thể trước đó. Các nhà nghiên cứu cho biết thêm tốc độ lây nhiễm nhanh hơn của biến thể này (gọi là VOC 202012/01) đồng nghĩa tỉ lệ nhập viện và tử vong có thể gia tăng. Dù vậy, họ chưa thể kết luận liệu bản thân biến thể mới có gây ra những ca bệnh nặng hoặc nhẹ hơn so với các biến thể hiện có. Trước đó, theo Trưởng cố vấn khoa học Patrick Vallance của chính phủ Anh, biến thể VOC 202012/01 có thể lây nhanh hơn đến 70% so với chủng gốc.
Bà Maria Van Kerkhove, Giám đốc kỹ thuật chương trình ứng phó khẩn cấp Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cảnh báo biến thể mới đòi hỏi "chúng ta phải cố gắng hơn nữa" trong nỗ lực ngăn virus lây lan. Tương tự, bà Celine Gounder, thành viên Ban Cố vấn Covid-19 của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden, nhấn mạnh: "Điều chúng ta cần làm là tập trung vào những hành động giúp ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới. Đó là đeo khẩu trang và giãn cách xã hội vốn là những hành động có thể chống lại sự lây nhiễm của Covid-19 nói chung".
WHO gần đây cho biết phần lớn ca nhiễm liên quan đến biến thể mới được ghi nhận ở nhóm người dưới 60 tuổi. Theo đài CNN, đây có thể là một thách thức trong cuộc chiến chống dịch bởi những ca nhiễm không triệu chứng thường xuất hiện ở nhóm này. Với biến thể mới, 3 triệu chứng phổ biến nhất là sốt, ho khan và mất khứu giác. Những triệu chứng còn lại bao gồm mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, nhức đầu và đau cơ. Cao Lực
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/covid-19-tang-cuong-phong-ve-truoc-bien-the-moi-2020122821494826.htm