Các cố vấn hàng đầu của ông Biden đã kêu gọi gia tăng các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, tiếp nối chính sách cứng rắn của chính quyền Donald Trump.
Ông Joe Biden (Ảnh: Twitter)
Trong bài viết trên báo Asia Times, chuyên gia Philippines Richard Heydarian nhận định, khi chính quyền Mỹ chuyển giao từ Donald Trump sang Joe Biden, có rất ít dấu hiệu cho thấy Mỹ hay Trung Quốc sẽ xuống nước trong vấn đề Biển Đông.
Dù ông Biden chưa nhậm chức nhưng chính quyền tương lai của ông đã cho thấy Washington sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên Trung Quốc, hướng gần hơn tới chính sách cứng rắn của chính quyền Trump với Bắc Kinh hơn thời Tổng thống Barack Obama, hiện bị nhiều người chỉ trích là đã quá nhẹ tay đối với những dấu hiệu ban đầu về các ý định bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
Trung Quốc gần đây đã tiến hành cuộc tập trận bắn đạt thật gần Biển Đông, với sự tham gia của các trực thăng Harbin Z-9 và tên lửa chống hạm. Cuộc tập trận diễn ra gần thành phố Tam Á ở cực nam đảo Hải Nam, nơi Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên, Sơn Đông, hồi tháng 12 năm ngoái.
Cuộc tập trận trên diễn ra sau các cuộc diễn tập trên không và trên biển cùng lúc trên 4 vùng biển - điều chưa từng có tiền lệ - trong những tháng gần đây, cũng như việc tuyên bố thành lập trái phép 2 khu vực hành chính mới ở Biển Đông.
Cuộc tập trận mới nhất cũng cho thấy, dựa vào ảnh vệ tinh, về sự tiến triển của Trung Quốc trong việc xây dựng một bến tàu mới ở Hải Nam, đủ lớn cho tàu sân bay thế hệ kế tiếp Type-003 của nước này.
Sáng tiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington cho biết trong một nghiên cứu mới rằng các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực, trong đó có các cuộc tập trận, huấn luyện, thăm cảng và hoạt động, đã tăng khoảng 50% lên 65 lần trong năm 2020, từ con số 44 trong năm 2019.
Hiện chưa rõ chính quyền Biden sẽ ứng phó ra sao với các diễn biến trên. Tuy nhiên, Jake Sullivan, ứng viên cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, gần đây đã kêu gọi tăng cường các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, đánh dấu sự tăng cường tiềm tàng chính sách của chính quyền Trump.
"Chúng ta nên bổ sung các tài sản và nguồn lực để đảm bảo và củng cố, và duy trì cùng các đối tác, sự tự do hàng hải ở Biển Đông", ông Sullivan nói trong một sự kiện gần đây.
FONOP đã trở thành thách thức lớn nhất của Mỹ nhằm bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông, khi các tàu chiến Mỹ đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Các đối tác khu vực lớn của Mỹ, trong đó có Nhật Bản, Anh, Pháp và Ấn Độ, đã tiến hành các hoạt động tiếp cận tương tự, mặc dù theo cách ít đối đầu hơn.
Các tàu chiến của châu Âu không đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo trái phép, nhưng đã tiến hành các hoạt động hàng hải đủ gần để thể hiện sự phản đối với các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh và các đe dọa tiềm tàng đối với sự tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Các tàu sân bay USS Nimitz và USS Roosevelt của Mỹ trong một hoạt động ở Biển Đông (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Australia đã liên tục tiến hành các cuộc tuần tra trên không ở Biển Đông, một hình thức khác tế nhị hơn để khẳng định quyền của các quốc gia không có tuyên bố chủ quyền đối với việc tiếp cận tự do và không bị cản trở các tuyến đường biển quốc tế.
Hồi đầu năm nay, Hải quân Australia đã tham gia FONOP của Mỹ trong khu vực, trong một động thái mà các chuyên gia xem là cam kết đa phương đầu tiên của một hoạt động hải quân lớn như vậy.
Trong 4 năm qua, chính quyền Trump đã có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc ở Biển Đông, với các hoạt động tự do hàng hải tăng lên 10 cuộc hồi năm ngoái, so với con số từ 2-3 lần trong những năm cuối của chính quyền Obama.
Bất chấp sự gián đoạn lớn do dịch Covid-19, trong đó có việc tàu sân bay USS Roosevelt phải tạm nghỉ hoạt động do có nhiều ca Covid-19, Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ vẫn thực hiện 8 cuộc tuần tra tự do hàng hải trong năm nay.
Không chỉ tăng cường FONOP, chính quyền Trump cũng gia tăng hoạt động bằng việc triển khai đồng thời 2 tàu chiến hiện đại tới Biển Đông, trong đó có các khu vực quanh bãi cạn Scarborough.
Đáng chú ý là lần đầu tiên kể từ cuối Thế chiến II, Lầu Năm Góc cũng phối hợp với Tuần duyên Mỹ tiến hành các cuộc tập trận chung trong khu vực trong khi cũng trợ giúp tăng cường xây dựng năng lực hàng hải của các đồng minh trong khu vực.
Theo Dân Trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/chuyen-gia-du-bao-my-trung-se-tiep-tuc-doi-dau-o-bien-dong-20201219181452301.htm