24
/
102153
Đại dịch COVID-19: Hàn Quốc làm gì để qua được 'cơn sóng dữ?'
dai-dich-covid-19-han-quoc-lam-gi-de-qua-duoc-con-song-du
news

Đại dịch COVID-19: Hàn Quốc làm gì để qua được 'cơn sóng dữ?'

Thứ 5, 17/12/2020 | 17:34:32
587 lượt xem

Điều đáng lo ngại là đợt tái bùng phát dịch COVID-19 ở Hàn Quốc lần này là tâm dịch ở ngay thủ đô Seoul và vùng phụ cận, nơi dân số lên tới gần 26 triệu người, chiếm hơn nửa tổng dân số cả nước.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 27/11/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở Hàn Quốc trong những ngày gần đây liên tục ở mức trên dưới 1.000 ca cho dù chính phủ đang dốc toàn lực và nâng cấp độ giãn cách xã hội lên mức thứ tư trong thang bậc 5 cấp nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm lần thứ ba này.

Số ca nhiễm bệnh mới thông báo sáng 16/12 ở Xứ sở Kim chi lên mức kỷ lục: 1.078 ca, cao hơn cả con số 900 ca ghi nhận hồi tháng Hai khi dịch bệnh bùng phát ở thành phố miền Trung Daegu khiến người ta lo sợ thành phố này sẽ trở thành một Vũ Hán thứ hai.

Sáng 17/12, con số này có giảm chút ít song vẫn trên 1.000 ca. 

Điều đáng lo ngại hơn trong đợt tái bùng phát dịch bệnh ở Hàn Quốc lần này là tâm dịch lại ở ngay thủ đô Seoul và vùng phụ cận, nơi dân số lên tới gần 26 triệu người, chiếm hơn nửa tổng dân số cả nước. 

Theo giới chức y tế Hàn Quốc, số ca bệnh mới phát hiện không có triệu chứng lên tới 31% (tăng 4 lần so với trước đây) và có tới 26% số ca bệnh không rõ nguồn lây, khiến cho việc phát hiện và ngăn chặn lây nhiễm càng trở nên khó khăn hơn, nhất là trong mùa Đông lạnh giá có nhiệt độ “lý tưởng” cho virus sinh sôi phát triển.

Số ca bệnh tăng đột biến từ hơn 600 ca lên tới 900-1.000 ca trong mấy ngày gần đây khiến cho hệ thống y tế của Hàn Quốc vốn được cho là mạnh, nhất là ở khu vực thủ đô Seoul, rơi vào tình trạng quá tải, thiếu giường bệnh, đặc biệt là các phòng chăm sóc đặc biệt cho các bệnh nhân nặng. 

Theo số liệu Chính phủ Hàn Quốc công bố ngày 10/12, số bệnh nhân COVID-19 ở khu vực Seoul và vùng phụ cận phải nằm nhà do thiếu giường bệnh đã lên đến hơn 500 người. 

Hệ quả của tình trạng hệ thống y tế quá tải là điều không mong muốn nhất: tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong ở Hàn Quốc trong những ngày gần đây đã tăng lên đáng kể, từ 1-2 ca/ngày hồi đầu tháng trước lên 12 ca vào ngày 16/12 và 22 ca vào ngày 17/12. 

Số bệnh nhân nặng, nguy kịch cũng tăng nhanh, lên hàng chục ca mỗi ngày. Ngoài những ổ lây nhiễm như trường học, nơi làm việc, những ổ lây nhiễm tập thể mới đang lần lượt xuất hiện tại các cơ sở tôn giáo và nhà dưỡng lão vốn đã trở nên "yên ắng" trong một thời gian dài vừa qua.

Dai dich COVID-19: Han Quoc lam gi de qua duoc 'con song du?' hinh anh 1

Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 14/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lần đầu tiên đã có 20 du học sinh Việt Nam bị lây nhiễm tập thể COVID-19 ở Hàn Quốc do tiếp xúc gần nhau trong môi trường khép kín ký túc xá.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn tới đợt tái bùng phát dịch COVID-19 lần này ở Hàn Quốc. 

Trước hết là sự chủ quan, lơ là phòng dịch của người dân. Mặc dù người dân Hàn Quốc đã có ý thức sử dụng khẩu trang khi ra đường hay ở những nơi công cộng, nhưng điều đó là chưa đủ để ngăn chặn lây nhiễm dịch bệnh, vì nhiều người vẫn có thói quen tụ tập ăn uống ngoài quán, hoặc họ bắt buộc phải ăn trưa ngoài quán khi đi làm. 

Thứ hai là Chính phủ Hàn Quốc có phần nôn nóng trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa khôi phục kinh tế. 

Có thể dễ dàng nhận thấy mọi hoạt động kinh tế ở Hàn Quốc trong những tháng gần đây vẫn diễn ra như bình thường. Học sinh vẫn tới trường (3 ngày/tuần) trong khi công sở, các quán ăn, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… vẫn hoạt động như bình thường (chỉ đóng cửa lúc 21 giờ khi chính phủ nâng cấp độ giãn cách xã hội lên mức 2,5 từ ngày 6/12). 

Trong giờ cao điểm, cảnh người dân phải chen chúc trên các phương tiện giao thông công cộng như xe bus hay tàu điện ngầm là phổ biến. 

Cách đây 2-3 tháng, Chính phủ Hàn Quốc còn khuyến khích người dân đi du lịch trong nước để kích cầu.

Và khi số ca bệnh vượt ngưỡng 1.000 ca, mặc dù nhận định xu hướng lây lan dịch COVID-19 gần đây là hết sức nguy cấp và cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực để chặn đứng đà lây nhiễm, nhưng Chính phủ Hàn Quốc vẫn “đang xem xét,” chứ chưa quyết định nâng cấp độ giãn cách xã hội lên cấp độ 3 - là mức cao nhất (thứ năm) sau các mức 1;1,5; 2 và 2,5 do lo ngại quyết định này sẽ gây thiệt hại kinh tế cho các chủ cửa hàng và những người làm nghề tự do.

Để đối phó với tình hình dịch bệnh căng thẳng hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực đảm bảo nhiều giường bệnh hơn trong khi tìm kiếm các ca bệnh không có triệu chứng bằng cách đẩy mạnh xét nghiệm. 

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun nhấn mạnh chính phủ đang nỗ lực hết mình để kiềm chế đại dịch COVID-19 lây lan mà không cần sử dụng đến "công cụ cuối cùng," tức quyết định nâng cấp độ giãn cách xã hội lên cấp độ 3. 

Chính phủ Hàn Quốc cũng đã huy động quân đội, cảnh sát, các bệnh viện tư và nhân viên hành chính tham gia dập dịch.

Dai dich COVID-19: Han Quoc lam gi de qua duoc 'con song du?' hinh anh 2

Cơ sở xét nghiệm COVID-19 tạm thời tại quận Seoungbuk (Seoul, Hàn Quốc). (Ảnh: Phạm Anh Nguyên/TTXVN)

Chính quyền thành phố Seoul cho biết sẽ nâng khả năng xét nghiệm từ mức trên dưới 10.000 người/ngày như hiện nay lên tới 37.000 người/ngày.

 Hiện, Seoul đã quyết định tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ nhóm đối tượng có rủi ro lây nhiễm cao như nhân viên giao hàng, người làm việc trong các nhà hàng ăn uống, cơ sở tôn giáo, nhà dưỡng lão và những người làm công việc thiết yếu khác như tài xế xe buýt, lái tàu điện ngầm, taxi… 

Thời gian mở cửa các trạm xét nghiệm lưu động tại các trung tâm y tế cộng đồng trên địa bàn thành phố kéo dài từ 9-21 giờ (ngày thường) và tới 18 giờ các ngày cuối tuần.

 Các bệnh viện do thành phố quản lý cũng luôn sẵn sàng tiếp nhận mẫu xét nghiệm bất cứ lúc nào.

 Cho đến nay, đã có 56 địa điểm tập trung đông người di chuyển (như ga Seoul, ga Yongsan) được cơ quan y tế thành phố Seoul bố trí trạm xét nghiệm lưu động tạm thời.

 Khu vực quảng trường Seoul cũng sẽ được lắp đặt thêm trạm xét nghiệm lưu động từ chiều 17/12 để nhân viên và những người ra vào Tòa thị chính có thể được xét nghiệm dễ dàng và thuận tiện. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chung Sye-kyun cũng nhấn mạnh nguyên tắc không khoan dung với các hành vi vi phạm quy tắc phòng dịch, không để sự chủ quan, hành động vô trách nhiệm của một vài cá nhân làm dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. 

Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ truy cứu trách nhiệm theo pháp luật đối với tất cả những người có hành vi đe dọa sự an toàn của cộng đồng.

Các nhà dịch tễ học Hàn Quốc cho rằng nếu làn sóng lây nhiễm hiện nay không được ngăn chặn, rất có thể số ca nhiễm mới ở nước này sẽ tiếp tục vượt ngưỡng 1.500, rồi 2.000 ca/ngày trong tuần tới. 

Đồng thời, các chuyên gia nhấn mạnh rằng để ngăn chặn nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải, ngoài việc nâng mức giãn cách xã hội lên cấp độ cao nhất còn phải thực hiện các biện pháp chuyên sâu như tiến hành xét nghiệm cho tất cả người dân. 

Chính phủ Hàn Quốc hy vọng những kinh nghiệm có được từ 2 đợt phòng chống dịch lần trước có thể giúp Xứ sở Kim chi vượt qua cơn sóng dữ COVID-19 trong mùa Đông này, song yếu tố quyết định vẫn là ý thức của người dân./.

Theo Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/dai-dich-covid19-han-quoc-lam-gi-de-qua-duoc-con-song-du/682726.vnp

  • Từ khóa

Ông Trump dọa áp thuế quan: Tiền tệ biến động, chứng khoán thấp thỏm, vàng giằng co

Những người ủng hộ cho rằng đề xuất thuế quan sẽ giúp tăng cường vị thế của Mỹ để đàm phán thỏa thuận thương mại có lợi hơn với các quốc gia khác.
18:59 - 27/11/2024
244 lượt xem

Tại sao vaccine đậu mùa khỉ cho trẻ em ở Cộng hòa Dân chủ Congo bị trì hoãn?

Tuần này Cộng hòa Dân chủ Congo bắt đầu tiêm vaccine đậu mùa khỉ cho người lớn ở thủ đô Kinshasa, nhưng trẻ em, nhóm dễ bị tổn thương nhất, vẫn chưa có...
17:22 - 27/11/2024
291 lượt xem

Nhóm G7 rối bời với các cuộc chiến tranh khắp thế giới khi ông Biden sắp mãn nhiệm

Tại Ý, các nhà ngoại giao hàng đầu từ Nhóm G7 đã cố gắng thể hiện sự đoàn kết về xung đột Ukraine, đồng thời tranh luận về khác biệt liên quan đến Israel...
16:00 - 27/11/2024
312 lượt xem

Anh đưa ra lệnh trừng phạt nặng nề nhất nhằm vào 'hạm đội bóng tối'

Chính phủ Anh đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 30 tàu thuộc "hạm đội bóng tối" Liên bang Nga.
14:39 - 27/11/2024
337 lượt xem

Hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa toàn cầu

Nhựa là loại vật liệu linh hoạt và được sử dụng rộng rãi, cho nên không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực, cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên,...
08:03 - 27/11/2024
517 lượt xem