Phái đoàn quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu dự kiến đến Trung Quốc vào tuần đầu tiên tháng 1-2021 để điều tra nguồn gốc của dịch Covid-19.
Bắc Kinh miễn cưỡng đồng ý một cuộc điều tra độc lập và phải mất nhiều tháng đàm phán để WHO được phép đến TP Vũ Hán. Người phát ngôn của WHO Hedinn Halldorsson hôm 16-12 xác nhận: "Tôi có thể xác nhận việc này sẽ diễn ra vào tháng 1-2021".
BBC cho biết phái đoàn gồm khoảng 10 chuyên gia quốc tế sẽ đến Vũ Hán để kiểm tra các mẫu người và động vật do các nhà nghiên cứu Trung Quốc thu thập. Bà Thea Fischer, một thành viên người Đan Mạch, nói rằng phái đoàn sẽ rời đi ngay sau năm mới. Nhiệm vụ được cho là kéo dài 6 tuần, bao gồm hai tuần cách ly khi đến nơi.
Trung Quốc thông báo trường hợp đầu tiên bị viêm phổi không rõ nguyên nhân ở Vũ Hán vào ngày 31-12-2019. Ảnh: AP
Theo bác sĩ thú y nghiên cứu về bệnh động vật Fabian Leendertz thuộc Viện Robert Koch (Đức), WHO không tìm cách đổ lỗi mà là để ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai.
"Đó thực sự không phải nhằm tìm xem nước nào chịu trách nhiệm mà là cố gắng tìm hiểu những gì đã xảy ra, sau đó xem xét liệu dựa trên những dữ liệu đó, chúng ta có thể cố gắng giảm thiểu rủi ro trong tương lai hay không" – bác sĩ Fabian Leendertz nói.
Bác sĩ Leendertz cho biết thêm mục đích là để tìm ra thời điểm virus bắt đầu lây lan và liệu nó có bắt nguồn từ Vũ Hán hay không.
Trước đó, WHO đã làm việc trong nhiều tháng và cử một nhóm tiền trạm tới Bắc Kinh vào tháng 7 để đặt nền móng cho cuộc điều tra quốc tế. Hồi tháng 11, Peter Ben Embarek, chuyên gia hàng đầu của WHO về bệnh động vật, cho biết phái đoàn muốn phỏng vấn các nhân viên chợ về việc họ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 như thế nào. Ông Peter Ben Embarek cho biết: "Không có gì cho thấy SARS-CoV-2 do con người tạo ra".
Nhân viên y tế sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin Pfizer
Một nữ nhân viên y tế ở bang Alaska - Mỹ được cho là đã gặp phải dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) vào ngày 15-12. Nhân viên y tế này đã phải nhập viện sau khi tiêm vắc-xin và đang được theo dõi tại bệnh viện. Theo kênh RT, người này không có tiền sử về ma túy hoặc bất kỳ loại dị ứng nào khác.
New York Times dẫn lời đại diện bệnh viên cho biết nhân viên y tế trung niên nêu trên có phản ứng phản vệ 10 phút sau khi tiêm vắc-xin tại Bệnh viện Khu vực Bartlett ở TP Juneau, Alaska. Nhân viên y tế bị phát ban và khó thở.
Một địa điểm xét nghiệm Covid-19 tại Trường ĐH Grand Canyon ở Arizona. Ảnh: The New York Times
Tiến sĩ Lindy Jones, giám đốc y tế khoa cấp cứu của bệnh viện, cho biết khi xử trí sốc phản vệ, ban đầu nhân viên y tế được tiêm epinephrine để điều trị dị ứng. Đến nay, sức khỏe nhân viên y tế đã trở lại bình thường.
Các quan chức tin rằng phản ứng của nhân viên y tế với vắc-xin tương tự như phản ứng phản vệ mà hai nhân viên y tế ở Anh đã trải qua sau khi được tiêm loại vắc-xin y hệt vào tuần trước.
Chia sẻ với RT, hãng Pfizer hôm 16-12 cho biết đang "làm việc với các cơ quan y tế địa phương" để đánh giá các chi tiết của báo cáo về "dị ứng nghiêm trọng tiềm ẩn". Công ty cam kết "theo dõi chặt chẽ tất cả các báo cáo liên quan đến các trường hợp dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm chủng".
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chuyen-gia-quoc-te-den-trung-quoc-lam-cho-ra-le-ve-covid-19-20201217082510932.htm