24
/
101943
Sứ mệnh của Liên hợp quốc và 4 mục tiêu chưa thể hoàn thành
su-menh-cua-lien-hop-quoc-va-4-muc-tieu-chua-the-hoan-thanh
news

Sứ mệnh của Liên hợp quốc và 4 mục tiêu chưa thể hoàn thành

Thứ 2, 14/12/2020 | 13:16:28
552 lượt xem

Virus SARS-CoV-2 đã khiến bốn mục tiêu lớn mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố quyết tâm giải quyết trong năm 2020 không thể trở thành hiện thực.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: THX/TTXVN)

Một năm cả thế giới đảo lộn và tê liệt vì đại dịch COVID-19 sắp khép lại.

Với Liên hợp quốc, 2020 là năm đánh dấu 75 năm phụng sự cho hòa bình thế giới đầy tự hào của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, nhưng cũng đồng thời là năm  Liên hợp quốc lần đầu tiên phải chấp nhận thực tế “lực bất tòng tâm,” không thể triển khai những kế hoạch đã đề ra từ đầu năm.

Virus SARS-CoV-2 đã khiến bốn mục tiêu lớn mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố quyết tâm giải quyết trong năm 2020 không thể trở thành hiện thực, thậm chí nhiều thành quả mà Liên hợp quốc đã nỗ lực vun đắp suốt bao năm bỗng chốc tan thành mây khói.

Bốn ưu tiên mà người đứng đầu Liên hợp quốc đặt ra cho năm 2020 gồm tìm kiếm giải pháp cho những căng thẳng chính trị, đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và tăng cường sự phối hợp giữa Liên hợp quốc và các thể chế đa phương khác.

Giờ đây, 4 mục tiêu vẫn đang nằm trên bàn nghị sự của những năm tới và có lẽ con đường hướng đến những mục tiêu này sẽ xa hơn và gian nan hơn rất nhiều khi mà cộng đồng quốc tế nói chung và Liên hợp quốc nói riêng vẫn đang vật lộn với đại dịch.

Quả thực, đại dịch COVID-19 đã tàn phá nặng nề các nền kinh tế, xóa sạch những tiến bộ nhiều nước đạt được trong thực hiện các SDG, đẩy cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới tụt hậu trở lại cả thập niên.

Với những khu vực luôn chìm trong xung đột liên miên như châu Phi hay Trung Đông, tình trạng nghèo đói đã ngấp nghé trở lại mức cách đây 30 năm.

Trong báo cáo tổng kết năm 2020, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres đã phải đau lòng thừa nhận thế giới có thêm khoảng 100 triệu người bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo và đây cũng là lần đầu tiên chỉ số nghèo đói trên toàn cầu tăng kể từ năm 1998.

Su menh cua Lien hop quoc va 4 muc tieu chua the hoan thanh hinh anh 2

Người dân Palestine sưởi ấm tại trại tị nạn ở thành phố Khan Younis, Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)

Suy thoái kinh tế cũng khiến tình trạng khủng hoảng lương thực xảy ra ở nhiều khu vực có xung đột và nguy cơ bùng phát thảm họa nhân đạo ngày một thêm rõ rệt.

Tình trạng khoảng 24 triệu người tại vùng Sahel châu Phi đang phải hoàn toàn trông chờ vào nguồn cứu trợ của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế để có thể sống sót qua năm nay là một ví dụ điển hình.

Trong lời kêu gọi thế giới chung tay đóng góp nguồn kinh phí cho các hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley cho biết đại dịch COVID-19 khiến số người chết đói trên thế giới tăng từ 135 triệu lên 270 triệu người, đồng thời cảnh báo rằng đó vẫn chưa phải là những điều tồi tệ nhất.

Ông Beasley nhấn mạnh 2021 rất có thể sẽ là năm xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất kể từ khi thành lập Liên hợp quốc.

Những lời kêu gọi tâm huyết của Liên hợp quốc rằng thế giới cần chung tay giúp đỡ những cộng đồng, những quốc gia nghèo hơn bằng một khoản cứu trợ tương đương ít nhất 10% giá trị nền kinh tế toàn cầu là vô cùng cấp thiết, nhưng quá khó để có thể thực hiện trong thời điểm này.

Lý do là ngay cả các nước phát triển cũng đang phải tập trung cứu người dân và nền kinh tế của mình trước tiên.

Hơn một lần Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các nước giàu hơn hãy khoanh nợ, giãn nợ cho các nước nghèo hoặc ủng hộ các nước nghèo thông qua các tổ chức tài chính quốc tế bởi ông cho rằng “Cộng đồng thế giới cùng chung số phận và chỉ có đoàn kết, tương trợ lẫn nhau thì người dân thế giới mới đạt được những mục tiêu chung và duy trì được những giá trị chung.”

Thế nhưng, nhiều tháng đã trôi qua và những lời kêu gọi của ông vẫn rơi vào khoảng không im lặng.

Trong khi đó, đại dịch COVID-19 và hệ lụy kinh khủng của nó đã dẫn đến tình trạng tăng trưởng chậm và nợ cao ở nhiều nước trên thế giới. Đây chính là những thách thức mới, to lớn cản trở nhiều hơn nữa tiến trình thực hiện SDG của Liên hợp quốc, vốn đã được dự báo khó có thể đến đích như dự kiến vào năm 2030, kể cả nếu như đại dịch COVID-19 không xảy ra.

Thế giới cũng phải chứng kiến nhiều cuộc xung đột kéo dài cả thập niên vẫn ngày càng trở nên trầm trọng hơn; nguồn lực cho phát triển ngày càng thiếu hụt và vấn đề quyền con người, đặc biệt ở những khu vực có xung đột vũ trang vẫn thực sự nhức nhối; đói nghèo, bất bình đẳng, thù hận, bất công vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi.

Ngay tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bất đồng sâu sắc giữa 5 nước siêu cường nắm giữ vị trí ủy viên thường trực (P5) tiếp tục cản trở nhiều hoạt động của cơ quan quyền lực nhất Liên hợp quốc này.

Đơn cử như hồi tháng 3, khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc ra lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu để các nước tập trung chống dịch và giải quyết khủng hoảng do dịch, gần 180 nước, hơn 20 nhóm vũ trang và 800 tổ chức xã hội dân sự đã hưởng ứng.

Su menh cua Lien hop quoc va 4 muc tieu chua the hoan thanh hinh anh 3

Một ngôi nhà bị phá hủy sau cuộc pháo kích trong xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, P5 đã tranh cãi trong gần bốn tháng mới có thể ra được nghị quyết chính thức ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký Guterres.

Nhưng cũng chính vì đại dịch, cả thế giới mới bừng tỉnh nhận ra hành tinh của loài người thật mong manh và rằng những cảnh báo của Liên hợp quốc về tình trạng các hệ thống y tế bất bình đẳng, khoảng cách an sinh xã hội quá lớn, môi trường xuống cấp và biến đổi khí hậu đã ở mức báo động là hiện thực đang tác động mạnh mẽ tới đời sống của tất cả người dân trên thế giới đúng vào lúc khủng hoảng xảy ra.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres nhấn mạnh rằng chính đại dịch đã khiến thế giới nhận ra sự cấp thiết phải cân bằng lại mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và những lời kêu gọi của Liên hợp quốc về ứng phó với biến đổi khí hậu từ nay sẽ không còn là câu chuyện nhân loại có thể lựa chọn.

Với lượng khí thải nhà kính đã lên tới ngưỡng kỷ lục, việc 70 nước cam kết có kế hoạch để đạt được trung hòa khí thải vào năm 2050 là những tia hy vọng tích cực ban đầu, dù chưa đủ đối với công cuộc kiểm soát nhiệt độ ấm lên toàn cầu và ứng phó với biến đổi khí hậu mà Liên hợp quốc đang theo đuổi.

Đại dịch cũng khiến những hoài nghi về vai trò của cơ chế đa phương và vai trò của chính Liên hợp quốc giảm đáng kể.

Nguyên nhân là trong những thời khắc khủng hoảng nhất, Liên hợp quốc vẫn chứng tỏ là tổ chức duy nhất trên thế giới hội tụ đủ năng lực đảm trách vai trò đầu tàu trong ứng phó với vấn đề y tế toàn cầu, hỗ trợ nhân đạo cứu người, giải quyết những ảnh hưởng của đại dịch đối với đời sống kinh tế-xã hội và xây dựng chính sách cũng như kế hoạch phổ quát hỗ trợ các cộng đồng và khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất.

Cam kết của lãnh đạo 193 nước thành viên tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 cuối tháng 9 vừa qua, về việc nỗ lực duy trì và phát huy chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các thách thức lớn của thế giới, chính là “điểm sáng” trong hoạt động của Liên hợp quốc năm nay.

Tinh thần đa phương phụng sự thế giới, phục vụ con người như trong Hiến chương Liên hợp quốc đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ khắp nơi, mà bằng chứng là kết quả của nhiều cuộc khảo sát quy mô lớn được công bố đúng vào kỳ họp Đại hội đồng khóa 75.

Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, trong năm 2020, với những nỗ lực của Liên hợp quốc, hàng triệu người đã được cứu sống, 80 triệu người tị nạn và mất chỗ ở do xung đột, chiến tranh được hỗ trợ và có tới hơn 2 triệu phụ nữ, kể cả các trẻ em gái, đã tránh khỏi những hậu quả khó lường do sinh nở.

Hơn 40 phái bộ chính trị và phái bộ gìn giữ hòa bình với 95.000 quân và chuyên viên của Liên hợp quốc vẫn đang nỗ lực ngày đêm bảo vệ người dân ở các vùng chiến sự. Đó là chưa kể những hoạt động giám sát, đảm bảo quyền con người và ngăn chặn bạo lực vẫn được Liên hợp quốc tiến hành thường xuyên ở nhiều nơi.

Để đáp ứng kỳ vọng của người dân thế giới về một Liên hợp quốc có nhiều chính sách bao trùm hơn nữa, minh bạch, đáng tin cậy và hiệu quả hơn nữa, Tổng Thư ký Liên hợp quốc  đã cam kết tổ chức do ông đứng đầu sẽ không chỉ cải tổ bộ máy hoạt động, đảm bảo nguồn ngân sách ổn định cho các hoạt động gìn giữ hòa bình, nhất là hoạt động nhân đạo, mà sẽ tiến hành nhiều kế hoạch đầy tham vọng khác.

Liên hợp quốc cũng đang đi đầu trong việc thu hẹp dần khoảng cách bình đẳng giới khi có số lượng phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo nhiều nhất trong lịch sử.

Liên hợp quốc cũng phát động Chiến lược đa dạng hóa khu vực địa lý nhằm tạo cơ hội cho các nước nhỏ, ít có tiếng nói, được có mặt đại diện trong Ban Thư ký Liên hợp quốc.

Trong nỗ lực chung của Liên hợp quốc, với cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò tích cực, chủ động, trách nhiệm và cân bằng qua những đóng góp thiết thực, được lãnh đạo Liên hợp quốc, các nước và dư luận quốc tế đánh giá cao.

Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an ngay tháng 1/2020, Việt Nam đã chủ trì thành công nhiều công việc định kỳ và đột xuất của Hội đồng Bảo an. Có thể kể tới hai điểm nhấn nổi bật là phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an với chủ đề “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc trong duy trì và an ninh quốc tế,” trong đó Hội đồng Bảo an lần đầu tiên thông qua một Tuyên bố Chủ tịch riêng về tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc.

Sự kiện thứ hai là phiên họp về hợp tác giữa Liên hợp quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là lần đầu tiên chủ đề này được thảo luận tại Hội đồng Bảo an, do Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 thúc đẩy.

Trên vai trò điều phối viên E10 (nhóm 10 nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an), Việt Nam đã chủ động nối lại cuộc gặp trực tuyến giữa E10 và Tổng Thư ký Liên hợp quốc, chủ trì xây dựng phát biểu chung của E10 tại phiên họp mở rộng về phương pháp làm việc, chủ động thúc đẩy phối hợp với Indonesia để hai nước ASEAN là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an có phát biểu chung.

Đặc biệt, Việt Nam vừa đăng cai tổ chức cuộc họp các nước ủy viên không thường trực đương nhiệm và mới được bầu với sự tham gia của hơn 100 đại biểu để chia sẻ kinh nghiệm, hướng tới hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nước E10 trong tương lai.

Mới nhất, Việt Nam đã chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy để Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm.

Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng  Liên hợp quốc trong lĩnh vực này, cũng là sáng kiến đầu tiên do Việt Nam khởi xướng, chủ trì xây dựng và đàm phán dự thảo được thông qua thành công tại Đại hội đồng  Liên hợp quốc.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành khắp thế giới, đây là một trong những đóng góp tích cực của Việt Nam vào giải quyết các thách thức chung toàn cầu.

Su menh cua Lien hop quoc va 4 muc tieu chua the hoan thanh hinh anh 4

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres đã khẳng định, COVID-19, thảm họa lớn nhất của loài người kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, cũng chính là cơ hội để cộng đồng quốc tế nói chung và Liên hợp quốc nói riêng thúc đẩy xây dựng một thế giới bình đẳng hơn, một xã hội mà ở đó, những vấn đề lớn như giáo dục, việc làm, phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội đều được dựa trên nền tảng nguyên lý “các quyền bình đẳng” và “cơ hội cho tất cả mọi người.”

Năm 2021 đang tới gần, nhiều thách thức, khó khăn đang ở phía trước, nhưng 193 nước thành viên Liên hợp quốc đã cam kết mạnh mẽ sẽ giữ vững tầm nhìn, quyết tâm tiến về phía trước để khôi phục và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đúng như sứ mệnh đã được khắc ghi trong Hiến chương cách đây 75 năm./.

Theo Hải Vân (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/su-menh-cua-lien-hop-quoc-va-4-muc-tieu-chua-the-hoan-thanh/682059.vnp

  • Từ khóa

Ông Trump dọa áp thuế quan: Tiền tệ biến động, chứng khoán thấp thỏm, vàng giằng co

Những người ủng hộ cho rằng đề xuất thuế quan sẽ giúp tăng cường vị thế của Mỹ để đàm phán thỏa thuận thương mại có lợi hơn với các quốc gia khác.
18:59 - 27/11/2024
193 lượt xem

Tại sao vaccine đậu mùa khỉ cho trẻ em ở Cộng hòa Dân chủ Congo bị trì hoãn?

Tuần này Cộng hòa Dân chủ Congo bắt đầu tiêm vaccine đậu mùa khỉ cho người lớn ở thủ đô Kinshasa, nhưng trẻ em, nhóm dễ bị tổn thương nhất, vẫn chưa có...
17:22 - 27/11/2024
234 lượt xem

Nhóm G7 rối bời với các cuộc chiến tranh khắp thế giới khi ông Biden sắp mãn nhiệm

Tại Ý, các nhà ngoại giao hàng đầu từ Nhóm G7 đã cố gắng thể hiện sự đoàn kết về xung đột Ukraine, đồng thời tranh luận về khác biệt liên quan đến Israel...
16:00 - 27/11/2024
260 lượt xem

Anh đưa ra lệnh trừng phạt nặng nề nhất nhằm vào 'hạm đội bóng tối'

Chính phủ Anh đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 30 tàu thuộc "hạm đội bóng tối" Liên bang Nga.
14:39 - 27/11/2024
274 lượt xem

Hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa toàn cầu

Nhựa là loại vật liệu linh hoạt và được sử dụng rộng rãi, cho nên không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực, cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên,...
08:03 - 27/11/2024
460 lượt xem