Đúng như lo sợ của các chuyên gia, những quốc gia nằm ở Bắc bán cầu, trong đó gồm khu vực Đông Á, đang chứng kiến một làn sóng COVID-19 mạnh mẽ khi mùa đông đang về.
Người dân đeo khẩu trang trên một con phố ở Tokyo ngày 11-12 - Ảnh: AP
"Không dễ để làm mạnh tay hơn, trừ khi nhà nước công bố tình trạng khẩn cấp thêm lần nữa" - Lãnh đạo một công ty chế tạo máy của Nhật Bản mô tả tình thế nan giải trên báo Japan Times
Từng được khen ngợi là hình mẫu chống dịch của thế giới, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản đang có dấu hiệu "sẩy chân" khi số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt trở lại, dập tắt mọi hi vọng về đà phục hồi nhanh của nền kinh tế.
Nhật đón "sóng thần" mới
Các loại vắcxin đầu tiên chỉ có thể được triển khai rộng rãi nhanh nhất sau vài tháng nữa. Trong khi chờ đợi thì đây sẽ là một mùa đông rất dài đối với nhiều nước.
Đài NHK đưa tin Nhật Bản ngày 12-12 ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trong một ngày cao kỷ lục tính từ hồi đầu dịch - lần đầu tiên vượt qua mốc 3.000. Các địa phương có "kỷ lục mới" bao gồm thành phố Tokyo, Osaka, các tỉnh Saitama, Nagano, Kochi và Yamagata.
Ở thủ đô Tokyo, các bệnh viện đã xét nghiệm tổng cộng 8.398 người trong ngày thứ bảy (12-12), kết quả cho ra con số 621 người nhiễm (gần 7,4%), cao hơn kỷ lục cũ 602 của ngày 10-12. Đáng chú ý, trong số ca nhiễm mới, người trong độ tuổi 20 chiếm tỉ lệ cao nhất (181), tiếp theo là độ tuổi 30 (119), độ tuổi 40 là 89 người và trên 65 tuổi là 77 người.
Tokyo bắt đầu chứng kiến ca nhiễm tăng vọt từ giữa tháng 11. Ở hầu hết các quận trong thành phố, nhà hàng, quán bar, quán karaoke có phục vụ bia rượu đã được yêu cầu rút ngắn thời gian hoạt động, đóng cửa trước 22h.
Các chuyên gia y tế Nhật gọi đây là đợt sóng lây nhiễm thứ ba. Cũng như nhiều quốc gia khác, người ta lo hệ thống y tế ở một số khu vực bắt đầu quá tải, gây nguy cơ bệnh nhân tử vong nhiều hơn, không chỉ riêng COVID-19 mà còn nhiều loại bệnh khác.
Lực lượng Phòng vệ Nhật đã phải điều động y tá quân đội đến các thành phố Asahikawa, Osaka trợ giúp y bác sĩ. Một ủy ban y tế kêu gọi Chính phủ Nhật dừng ngay chương trình kích cầu du lịch ở những vùng dịch lớn để cứu các bệnh viện. Chính quyền Thủ tướng Yoshihide Suga được cho là đang phân vân giữa chống dịch và giữ nền kinh tế không đổ vỡ.
Nhìn chung, từ đây đến năm mới người lao động Nhật sẽ không thể tận hưởng bầu không khí lễ hội như xưa. Một khảo sát mới của Tokyo Shoko Research Ltd. cho thấy hơn 94% doanh nghiệp Nhật có kế hoạch cấm nhân viên tổ chức mọi hình thức tiệc tùng tất niên hay tân niên, bên cạnh việc hạn chế hơn nữa số lượng nhân viên ngồi văn phòng.
Hàn Quốc: tình hình "khẩn cấp"
Nằm ngay cạnh Nhật Bản, láng giềng Hàn Quốc cũng đang bước vào những ngày cam go. Chủ nhật 13-12, số ca nhiễm COVID-19 trong một ngày ở xứ kim chi lần đầu tiên vượt qua mốc 1.000 ca, trong đó gần như toàn bộ là lây nhiễm cộng đồng, Yonhap đưa tin.
Theo CDC Hàn Quốc, số ca nhiễm mỗi ngày hồi đầu tháng 12 chỉ 400-600 ca, nhưng đến cuối tuần rồi bỗng vọt lên trên 900, sau đó tiếp tục phá mốc 1.000 trong ngày chủ nhật. Giới chức y tế và chính quyền đã bắt đầu lo lắng.
Các ổ dịch ở Hàn Quốc chủ yếu là những cuộc tụ tập cá nhân, nhưng cũng có hai ổ dịch lớn gồm một ở nhà thờ và một ở bệnh viện. Đầu tuần trước Hàn Quốc đã nâng mức giãn cách xã hội lên cấp 2.5 - cao thứ nhì trong thang năm cấp bậc, nhưng vẫn thất bại trong việc chặn tốc độ virus lây lan.
Ngày 12-12, Tổng thống Moon Jae In mô tả tình hình dịch bệnh đang là "khẩn cấp", yêu cầu các cấp chính quyền huy động mọi nguồn lực đối phó. Thủ tướng Chung Sye Kyun "dọa" chính phủ có thể bắt buộc phải nâng giãn cách xã hội lên mức cao nhất nếu không có gì cải thiện.
Giãn cách cấp độ 3 (cao nhất) ở Hàn Quốc không đến mức khắt khe như ở Mỹ hoặc châu Âu, mục đích là giảm thiểu các hoạt động xã hội và kinh doanh trong nhiều lĩnh vực theo cách chính quyền cho là hiệu quả nhất, ví dụ không tụ tập quá 10 người, học sinh học tại nhà...
Theo báo Korea Herald, trong ngày 13-12, Tổng thống Moon Jae In đã chủ trì một cuộc họp khẩn cấp về dịch bệnh. Đây là lần đầu tiên trong 10 tháng, kể từ ngày 23-2, ông Moon triệu tập khẩn cấp thành viên chính phủ, lãnh đạo các đô thị và địa phương, đủ cho thấy tính khẩn cấp của tình hình. Thông thường những cuộc họp dạng này chỉ do thủ tướng chỉ đạo.
Trung Quốc chưa thấy ổ dịch lớn
Theo Reuters, ngày 13-12, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo nước này ghi nhận 24 ca COVID-19 trong 24 giờ trước đó, tăng so với 13 ca của ngày trước. Trong số ca nhiễm mới có 5 ca là nhiễm cộng đồng, 19 ca nhập cảnh từ nước ngoài. Số ca nhiễm không triệu chứng (vốn không được Trung Quốc tính vào thống kê chính thức) giảm xuống 14 ca (ngày trước là 17).
Tính đến ngày 12-12, Trung Quốc đại lục có 86.725 ca nhiễm, số người chết vẫn là 4.634 ca tính từ đầu dịch.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/mua-dong-dang-ve-covid-19-de-doa-nhan-chim-nhat-han-20201213194808968.htm