Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang có những hành động quyết liệt trong những ngày cuối của nhiệm kỳ, vốn có thể "gây khó dễ" cho chính quyền ông Joe Biden về sau này.
Ông Biden dự kiến sẽ tiếp quản Nhà Trắng từ ông Trump vào ngày 20/1 tới (Ảnh: Getty)
Ngày 10/12, Morocco đã trở thành quốc gia Ả rập thứ 4 trong năm nay tuyên bố thiết lập quan hệ với Israel, CNN đưa tin. Đó là một chiến thắng ngoại giao khác của chính quyền Trump và ông chủ Nhà Trắng đã viết trên Twitter rằng đó là "bước ngoặt lớn cho hòa bình tại Trung Đông".
Tạm gạt sang một bên sự cường điệu bởi thực tế Morocco và Israel từ lâu đã âm thầm có quan hệ thân mật, Morocco đã nhận được "phần thưởng" lớn từ phía Mỹ: công nhận chủ quyền của Morocco đối với vùng lãnh thổ tranh chấp kéo dài Tây Sahara.
Sau gần 4 thập niên vận động hành lang cho kết quả đó, thành công đến tương đối dễ dàng và Ngoại trưởng Morocco chỉ cam kết chung chung rằng "sẽ nối lại quan hệ ngoại giao sớm nhất có thể" với Israel.
Thành tựu đối ngoại quan trọng của chính quyền Trump
Trong vài tháng qua, chính quyền Trump đã mạnh mẽ theo đuổi cái gọi là "Hiệp ước Abraham" - các thỏa thỏa thuận hòa bình giữa các quốc gia Ả rập và Israel. Trước Morocco, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Sudan đã ký kết các thỏa thuận.
Việc theo đuổi Hiệp ước Abraham đã trở thành một trọng tâm của chính quyền Trump, với sự trợ giúp của con rể kiêm cố vấn cấp cao Jared Kushner, nhằm ghi dấu một thành tựu đối ngoại quan trọng.
Nhưng với thỏa thuận hạt nhân Iran, thỏa thuận Paris về khí hậu, các tranh cãi về việc chi tiêu của NATO và việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, quá trình trên đã làm suy yếu sự đồng thuận giữa các đồng minh của Mỹ. Và trong tiến trình mà nhóm của ông Trump đưa ra nhiều hứa hẹn, các cam kết có thể làm gia tăng căng thẳng và có thể gây đau đầu cho chính quyền tương lai của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Trong trường hợp của Morocco, cả Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu đều không công nhận tuyên bố chủ quyền của nước này đối với vùng Tây Sahara, nơi phần lớn dân số là người Sahrawi đã đấu tranh để giành quyền tự quyết trong suốt 4 thập niên qua dưới danh nghĩa Mặt trận Polisario.
Tổng thống Trump viết trên Twitter hôm 10/12 rằng tuyên bố chủ quyền của Morocco có thể mang lại hòa bình lâu dài và thịnh vượng. Nhưng chỉ mới hồi tháng trước, Mặt trận Polisario đã chấm dứt lệnh ngừng bắn kéo dài 3 thập niên qua với Morocco.
Một chuyên gia cho rằng việc Mỹ bất ngờ đảo ngược chính sách lâu năm đã làm gia tăng đáng kể nguy cơ xung đột mới trong khu vực khi thế hệ trẻ hơn của người Sahrawi không nhìn thấy hi vọng về sự tự quyết.
Algeria, nơi Mặt trận Polisario đặt trụ sở và có gần 200.000 người tị nạn Sahrawi, đã bị bất ngờ về tuyên bố mới đây về Morocco. Điều đó có thể là một bước lùi đối với các nỗ lực của quân đội Mỹ nhằm xây dựng các nầu nối với Algeria trong vấn đề an ninh khu vực và chống khủng bố. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper mới thăm Algeria hồi tháng 10.
Giới phân tích cho rằng sẽ rất khó để chính quyền Biden hủy bỏ thỏa thuận mà không khiến Morocco phật lòng. Giới chuyên gia cũng nhận định, thỏa thuận có thể gây khó khăn cho mối quan hệ của chính quyền tương lai và các đồng minh châu Âu cũng như các nước lớn ở châu Phi vốn phản đối Morroco kiểm soát khu vực Tây Sahara.
Gerard Araud, một cựu đại sứ Pháp tại Israel, Liên Hợp Quốc và Washington, viết": "Trong thế giới ngoại giao thu nhỏ, nó giống như một quả bom. 40 năm tranh luận đã bị xóa bỏ chỉ trong một cái tweet. Chính quyền Biden sẽ làm gì?".
Thông qua ảnh hưởng về quân sự và kinh tế, Mỹ có vị trí độc nhất vô nhị nhằm thuyết phục các chính phủ Ả rập ôn hòa thiết lập quan hệ với Israel. Điều đó đã được trợ giúp phần nào bởi những ưu tiên thay đổi của các nước này. Đối với các vương quốc ở Vùng Vịnh, mối đe dọa không còn là Nhà nước Do Thái mà là Iran.
Cả Israel và các quốc gia vùng Vịnh đều lo ngại về các tham vọng khu vực và hạt nhân của Iran. Liên minh non trẻ này đang xích lại gần nhau vì các kẻ thù chung thay vì lợi ích chung.
Vì vậy, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã thúc đẩy một thỏa thuận vũ khí rất lớn, trong đó có 50 máy bay chiến đấu F-35 và các máy bay không người lái, trong khuôn khổ thỏa thuận bình thường hóa. Nhưng điều đó cũng gây lo ngại tại Israel cũng như tại quốc hội Mỹ rằng sự ưu việt về quân sự của Israel trong khu vực có thể bị giảm đi.
Bên "thiệt" nhất trong tiến trình trên là Palestine. Đã từng có thời điểm nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat là "ngôi sao" tại một hội nghị thượng đỉnh Ả rập và tất cả các chính phủ Ả rập đều ủng hộ nguyện vọng của người Palestine có một nhà nước riêng, độc lập đúng nghĩa.
Nhưng khi các quốc gia Ả rập chia rẽ, nguyện vọng của người Palestine đã bị ảnh hưởng. Đơn giản là vì việc tạo một mặt trận thống nhất chống lại Iran quan trọng hơn một đất nước cho người Palestine, dù Morocco và UAE vẫn ủng hộ người Palestine.
Tất nhiên, khi lên nắm quyền, chính quyền Biden sẽ có các ưu tiên cao hơn thay vì Tây Sahara, nhưng thỏa thuận Morroco là một ví dụ nữa cho thấy tài ngoại giao chuyển tiếp nổi tiếng của ông Trump
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/them-mot-thoa-thuan-cua-ong-trump-khien-ong-biden-dau-dau-20201213221540998.htm#dt_source=Cate_TheGioi&dt_campaign=Cover&dt_medium=1