Nhiều nước châu Á vẫn "cảm kích" cách tiếp cận cứng rắn của ông với Trung Quốc và lo ngại rằng, chính quyền mới của Mỹ sẽ quay trở lại chính sách mềm mỏng như thời Tổng thống Barack Obama.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Khi ông Joe Biden đang chuẩn bị cho lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng tới, hiện vẫn còn nhiều mơ hồ về vai trò truyền thống của Mỹ với tư cách "người bảo đảm" an ninh cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo Channel News Asia.
Mặc dù ông Donald Trump dành phần lớn thời gian tại nhiệm để thử thách quan hệ với các đối tác của Mỹ, song nhiều nước châu Á vẫn "cảm kích" cách tiếp cận cứng rắn của ông với Trung Quốc và lo ngại rằng, chính quyền mới của Mỹ sẽ quay trở lại chính sách mềm mỏng như thời Tổng thống Barack Obama và"phó tướng" Joe Biden.
Ông Biden có thể nhậm chức vào thời điểm tầm ảnh hưởng ngày càng mở rộng và các hành động ngày càng cứng rắn của Trung Quốc đã làm gia tăng sự bất ổn tại châu Á, đặc biệt trong các vấn đề Tân Cương, Đài Loan, Hong Kong và Biển Đông.
Điều này giải thích một phần lý do ông Trump sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc về công nghệ, thương mại và nhận được sự chào đón từ nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương - những quốc gia sẵn sàng bỏ qua một bên sự hoài nghi liên quan tới chính sách "Nước Mỹ là trên hết" của Tổng thống Trump và hành vi của ông khi tại nhiệm.
Những bài viết trước thềm bầu cử Mỹ đều nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân ở các nước châu Á - Thái Bình Dương dành cho Tổng thống Trump. Họ tin rằng ông Trump có thể tạo ra sự đối trọng mạnh mẽ với Trung Quốc, cả về kinh tế, quân sự và chiến lược.
Những kỹ năng ngoại giao lão luyện, tuổi thơ lớn lên ở Indonesia và phong thái của Barack Obama khiến ông được yêu mến ở châu Á, đồng thời mang lại cho Mỹ "sức mạnh mềm" đáng kể. Tuy nhiên, các nước trong khu vực dường như vẫn chưa thỏa mãn với việc ông Obama có khuynh hướng thỏa hiệp hơn là đối đầu với sự bành trướng của Trung Quốc.
Một phần của khuynh hướng trên có thể do những thách thức do di sản để lại, khi chính quyền Obama phải tập trung rút quân khỏi Iraq và Afghanistan. Ông Obama cũng bận rộn với vấn đề Triều Tiên, Libya, sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và "cuộc chiến chính trị nội bộ" ở Washington.
Một phần khác có thể do sự lúng túng của chính quyền Obama, khi vào thời điểm đó chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn chưa định hình được mối quan hệ với Trung Quốc cũng như cách thức can dự ở châu Á. Mặc dù triển khai chiến lược "xoay trục sang châu Á", nhưng ông Obama vẫn không thể triển khai sự hiện diện quân sự gia tăng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Một vài ý kiến nhận định, chính sự "chủ quan" của ông Obama khi cho rằng có thể đối phó với Trung Quốc chủ yếu bằng chính sách ngoại giao đã dẫn tới khuynh hướng thỏa hiệp của Mỹ. Trước khi nhậm chức tổng thống, ông Obama chưa từng thăm Trung Quốc.
Những yếu tố trên đã dẫn tới hàng loạt hệ lụy trong quan hệ Mỹ - châu Á.
Giới quan sát đã đề cập tới việc ông Obama không thể bảo đảm sự ủng hộ của Mỹ đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), từ đó "nhường sân" cho Trung Quốc về thương mại và kinh tế trong khu vực. Ngoài ra, ông Obama cũng thất bại trong việc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như sự thiếu hiệu quả trong chính sách "kiên nhẫn chiến lược"của ông nhằm kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Duy trì cách tiếp cận của Tổng thống Trump và tập trung vào Biển Đông
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bị chỉ trích là quá mềm mỏng với Trung Quốc trong suốt 2 nhiệm kỳ (Ảnh: AP)
Ông Biden cần giải quyết những lo ngại hiện thời bằng việc tuyên bố rằng, vai trò lãnh đạo của Mỹ về kinh tế và chiến lược sẽ mang lại cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương một tương lai an toàn và thịnh vượng chung.
Ông Biden có thể đạt được mục tiêu trên bằng hành động cụ thể, chứ không chỉ bằng lời nói.
Ông Biden nên tìm cách đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc trong việc thay đổi cán cân quyền lực ở Biển Đông. Đây nên là cách tiếp cận đa chiều.
Trước hết, ông Biden cần gây sức ép với Trung Quốc cả về ngoại giao, an ninh và kinh tế thông qua vai trò của Bộ Tứ, gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, nhằm xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do.
Ông Biden cũng nên tiếp tục duy trì các hoạt động thể hiện sức mạnh quân sự của Mỹ, như các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải để thách thức yêu sách chủ quyền thái quá của Trung Quốc, cũng như các cuộc tập trận chung cả trên không và trên biển, dù cho trong khuôn khổ Bộ Tứ hoặc các khuôn khổ khác.
Đầu tư răn đe quân sự trong khu vực
Tổng thống Donald Trump bắt tay cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka năm 2019. (Ảnh: AFP)
Ông Biden cần tăng cường răn đe quân sự bằng cách nâng cao năng lực quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương, nhằm đối phó với những thách thức mới từ chiến dịch xây đảo nhân tạo của Trung Quốc cũng như kế hoạch chống tiếp cận của Bắc Kinh nhằm đẩy lùi lực lượng quân đội Mỹ ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai.
Mặc dù Tổng thống Trump đã tăng cường chi tiêu quân sự để bù đắp phần ngân sách quốc phòng bị sụt giảm dưới thời ông Obama, song Hải quân Mỹ cho đến nay vẫn chưa có đủ tàu để thực hiện các cam kết trong khu vực.
Ngân sách quốc phòng dưới thời Joe Biden cần tính đến số tiền chi cho lực lượng hải quân để tăng cường hoạt động đóng tàu với đủ số lượng và chất lượng nhằm cho phép Mỹ hoạt động bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất ở Thái Bình Dương.
Ngoài ra, ông Biden cũng cần dành riêng một phần ngân sách để phát triển các khí tài tác chiến trên biển như tàu ngầm, tàu hộ vệ, tàu không người lái và tàu trang bị công nghệ tàng hình tiên tiến.
Những lĩnh vực khác cũng cần hỗ trợ về ngân sách gồm các hệ thống radar và vũ khí siêu thanh, các trung tâm chia sẻ thông tin tình báo hợp tác với các đối tác ở Đông Nam Á và châu Úc, hay việc triển khai thường xuyên hơn lực lượng quân sự Mỹ tăng cường để củng cố các căn cứ hiện thời của Mỹ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Guam.
Chính quyền Biden cũng nên tiếp tục duy trì và củng cố những nỗ lực của Mỹ và Nhật Bản trong việc cung cấp các trang thiết bị hải quân, tuần duyên và không quân cho các đối tác ở châu Á - những nước đang thiếu nguồn lực cần thiết để bảo vệ lãnh thổ của mình.
Khoảng cách về tên lửa giữa Trung Quốc và Mỹ cũng cần được rút ngắn. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng kho tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung cũng như tên lửa hành trình lớn nhất thế giới nhằm phá hủy các tàu sân bay cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Guam.
Áp lệnh trừng phạt kinh tế khi cần thiết
Tương tự chính quyền Trump, chính quyền Biden cũng có thể sử dụng "chiêu bài" về kinh tế và trừng phạt đối với Bắc Kinh.
Việc đạt được một thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc có thể bị coi là nhạy cảm về chính trị trong những ngày đầu nhận nhiệm sở của chính quyền Biden, tuy nhiên ông Biden có thể sử dụng đòn thuế quan hiện thời mà Tổng thống Trump đang áp lên hàng hóa Trung Quốc để làm "quân bài" trong các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai.
Ông Biden cũng có thể áp thuế quan hoặc lệnh trừng phạt tăng cường nhằm vào các công ty hoặc quan chức Trung Quốc như một biện pháp trừng phạt trong trường hợp cần thiết, chẳng hạn khi Bắc Kinh có các hành động gây hấn trên biển.
Chính quyền mới của Mỹ có thể tiếp tục duy trì các khía cạnh khác trong chính sách với Trung Quốc của chính quyền Trump, như lập trường cứng rắn của ông Trump với công nghệ 5G của Trung Quốc nhằm bảo vệ dữ liệu của Mỹ, giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các thiết bị bảo hộ cá nhân và dược phẩm, đứng về phía Ấn Độ trong tranh chấp lãnh thổ tại "điểm nóng" thung lũng Galwan.
Tăng cường hợp tác đa phương
Ông Biden chắc chắn sẽ gặp áp lực lớn từ chính sách Trung Quốc của ông Trump (Ảnh: Getty)
Tuy vậy, không phải toàn bộ chính sách đối ngoại của chính quyền Trump đều nên được triển khai. Sự vắng mặt của ông Trump trong hầu hết các diễn đàn đa phương hàng năm ở châu Á đã làm suy giảm mức độ tín nhiệm của Mỹ.
Joe Biden và các quan chức chủ chốt trong nội các của ông nên tham dự các hội nghị thượng đỉnh khu vực mà Mỹ được mời, bao gồm các sự kiện liên quan do ASEAN tổ chức, cũng như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á hay Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) để định hình chương trình nghị sự.
Các vị trí đại sứ quan trọng của Mỹ, như đại sứ tại ASEAN và Singapore, cần phải được bổ nhiệm. Ông Biden, cùng Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao nên gặp gỡ những người đồng cấp trong khu vực với tần suất nhiều hơn.
Ông Biden cũng nên đưa thêm nhiều người am hiểu về châu Á vào các vị trí tại Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp cũng như Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ.
Ngoài ra, đội ngũ của ông Biden cũng nên tìm cách để đưa Mỹ quay trở lại TPP nhằm tái khẳng định tầm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á và giúp định hình quy chuẩn thương mại của thế hệ kế tiếp.
Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ cũng cần định hướng hoạt động của họ để tập trung vào các nhu cầu phát triển kinh tế và đầu tư hạ tầng dài hạn trong khu vực.
Mỹ và các đối tác châu Á nên khuyến khích Trung Quốc trở thành một lực lượng xây dựng, đồng thời tìm cách hợp tác với Bắc Kinh và tránh tâm lý tẩy chay Trung Quốc.
Joe Biden cần hiểu rằng những người bạn của Mỹ ở châu Á muốn ông tránh chính sách quá cẩn trọng với Trung Quốc của "ông chủ cũ" Barack Obama, đồng thời vẫn duy trì một số chính sách phù hợp hơn của người tiền nhiệm Donald Trump.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/di-san-cung-ran-chong-trung-quoc-cua-tong-thong-trump-20201209181213240.htm#dt_source=Cate_TheGioi&dt_campaign=Top3&dt_medium=3