Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo số ca nhiễm COVID-19 tại nước này vẫn đạt ở mức cao, trong khi đó thành phố St.Petersburg của Nga hầu như đã đóng cửa hoàn toàn do virus corona.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trước những diễn biến gia tăng của dịch COVID-19, đặc biệt là những tác động đến từ dịp lễ Giáng sinh và Năm mới 2021, nhiều địa bàn trên thế giới đã đưa ra những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt...
Đức: Thủ tướng Merkel kêu gọi những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn
Với những biện pháp hạn chế hiện tại, Đức sẽ không vượt qua được mùa Đông - là lời cảnh báo của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong phát biểu tại một buổi họp của phe liên minh ngày 07/12. Cũng tại bài phát biểu này, vị nữ Thủ tướng đưa ra thông tin về số ca nhiễm COVID-19 tại nước này vẫn đạt ở mức cao.
Thủ tướng Merkel coi các quyết định về các biện pháp tiếp theo là cần thiết trước lễ Giáng sinh bởi với các biện pháp đã được thực hiện cho đến nay, Đức không thể thoát khỏi tình trạng trì trệ. Điều đó đồng nghĩa với việc, Đức sẽ không thể vượt qua mùa Đông nếu không có các biện pháp bổ sung. Các cuộc thảo luận cần phải được tiến hành và quyết định phải được đưa ra trước Giáng sinh.
Thủ tướng Merkel tuyên bố, bà sẽ tiếp tục tham vấn với thủ hiến các bang trong những ngày tới, các biện pháp mới sẽ được áp dụng nếu có sự thống nhất của chính phủ và các bang.
Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Đức ca ngợi các biện pháp cứng rắn đang được áp dụng tại bang Bayern và đánh giá những quyết định ở bang này là những bước đi đúng hướng.
Bà cũng cho biết thêm, ở một số bang như Sachsen, Thüringen, Sachsen-Anhalt và một số vùng thuộc Brandenburg, số ca nhiễm đang tăng không hạn chế, nhiều điểm nóng với hơn 200 ca nhiễm mới/100.000 dân trong 1 tuần, một số quận tại Sachsen và Thüringen, tình trạng rất nghiêm trọng cũng đã phát sinh tại các bệnh viện.
Ngày 25/11, Chính phủ Đức và các bang đã thống nhất áp đặt thêm các hạn chế ở các khu vực có số lượng ca nhiễm mới đặc biệt cao, tuy nhiên, cho đến nay, không phải tất cả các bang đều thực hiện điều này.
Chính phủ và các bang đã đồng ý cho phép tối đa 10 người (không tính trẻ em dưới 14 tuổi) tham dự các cuộc gặp mặt gia đình từ ngày 23/12 đến 01/01/2021, tuy nhiên, bang Bayern chỉ cho phép thực hiện từ ngày 23-26/12, bang Baden-Württemberg giới hạn 23-27/12, Berlin chỉ cho phép tối đa 5 người trong toàn bộ ngày lễ.
Cùng ngày, truyền thông Đức đưa tin, theo bản dự thảo của Ủy ban tiêm chủng thường trực (Stiko), nhóm dân số Đức được tiêm phòng vắcxin ngừa dịch COVID-19 đợt đầu tiên khoảng 8,6 triệu người, gồm những người trên 80 tuổi, những người trong viện dưỡng lão và số nhân viên có nguy cơ lây nhiễm cao.
Tuy nhiên, vào tháng 01/2021, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn mới đưa ra dự kiến ban đầu 3 triệu liều vắcxin đủ tiêm chủng với 1,5 triệu người.
Theo tính toán của các chuyên gia tiêm chủng, số ca tử vong và số bệnh nhân phải nhập viện sẽ giảm nhiều khi những người già trên 80 tuổi được tiêm chủng.
St.Petersburg-'Thủ đô phương Bắc' của Nga đối mặt với việc đóng cửa hoàn toàn
Phát biểu trên sóng "Đài phát thanh nước Nga" ngày 7/12, Thống đốc thành phố St.Petersburg, ông Alexander Beglov, cho biết thủ đô phương Bắc của nước Nga hầu như đã "đóng cửa hoàn toàn" do virus corona.
Theo ông Beglov, các giường bệnh chuyên biệt để chữa cho người nhiễm virus corona thể nặng vẫn còn song dự trữ có thể sớm cạn kiệt, các bệnh viện và phòng khám thành phố đang làm việc hết công suất và bác sĩ đã tới giới hạn làm việc.
Ông Beglov lưu ý kỳ nghỉ năm mới sắp tới sẽ không dễ dàng. Thống đốc nói: “Tiếp theo là ranh giới đỏ, sau đó là hủy bỏ chăm sóc y tế theo kế hoạch tại các bệnh viện và chuyển tất cả các phòng khám sang chế độ truyền nhiễm."
Ông nhấn mạnh cần phải ngăn chặn việc biến lễ năm mới sắp tới thành một "cuộc marathon truyền COVID-19" mà hậu quả là hàng nghìn người có thể phải nhập viện. Ông cho rằng để tránh tình hình như vậy, cần phải loại trừ việc tụ tập đông người trong các khuôn viên kín.
Ngoài ra, Thống đốc St. Petersburg không loại trừ khả năng thành phố phải đóng cửa hoàn toàn. Ông cho biết thêm vào cuối tuần trước, tỷ lệ giường phục vụ bệnh nhân virus corona trong thành phố đã "tăng nhẹ" khoảng 7%. “Nhưng điều này xảy ra không phải bằng cách giảm số ca nhập viện, mà bằng cách tổ chức điều trị theo dõi cho bệnh nhân tại nhà. Số ca nhập viện ổn định ở mức rất cao - khoảng 800 ca mỗi ngày."
Thành phố St. Petersburg đứng thứ hai trong số các khu vực của Nga về cả số người nhiễm virus corona lẫn số ca tử vong. Kể từ đầu đại dịch thành phố đã ghi nhận hơn 151.000 người nhiễm bệnh, hơn 5.800 ca tử vong.
Canada: 249.000 liều vắcxin của Pfizer-BioNTech sẽ được chuyển tới trong tháng 12/2020
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 7/12, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, 249.000 liều vắcxin phòng COVID-19 của hãng Pfizer phối hợp cùng công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech đồng phát triển, sẽ được chuyển tới Canada trong tháng 12 này và hàng triệu liều vắcxin sẽ tiếp tục được chuyển tới Canada trong năm 2021.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại British Columbia, Canada ngày 3/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tiến trình xem xét phê duyệt vắcxin của Pfizer-BioNTech đang được các cơ quan chức năng của Canada khẩn trương tiến hành. Thủ tướng Trudeau nói: “Tôi đảm bảo với người dân Canada rằng bất kỳ loại vắcxin nào được phê duyệt tại Canada cũng sẽ an toàn và hiệu quả."
Vắcxin do Pfizer và đối tác BioNTech đồng phát triển dự kiến sẽ là vắcxin đầu tiên được chấp thuận ở Canada, mặc dù quốc gia này đã ký hợp đồng cung cấp với bảy nhà sản xuất.
Ngoài vắcxin của Pfizer, Canada cũng đang xem xét phê chuẩn vắcxin của Moderna. Nếu vắcxin của Moderna được cấp phép lưu hành, 2 triệu liều vắcxin của hãng này sẽ được chuyển tới Canada trong quý 1/2021.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Canada đã ghi nhận trên 400.000 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 12.000 người đã tử vong./.
Theo TTXVN/Vietnam+
https://www.vietnamplus.vn/dich-covid19-the-gioi-ap-dung-nhung-bien-phap-han-che-nghiem-ngat/680969.vnp