Quan chức Mỹ cho rằng hợp tác với châu Âu trong việc đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Phi đóng vai trò quan trọng.
Từ phải qua trái, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker gặp mặt bên lề diễn đàn quốc tế tại Pháp năm 2019. (Ảnh: Xinhua)
Báo cáo mới được công bố gần đây của Thượng nghị sĩ Jim Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nhận định Washington nên hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) để thúc đẩy đầu tư tư nhân tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt trong các dự án cơ sở hạ tầng, đồng thời bảo đảm an ninh hàng hải tại Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Theo SCMP, báo cáo cho biết các bước tiếp theo sẽ được xây dựng dựa trên ý chí chính trị hiện thời, nhằm tăng cường hợp tác trong khu vực, quyết định lĩnh vực tập trung cũng như ý nghĩa hợp tác trên thực tế. Báo cáo nhận định hợp tác Mỹ - EU ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương yếu hơn nhiều so với khu vực châu Phi.
"Mức độ kiểm soát khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Trung Quốc sẽ tác động trực tiếp tới khả năng của nước này trong việc phô diễn sức mạnh toàn cầu. Trong bối cảnh cả Mỹ và châu Âu ngày càng ưu tiên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hợp tác xuyên Đại Tây Dương đang hình thành trong khu vực, mặc dù vẫn non yếu hơn nhiều so với khu vực châu Phi", báo cáo cho biết thêm.
Hầu hết quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đều được xem là đối tác an ninh thân cận với Mỹ, trong khi châu Phi được EU xem là "láng giềng" vì liên kết an ninh và vị trí địa lý gần gũi.
Trung Quốc đã tiến hành các dự án đầu tư rộng lớn tại châu Phi thông qua Sáng kiến Vành đai Con đường. Bắc Kinh gần đây ký hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với hầu hết các nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hình thành khối thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Trong một diễn biến có liên quan, Financial Times ngày 29/11 đưa tin Ủy ban châu Âu đang soạn thảo đề xuất chi tiết với Mỹ nhằm xây dựng một liên minh toàn cầu mới thời kỳ hậu Trump để đối phó với các thách thức chiến lược từ Trung Quốc.
Đề xuất của EU đặt mục tiêu "hồi sinh" quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, đưa ra các đề xuất hợp tác mới trong mọi lĩnh vực, từ công nghệ kỹ thuật số, chống dịch Covid-19 cho tới chống phá rừng.
Đề xuất này dự kiến được trình lên các nhà lãnh đạo của các nước thành viên EU để phê duyệt tại hội nghị của khối vào ngày 10-11/12 tới.
Các đề xuất trên cho thấy kỳ vọng của châu Âu trong việc hợp tác với chính quyền mới của Mỹ, đồng thời thể hiện lo ngại rằng mối quan hệ không mặn nồng giữa Mỹ và châu Âu trong những năm qua đã trao lợi thế cho Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chọn theo đuổi các biện pháp thương mại đơn phương, không chỉ chống lại Trung Quốc mà còn quay lưng với EU.
Nhìn chung các tổ chức và các nước thành viên thuộc EU ngày càng cảnh giác với Trung Quốc, đặc biệt là chính sách ngoại giao cứng rắn của Bắc Kinh trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, song vẫn có một số nước tách khỏi xu hướng này.
Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên EU, như Hungary, vẫn xây dựng mối quan hệ riêng mạnh mẽ với Trung Quốc, trong khi cơ chế hợp tác "17+1" do Trung Quốc sáng lập với các nước Đông và Trung Âu có sự tham gia của 12 nước thành viên EU.
Theo Thành Đạt/Dân trí (nguồn SCMP, FT)
https://dantri.com.vn/the-gioi/my-eu-muon-siet-vong-vay-kiem-toa-trung-quoc-20201201110137095.htm#dt_source=Cate_TheGioi&dt_campaign=Cover&dt_medium=1