19
/
166160
Michelin ngó lơ bánh mì Việt?
michelin-ngo-lo-banh-mi-viet
news

Michelin ngó lơ bánh mì Việt?

Chủ nhật, 30/06/2024 | 16:37:01
1,918 lượt xem

Không ít thì nhiều, các quán phở, hủ tiếu, bún chả, cơm tấm... đều có mà sao không có tiệm bánh mì nào lọt vào danh sách tuyển chọn của Michelin Guide?

Khách xếp hàng dài đợi mua bánh mì Huynh Hoa - một trong những thương hiệu bánh mì có tiếng ở TP.HCM - Ảnh: FBHH 

Ngay sau khi Michelin Guide công bố danh sách các cơ sở ăn uống ở các hạng mục, có không ít fan bự của món bánh mì lên tiếng.

Bánh mì Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới. Thậm chí, "banh mi" còn đi vào từ điển Oxford như một danh từ riêng, để chỉ bánh mì Việt Nam, người nước ngoài muốn thưởng thức thì phải nói bằng tiếng Việt.

Bánh mì bị "ghẻ lạnh"

Một fanpage về ẩm thực có bài viết thắc mắc sao không có lấy một tiệm bánh mì nào? Theo chủ fanpage này, nếu nói về sự đa dạng của bánh mì Việt Nam chắc cũng được một cuốn từ điển kha khá.

Mỗi vùng lại có loại bánh mì riêng kèm các loại nhân đa dạng. Trong đó, TP.HCM nhiều nhất vì có sự giao thoa văn hóa ẩm thực vùng miền.

Michelin Guide công bố danh sách 42 cơ sở ở TP.HCM và Hà Nội hạng mục Bib Gourmand 2024 thì có tới 13 quán phở, không ít người phàn nàn các thẩm định viên của Michelin hình như "chỉ biết mỗi phở".

"Sao không có bánh mì", "Bánh mì đâu, ngon thế mà không có mặt", "Phải chăng bánh mì bị ghẻ lạnh"... - nhiều người thất vọng khi món tủ không vào top.

Có người nói "Các quán hủ tiếu, bún chả, phở, cơm tấm... không ít thì nhiều cũng thấy có, sao không có tiệm bánh mì nào hết trơn vậy?".

Trên nhóm Saigon Dining Guide với 138.000 thành viên, việc không có tiệm bánh mì nào có tên trong danh sách Michelin Guide cũng được mang ra mổ xẻ.

Bạn Huỳnh Tú cho rằng đây là món được tổng hợp từ tất cả các loại chả, các tiệm bánh mì nhập chả về và bán lại. Không như các quán ăn, họ có công thức riêng từng món.

Bạn Tuấn Anh nghĩ "vấn đề chính nằm ở chiếc bánh mì; nhân khá hay nhưng vỏ thì quá tệ". Tuy nhiên, bạn Tân Nhân phản bác lại ngay: "Lớp vỏ mỏng tạo độ nóng giòn là đặc trưng của bánh mì Việt cũng là điều tạo nên sự khác biệt với phần còn lại của thế giới baguette".

Dẫn việc bánh mì Việt Nam nổi tiếng thế giới, bạn Tư Hoa bình luận cái đặc biệt của bánh mì Việt Nam nằm ở sự "phối hợp tổng thể của bánh và nhân bên trong", "nếu tách ra từng món thì chẳng khiến người ta trầm trồ và kinh ngạc đâu".

Bánh mì Hội An có hương vị đậm đà hơn các vùng miền khác - Ảnh: ĐẬU DUNG

Danh hiệu cho bánh mì - cần không?

Bà Nguyễn Thị Khánh - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đơn vị từng tổ chức thành công Lễ hội bánh mì tại TP.HCM trong hai năm 2023, 2024 - cho rằng nếu có tiệm bánh mì nào được Michelin công nhận, gọi tên cũng có giá trị của nó.

Anh Thạch Nguyễn - chủ tiệm Bánh mì Nguyên Sinh Bistro ở TP.HCM - nói với Tuổi Trẻ: "Đây là năm công bố thứ hai của Michelin Guide ở Việt Nam nhưng chưa có một tiệm bánh mì nào lọt vào, đúng là hơi buồn".

Theo anh Thạch, "bánh mì có vị trí ngang ngửa với phở, không hề kém cạnh đâu; vì thế tôi cũng không rõ các thẩm định viên của Michelin Guide dựa trên tiêu chí nào để xét". Anh nói không riêng anh mà nhiều người kinh doanh bánh mì cũng có thắc mắc này.

"Danh sách do Michelin Guide chọn chưa chắc là tất cả những gì hay ho nhất của ẩm thực Việt Nam? Một danh hiệu cho bánh mì - có cần thiết quá không?", Tuổi Trẻ hỏi.

Anh Thạch Nguyễn cho là "cần thiết". Bởi trong khía cạnh kinh doanh, các nền tảng mạng xã hội làm việc kinh doanh thay đổi rất rõ rệt.

Michelin Guide vẫn là một cái gì đó có uy tín với du khách, được nhiều người tìm kiếm trên mạng. Nói không quan trọng là phủ nhận điều đó, có phần hơi cực đoan.

Anh Thạch ví dụ quán bò lá lốt cô Liêng trên đường Võ Văn Tần. Trước đây tiệm xập xệ nhưng khi được Michelin Guide đề xuất, lượng khách tăng đột biến, tiệm phải nâng cấp, sạch đẹp hơn, nhân viên cũng chuyên nghiệp hơn. "Tôi nghĩ điều này giúp cho ẩm thực Việt Nam ngày càng phát triển", anh nói.

Bà Khánh thì nói với Tuổi Trẻ: "Với người Việt, bánh mì gần như là món không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Vừa ngon vừa tiện, đầy đủ dinh dưỡng.

Dinh dưỡng hài hòa, chua cay mặn ngọt có hết. Đó là món ăn mà từ người bình dân tới giới thượng lưu đều yêu thích, giá cả phải chăng".

Theo bà, bánh mì Việt Nam rất phong phú. Nói riêng ở TP.HCM, bánh mì nổi tiếng từ trước tới giờ, không ngừng phát triển.

Đi vào từng quận, huyện cũng có những tiệm bánh mì nổi bật riêng. Chưa kể những năm gần đây, thành phố có thêm những tiệm bánh mì chay, cập nhật xu hướng.

Bà Khánh liệt kê một số thương hiệu bánh mì có tiếng ở Sài Gòn như Hòa Mã, Huynh Hoa, Nguyên Sinh Bistro, Tăng, Bảy Hổ, Như Lan, Tuấn 7 Kẹo, Sáu Minh...

Theo Đậu Dung/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/michelin-ngo-lo-banh-mi-viet-20240630094223998.htm

  • Từ khóa

Ấn tượng trang phục dân tộc của người đẹp Việt tại "Miss Supranational 2024"

Người đẹp Việt Lydie Vũ sẽ diện bộ trang phục "Cát Cát" do NTK Tăng Thành Công thực hiện cho phần thi National Costume tại "Miss Supranational...
14:18 - 04/07/2024
33 lượt xem

Gần ngàn người luyện tập ngày đêm cho chương trình khai mạc Lễ hội Vì hòa bình

Sự kiện khai mạc Lễ hội Vì hòa bình vào đêm 6.7 tới đây tại Quảng Trị sẽ có sự tham gia của gần 1.000 nghệ sĩ và các chiến sĩ, người dân cùng thanh thiếu...
14:15 - 04/07/2024
40 lượt xem

Điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam

Trong lịch sử giao lưu văn hóa Pháp - Việt lâu dài, điện ảnh Pháp và điện ảnh Việt Nam luôn có mối quan hệ chặt chẽ, nhiều ý nghĩa.
09:59 - 04/07/2024
141 lượt xem

Tour diễn âm nhạc "Từ đây… Từ nay…": Làn gió mới nửa cuối năm 2024

Nhạc sĩ Huỳnh Quốc Huy ra mắt chuỗi sự kiện âm nhạc "Từ đây… từ nay" với kỳ vọng tour diễn âm nhạc sẽ đến với khán giả quốc tế.
08:18 - 04/07/2024
180 lượt xem

Liên hoan phát thanh toàn quốc lần đầu tổ chức thi cho podcast

Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI năm 2024 lần đầu tổ chức thi cho thể loại podcast, một thể loại mới trong thời đại truyền thông số.
07:28 - 04/07/2024
191 lượt xem