BGTV- Thương mại điện tử đang dần trở thành xu hướng của nhịp sống hiện đại, việc mua sắm các mặt hàng từ điện tử, thời trang, thực phẩm... đều trở nên dễ dàng qua mạng internet. Tuy nhiên bên cạnh những trang bán hàng uy tín, không ít cá nhân tổ chức đã lợi dụng lòng tin người tiêu dùng để trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng, tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” là việc diễn ra phổ biến trên các trang mua bán trực tuyến.
Nhiều người tiêu dùng cho rằng việc mua bán hàng qua mạng không khác gì “đánh cược”, may thì gặp được người bán hàng “có tâm”, nếu không sẽ phải ngậm ngùi chịu thiệt bởi nhiều sản phẩm quảng cáo rất đẹp, mẫu mã, chất lượng rõ ràng, tuy nhiên khi đến tay khách hàng lại khác xa “một trời một vực”.
Chị Nguyễn Thị Thảo (Phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang) vẫn không khỏi “ấm ức” vì mua phải mỹ phẩm giả trên một trang bán hàng trực tuyến sôi động nhất hiện nay. Tự nhận mình là một người “nghiện” mua sắm online bởi trước đây chị Thảo “săn” được rất nhiều các mặt hàng giá rẻ như quần áo, chăn ga gối, hàng tiêu dùng cho gia đình, tuy nhiên sau vài lần nhận “quả đắng” vì hàng nhái, hàng kém chất lượng, chị Thảo không còn quá tin tưởng vào kênh mua bán online.
Thương mại điện tử là xu thế tất yếu của cuộc sống hiện đại, khi lòng tin người tiêu dùng đặt trọn vào đơn vị bán hàng
“Tôi đặt mua một số mặt hàng mỹ phẩm trên mạng qua một shop bán hàng được khá nhiều người đánh giá cao, sản phẩm trên ảnh quảng cáo rất rõ nét, có cả hóa đơn mua hàng tại nước ngoài nên tôi khá tin tưởng, tuy nhiên sản phẩm đến tay lại có hình thức kém hơn, vỏ hộp móp méo, không trùng số lô sản sản với nhau, tiền hàng hơn 2 triệu đồng nên tôi phản hồi với chủ shop và trả lại hàng, rút kinh nghiệm mua mỹ phẩm thì đến trực tiếp cửa hàng, chứ mua kiểu may rủi thế này vừa bực mình vừa mất thời gian” – Chị Thảo cho biết.
Các trang mua bán “hot” nhất hiện nay phải kể đến như Lazada, Shopee... với hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày dần trở thành chợ điện tử được nhiều chị em ưa chuộng. Đây được xem là “chợ ảo”, tập hợp rất nhiều thương hiệu, shop bán hàng thông qua một tài khoản đăng bán sản phẩm. Người mua hàng cũng sẽ đăng ký tài khoản, nhập thông tin cá nhân, địa chỉ giao hàng, sau đó lựa chọn sản phẩm. Chu trình mua hàng online diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nhiều trang mua bán còn hỗ trợ miễn phí vận chuyển, nhận hàng trước rồi trả tiền (ship COD) nên càng thu hút nhiều người tiêu dùng. Cách thức giao dịch này tuy nhanh chóng, thuận tiện giúp người mua hàng, tuy nhiên cũng dễ gặp phải nhiều rủi ro, trong đó “tai nạn” thường gặp nhất là sản phẩm khác xa quảng cáo, tình trạng hàng giả phổ biến, nhất là với các mặt hàng như thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...
Việc phát triển mua sắm trực tiếp cũng làm “giàu” thêm cho các đơn vị vận chuyển
Mua sắm trực tuyến (online shopping) ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người mua hàng trực tuyến gặp rủi ro do một số nguyên nhân như không thể tìm hiểu trực tiếp về sản phẩm trước khi mua hàng, bỏ qua phần điều khoản liên quan đến đổi trả sản phẩm, giao nhận, bảo hành... Khác với hình thức mua sắm truyền thống người tiêu dùng có thể nhìn, cầm, đánh giá trực tiếp sản phẩm thì việc mua sắm trực tuyến lại hạn chế người tiêu dùng đánh giá trực quan sản phẩm, việc quyết định “mở ví” trước mỗi sản phẩm tùy thuộc vào cảm tính, lòng tin với người bán. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các thông tin về an toàn, cảnh báo của sản phẩm cũng khó khăn hơn so với hình thức mua sắm truyền thống nhất là khi người tiêu dùng xem sản phẩm qua thiết bị điện thoại, màn hình máy tính. Với các sàn giao dịch thương mại điện tử, đơn vị quản lý thường không thể kiểm soát, thẩm định 100% chất lượng nguồn hàng bởi con số mặt hàng, giao dịch mỗi ngày là quá lớn, do đó cần đẩy mạnh kiểm soát chất lượng, uy tín của người bán thông qua phản hồi từ phía khách hàng.
Tuy nhiên mua sắm “online” cũng tiềm ẩn rủi ro khi người tiêu dùng không thể trực tiếp kiểm tra sản phẩm
Theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bắc Giang, mua sắm trực tuyến là xu thế tất yếu của cuộc sống hiện đại, tuy nhiên hình thức mua sắm nào cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro nhất định. Để bảo vệ chính mình, người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm tại các trang bán hàng uy tín, có địa chỉ thật bên ngoài, thông tin người bán, shop cụ thể để tránh các tài khoản ảo giao bán hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó nên sử dụng các quyền lợi của khách hàng như kiểm tra hàng trước khi thanh toán, thỏa thuận với chủ shop về chất lượng hàng hóa, trả hàng nếu không đảm bảo, phản hồi, đánh giá cụ thể về sản phẩm... từ đó giúp đơn vị quản lý sàng lọc, loại bỏ những địa chỉ bán hàng kém chất lượng.
Không tốn tiền thuê mặt bằng, cách thức giao hàng nhanh chóng, ít bị kiểm soát chất lượng hàng hóa... là những lý do khiến hình thức kinh doanh qua mạng ngày càng nở rộ. Tuy nhiên để bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo chất lượng hàng hóa trên các trang thương mại điện tử rất cần biện pháp mạnh từ phía cơ quan chức năng,bởi nếu không rất dễ gây thất thu thuế nhà nước, còn người tiêu dụng bị thiệt hại vì mua phải hàng giả, hàng nhái từ các kênh mua sắm online.
Minh Anh