“Chúng tôi thấy không có căn cứ gì kéo dài cho tới năm 2025 để song hành giữ Sổ hộ khẩu. Chính phủ đã có kế hoạch để thực hiện, lộ trình, bước đi chúng tôi đã vạch ra, quyết tâm để thực hiện đến 1/7/2021 khi luật có hiệu lực”, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an khẳng định tại phiên họp thứ 47, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Cư trú sửa đổi, sáng 10/8.
Bãi bỏ sổ hộ khẩu, không để gây ách tắc, xáo trộn
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an
Đề xuất cho Sổ hộ khẩu tồn tại đến 2025
Một trong những điểm mới được cơ quan thẩm tra nêu ra lần này là nhiều ý kiến đề nghị trong Luật cần quy định lộ trình chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm việc chuyển sang phương thức quản lý cư trú mới thực sự khả thi, trong quá trình đó, cần tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Uỷ ban này nhận thấy, ý kiến của đại biểu là xác đáng. Theo kết quả rà soát sơ bộ, có gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ đang có yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Trong khi đó, một số điều kiện kỹ thuật bảo đảm việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành với cơ quan, bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và phải cần một số năm nữa mới có thể hoàn thành.
“Do đó, nếu bỏ ngay Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong khi các cơ quan chưa sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ, truy cập trực tuyến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định thông tin về nơi cư trú của công dân thì sẽ gây xáo trộn lớn đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, gây khó khăn, phiền phức cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự khác có đòi hỏi chứng minh thông tin về nơi cư trú”, ông Tùng cho hay.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định một thời kỳ chuyển tiếp, cho phép cơ quan nhà nước và người dân được sử dụng đồng thời cả thông tin, dữ liệu điện tử trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh nơi cư trú (bao gồm cả Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp) trong các giao dịch hành chính, dân sự cho đến hết ngày 31/12/2025 – là thời điểm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được hoàn thiện.
“Trong thời gian từ nay đến hết năm 2025, ở những nơi đã hoàn thành việc xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú thì công dân được sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú; cơ quan nhà nước không được yêu cầu người dân phải nộp thêm giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính”, ông Tùng nêu.
Phát biểu ngay sau đó, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an không đồng tình với đề xuất thời gian chuyển tiếp kéo dài đến tận 2025 như cơ quan thẩm tra nêu ra. Theo ông Lâm, đến 15/9, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nâng cấp, chỉnh sửa hệ thống thông tin, đảm bảo tuân thủ các quy định về mã định danh điện tử. Nếu căn cứ vào việc này hệ thống chung kết nối của Chính phủ điện tử rất thuận lợi.
“Chúng tôi thấy không có căn cứ gì kéo dài cho tới năm 2025 để song hành giữ sổ hộ khẩu. Với sự nỗ lực chung, tôi thấy hoàn toàn có thể làm được. Chính phủ đã có kế hoạch để thực hiện. Lộ trình, bước đi chúng tôi đã vạch ra, quyết tâm để thực hiện đến 1/7/2021 khi luật có hiệu lực”, ông Lâm khẳng định.
Chắc chỉ Việt Nam còn tồn tại sổ hộ khẩu
Cho ý kiến tại phiên họp, nhiều ý kiến đồng tình với phát biểu của Đại tướng Tô Lâm và ủng hộ việc quản lý dân cư theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Ủng hộ quan điểm mới trong cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi, trên thế giới bây giờ có bao nhiêu quốc gia còn hộ khẩu? Nước Lào cạnh chúng ta còn không? Chắc chỉ có Việt Nam còn tồn tại loại hình Sổ hộ khẩu. Thế giới giờ đã có một thẻ căn cước công dân, chỉ quét là ra hết thông tin cá nhân.
“Quyền tự do cư trú đã được quy định, đến lúc cần bỏ những thủ tục giấy tờ cũ. Thẻ căn cước cầm có thích không? Hình thức, nội dung cần từng bước nâng lên, không phải nhìn về qúa khứ, không phải không có sổ này thì quản lý không được. Mấy chục thủ tục liên quan đến Sổ hộ khẩu thì bỏ đi, lạc hậu rồi thì bỏ đi. Tại sao cứ bám vào những cái mà có quản được đâu. Tạm trú, tạm vắng có quản được không, khó lắm, nên giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì tiến bộ, thuận tiện, hiện đại cho dân thì phải làm, đừng luyến tiếc những thủ tục rườm rà”, bà Ngân lưu ý. Trước lo ngại về việc không đủ thời gian, nếu không hoàn thành theo mục tiêu đề ra thì có thể ra Nghị quyết cho kéo dài thêm. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh co rằng, việc kéo dài thời gian chuyển tiếp đến 2025 là quá dài. Tuy nhiên ông Thanh cũng băn khoăn nếu bỏ ngay Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì sẽ có nhiều vướng mắc vì liên quan đến nhiều thủ tục đi kèm. Ông đề nghị cho tồn tại song song như việc thu phí tự động không dừng. “Đến năm 2025 đúng là quá dài thật, nhưng vẫn phải có thời gian chuyển tiếp linh hoạt để tạo điều kiện trong thủ tục hành chính”, ông Thanh đề nghị.
Theo Luân Dũng/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dai-tuong-to-lam-khong-co-can-cu-gi-keo-dai-so-ho-khau-toi-nam-2025-1703129.tpo