Khi cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ trẻ, nhiều người hay đặt câu hỏi: “Đồng chí này là con của đồng chí nào?”.
Công tác nhân sự là một trong hai nội dung vô cùng quan trọng quyết định sự thành công của Đại hội Đảng các cấp. Trong đó, một nhiệm vụ chính trị được đặt ra đó là làm sao chọn được nhân sự cấp ủy tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, cơ cấu hợp lý, đảm bảo sự kế thừa giữa các cán bộ, nhất là tạo điều kiện, cơ hội cho cán bộ trẻ trưởng thành và phát huy cao nhất sức trẻ của mình đối với sự nghiệp chung.
9/9 Đảng bộ huyện, thị xã, thành phố ở Yên Bái tổ chức thành công Đại hội đại biểu. (ảnh: Đinh Tuấn)
Đáng mừng là trong các khóa, Trung ương đều quy định phấn đấu đạt tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện) từ 10% trở lên, đặc biệt là cấp ủy phải có 3 độ tuổi để đảm bảo tính kế thừa. Càng ngày, số cán bộ trẻ tham gia cấp ủy ngày càng tăng lên, nhưng không phải trẻ hóa một cách tuyệt đối, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo.
Từ khóa 8, Đảng ta đã có Nghị quyết Trung ương 3 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có 4 nhiệm vụ và giải pháp lớn. Đến khóa 11, Đảng ta đã đưa toàn bộ công tác cán bộ vào hệ thống các tiêu chuẩn, quy trình rất chặt chẽ từ việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, nhận xét, đánh giá cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ từng năm. Đến nay, trên cơ sở quy hoạch, luân chuyển, đào tạo về lý luận và thực tiễn, bồi dưỡng kiến thức mới (đặc biệt là cấp Trung ương), trong nhiệm kỳ 12 của Đảng, nhiều cán bộ trẻ đã được điều động, luân chuyển để chuẩn bị nhân sự Trung ương khóa 13.
Thực tiễn trong 90 năm ra đời và lãnh đạo cách mạng cho thấy, Đảng ta luôn chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ. Trong những năm tháng chiến tranh, nhiều lớp cán bộ có tuổi đời rất trẻ, được tôi luyện trong lò lửa cách mạng để trưởng thành, được Đảng tin cậy giao nắm giữ nhiều vị trí quan trọng của đất nước. Nối tiếp truyền thống đó, nhiều lớp cán bộ sinh ra, trưởng thành trong thời bình được đào tạo bài bản, có kiến thức khoa học phong phú, toàn diện, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát huy được sức trẻ của mình và trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc. Những cống hiến của họ đối với sự nghiệp chung được cán bộ, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Song, cũng có một thực tế đáng buồn, đó là không ít cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, cùng có xuất phát điểm là “con ông cháu cha”, được kỳ vọng là những “hạt giống đỏ” của đất nước nhưng khi được cất nhắc, bổ nhiệm giữ những trọng trách quan trọng đã sớm bộc lộ những hạn chế, yếu kém, dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng, bị kỷ luật và rồi sự nghiệp chính trị của họ cũng phải dừng lại. Bên cạnh đó cũng có trường hợp được bổ nhiệm nhưng không đủ tiêu chuẩn, không đúng quy trình, có dấu hiệu “nâng đỡ không trong sáng” được dư luận, báo chí phát hiện và phải nhận kết cục buồn.
Thực tế ấy khiến nhiều người băn khoăn, đặt câu hỏi vì sao nhiều cán bộ vừa được bổ nhiệm hôm trước, hôm sau đã bị kỷ luật; vì sao cán bộ chưa đủ “chín”, chưa đủ thời gian thử thách, cọ xát thực tế đã được ưu ái “xếp” vào những vị trí quan trọng? Những hoài nghi đó cho thấy niềm tin của người dân đối với một bộ phận cán bộ trẻ chưa thực sự vững chắc. Họ nghi ngờ chất lượng cán bộ, họ hoài nghi quá trình học tập, phấn đấu của những nhân sự trẻ này.
Ông Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, nay là Ban Tuyên giáo TW nêu thực tế đáng suy ngẫm đó là: Khi cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ trẻ, nhiều người hay đặt câu hỏi: “Đồng chí này là con của đồng chí nào?”. Rõ ràng, nhiều người không quan tâm lắm đến đồng chí này là ai, học hành thế nào, phấn đấu ra sao, mà trọng tâm câu hỏi là nhắm vào đồng chí nào. Cũng vì là “con của đồng chí nào” cho nên đồng chí này mới được ưu ái, nâng đỡ kiểu “thần tốc” như vậy.
Ông Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, nay là Ban Tuyên giáo TW.
“Trước đây, có nhiều đồng chí lãnh đạo cho con em mình đi bộ đội, xuống cơ sở để rèn luyện, phấn đấu và có nhiều người đã trưởng thành rất tốt. Và chắc chắn rằng hiện nay chúng ta cũng không thiếu gì con em các đồng chí lãnh đạo được đào tạo bài bản, tự khẳng định bằng những nỗ lực tự thân mà không có “bóng mát”, trải thảm của cha, ông, thì tội gì tổ chức không cất nhắc. Thế nhưng, hiện nay nhiều trường hợp lợi dụng “con ông cháu cha” và những người lãnh đạo đó không chú ý giữ vững phẩm chất, đạo đức, nghĩ đến lợi ích gia đình, sử dụng quyền lực của mình để đưa con cháu vào bộ máy. Thậm chí, có những người mới học ở phương Tây về, chưa biết Đảng là gì nhưng sau đó nhanh chóng vào Đảng và được vào cấp ủy. Những trường hợp này cần dứt khoát lên án. Cán bộ lãnh đạo trẻ, dù là “con ông cháu cha” hay là con nông dân cũng phải trải qua quá trình rèn luyện từ thực tế, đi lên từ cơ sở chứ không có chuyện tạt ngang, được bổ nhiệm, cất nhắc theo kiểu “thần tốc””- ông Đào Duy Quát cho biết.
Theo ông Đào Duy Quát, công tác cán bộ thực sự khó và nhạy cảm, đòi hỏi người làm công tác tổ chức phải có con mắt tinh tường; tổ chức phải dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch trong việc lựa chọn người đứng mũi chịu sào có bản lĩnh chính trị, đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, có uy tín. Bản lĩnh chính trị, năng lực, đạo đức của cán bộ không phải chỉ qua trường lớp đào tạo là đủ mà cần phải được rèn luyện, cọ xát từ thực tiễn cơ sở, từ cấp thấp cho đến cấp cao.
Hiện nay, nguồn cán bộ trẻ được đào tạo ở trong nước và nước ngoài rất nhiều, nếu tổ chức, đơn vị sớm phát hiện được những nhân tố tiêu biểu thì phải kịp thời bố trí, đưa về cơ sở, từ cấp thấp nhất để cho họ có cơ hội được rèn luyện phát triển đi lên. Đây cũng là cơ sở để các cấp cao hơn lựa chọn nhân sự.
Ông Đào Duy Quát cho rằng, thực tế hiện nay có không ít quy định lỗi thời, lạc hậu cản trở sự dám nghĩ, dám làm của cán bộ, dễ làm cho cán bộ có tâm lý an phận thủ thường. Trong thực tiễn triển khai nhiệm vụ, có những hoàn cảnh cần sự xé rào, đổi mới thì lúc này mới thực sự cần cán bộ có bản lĩnh và tài năng.
Đã đến lúc, Đảng, Nhà nước phải có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện và bảo vệ những người sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung để sự nghiệp phát triển được bứt phá. Đặc biệt cần thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật để bảo vệ họ. Trong đó quy định các cấp ủy đảng phải có trách nhiệm phát hiện, bồi dưỡng, trẻ hóa cán bộ ở cấp mình. Do đó phải rất coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, cũng như bảo vệ những cán bộ trẻ dám nghĩ, dám làm, có thể trái với một số quy định lỗi thời nhưng đạt được hiệu quả vì lợi ích chung, càng không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, cũng như sự tồn vong của Đảng, của chế độ./.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/bo-nhiem-can-bo-tre-dung-de-du-luan-dat-cau-hoi-la-con-dong-chi-nao-1077397.vov