UB Thường vụ Quốc hội thống nhất nhận định, duy trì Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là cần thiết. Vì Quỹ chủ yếu do người lao động đóng góp nên giao Thủ tướng quy định cụ thể về Hội đồng quản lý quỹ..
Sáng 13/7, mở đầu phiên họp thứ 46, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
UB Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 46 sáng 13/7.
Báo cáo một số nội dung chủ yếu xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự án luật này đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 và được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ với 94 lượt ý kiến và thảo luận tại hội trường với 17 lượt ý kiến. Về cơ bản, Quốc hội nhất trí về các nội dung chủ yếu của luật.
Bà Nguyễn Thúy Anh đề cập, có một số ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ hơn về đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
Đa số Thường trực UB thống nhất tiếp thu theo hướng quy định đơn vị sự nghiệp đó là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập; đồng thời bổ sung nhiệm vụ này cho Trung tâm dịch vụ việc làm tại Điều 38 của Luật Việc làm nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính liên thông của lao động trong nước – ngoài nước, phù hợp với thực tế triển khai hoạt động này tại các địa phương, không phát sinh thêm tổ chức, bộ máy.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo về các nội dung của dự luật trước UB Thường vụ Quốc hội.
Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, bản chất đó là đơn vị sự nghiệp do UBND, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp thành lập, hoặc giao cho Sở Lao động các địa phương quản lý.
Các địa phương đều giao Trung tâm dịch vụ việc làm giúp UBND thực hiện quản lý, đưa người đi và theo dõi quá trình hoạt động. Kinh phí hoạt động của Trung tâm do UBND cấp và trung tâm này không thu kinh phí, không thu tiền môi giới của người lao động.
“Nếu giao cho doanh nghiệp, họ lại thu tiền của người lao động. Vì thế, nhiệm vụ này giao cho các Trung tâm là mang tính đặt hàng, giao thêm việc nhưng không làm phát sinh bộ máy mới”, ông Dung giải thích.
Mặc dù vậy, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chưa an tâm. Theo ông, để đưa người lao động đi thì chắc chắn các trung tâm cũng phải đào tạo, thu phí…
Liên quan đến Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, các ý kiến tại phiên họp thống nhất cho rằng việc tiếp tục duy trì quỹ là cần thiết. Tuy nhiên, vì Quỹ do người lao động, doanh nghiệp đóng góp là chính, không sử dụng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nên dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng bỏ quy định Quỹ là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội; giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về Chủ tịch, thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ; tổ chức, hoạt động của Quỹ; mức đóng; mức chi phí quản lý Quỹ; mức chi theo các nhiệm vụ chi…
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, luật cần góp phần tạo ra được thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước và lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có kỹ năng.
Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng trăn trở về vấn đề này. Ông Giàu nêu ý kiến: “Phiên họp trước, UB Thường vụ Quốc hội đưa ra tư duy mang tính chất chiến lược, rằng khi đất nước phát triển thì lực lượng lao động cũng phải nâng tầm, không phải như cách đây 10 đến 15 năm, thiếu việc làm, bôn ba đi tìm việc. Cần có chính sách mạnh và đúng để nguồn nhân lực đi lao động nước ngoài có trình độ cao hơn”.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-quy-dinh-viec-su-dung-quy-ho-tro-viec-lam-ngoai-nuoc-20200713132636509.htm