Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ, dư luận thế giới, kể cả những nước phát triển ngưỡng mộ, đánh giá cao, coi Việt Nam là hình mẫu trong ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại kỳ họp 15 HĐND Thành phố Hà Nội sáng 6.7. Ảnh: Mai Quý
Sáng 6.7, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, từ cuối năm 2019 đến nay, tình hình quốc tế và trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động bởi đại dịch COVID-19.
118 ca nhiễm COVID-19 ở Hà Nội đều khỏi bệnh
Theo Bí thư Hà Nội, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái; các nước, đối tác lớn của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng; hầu hết các ngành, lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế-xã hội bị ngưng trệ. Là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, mật độ dân cư đông đúc và có nhiều khách vãng lai, Thủ đô Hà Nội là địa bàn có rủi ro cao và bị ảnh hưởng nặng nề nhất so với các địa phương trong cả nước.
Với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tất cả 118 ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn đều đã khỏi bệnh, không có người tử vong; đến nay sau hơn 2 tháng, không phát sinh ca nhiễm mới ngoài cộng đồng. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, Hà Nội đã tiên phong đi đầu và cùng với cả nước khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, được dư luận thế giới, kể cả những nước phát triển ngưỡng mộ, đánh giá cao, coi Việt Nam là hình mẫu trong ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
Theo Bí thư Hà Nội, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng, tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của Thành phố. Kinh tế Thủ đô giảm sâu trong tháng 4, phục hồi trở lại giữa tháng 5 và tăng trưởng khá mạnh vào tháng 6. Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 3,39%.
Bí thư Hà Nội cũng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, Thành phố cũng cần sớm khắc phục 8 thiếu sót, hạn chế đã nêu trong báo cáo, đó là:
Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế còn thấp, có thể phấn đấu cao hơn; Số lao động được giải quyết việc làm giảm, thất nghiệp tăng; Chỉ số giá được kiểm soát nhưng tiềm ẩn tăng cao ở nhóm hàng thực phẩm; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) còn ở mức thấp; Tỷ lệ cấp đất dịch vụ chưa đạt mục tiêu đề ra; Tỷ lệ giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu; Các hoạt động văn hóa, xã hội bị dừng trong thời gian dài do thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch COVID-19; Tình hình tội phạm vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp.
Xem xét hỗ trợ cho hơn 10.000 cán bộ xã, tổ dân phố phải nghỉ việc
Tại cuộc họp, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: HĐND Thành phố sẽ xem xét, thảo luận và thông qua 12 báo cáo và 13 nghị quyết, trong đó có 12 nghị quyết chuyên đề và nghị quyết kiện toàn công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Đáng chú ý là Nghị quyết về mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã; người hoạt động không chuyên trách cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sắp xếp thôn, tổ dân phố...
”Nếu HĐND Thành phố thông qua nghị quyết này sẽ có trên 10.000 người được hưởng chính sách, góp phần động viên lực lượng có đóng góp cho sự phát triển của Thành phố trong những năm qua” – bà Ngọc nói.
Theo Nguyễn Hà - Trần Vương/Lao động
https://laodong.vn/thoi-su/bi-thu-ha-noi-the-gioi-nguong-mo-coi-viet-nam-la-hinh-mau-chong-covid-19-817461.ldo