Nhấn mạnh yêu cầu không để COVID-19 quay trở lại, song Thủ tướng cũng yêu cầu người đứng đầu các đơn vị “nóng ruột lên”, xắn tay áo để phục hồi, phát triển kinh tế. “Cứ quyền anh, quyền tôi, gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp thì không bao giờ tạo ra được động lực phát triển được đâu”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh N.H)
Không chỉ phòng thủ mà phải tiến công vào phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị giữa Chính phủ với địa phương, sáng 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Trong hơn 2 tháng qua, Việt Nam không có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, được thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, theo Thủ tướng các báo cáo nghiên cứu gần đây về kinh tế thế giới cho thấy, nếu để đại dịch bùng phát lần 2 tăng trưởng toàn cầu giảm 8%, còn nếu tránh được thì giảm 6%. “Chưa bao giờ có khủng hoảng y tế làm giảm kinh tế lớn đến như thế”, Thủ tướng nói.
Về tình hình trong nước, Thủ tướng cho hay, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế, nhất là trong Quý II. Tốc độ tăng trưởng GDP Qúy II chỉ tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm GDP tăng 1,81%. “Nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế cấp bách hơn bao giờ hết. Cho nên phải quyết liệt phục hồi tăng trưởng, với tinh thần không để địch bệnh quay lại song phải tiến công mạnh mẽ vào nhiệm vụ phục hồi, tăng trưởng kinh tế”, Thủ tướng yêu cầu.
Các bộ trưởng, trưởng ngành dự hội nghị. Ảnh Q.H
Trong bối cảnh kinh tế cả thế giới suy thoái mà kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng và đang trên đà phục hồi được Thủ tướng đánh giá "là điểm sáng", củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân và quốc tế vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.Từ đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu hiến kế vừa không để dịch bệnh quay trở lại vừa hồi phục nhanh về kinh tế. Không để COVID-19 quay trở lại, song cũng phải phát triển, phục hồi kinh tế.
“Cỗ máy tăng trưởng Việt Nam ví như cỗ xe tam mã gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Hội nghị này phải dùng mọi biện pháp để ba con ngựa kéo đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất”, Thủ tướng nói.
“Nóng ruột lên”, xắn tay áo lên mà làm
Đề cập đến tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng khẳng định, chúng ta có thể đạt tăng trưởng dương, cao nhất nhì thế giới. Tuy nhiên, mức tăng trưởng 1,81% trong 6 tháng đầu năm là mức tăng trưởng thấp, trong đó có 12 địa phương tăng trưởng âm. Vì thế, tinh thần để ra là không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà phải tích cực tiến công nhanh và bền vững để phát triển.
Trong lĩnh vực tài khóa và tiền tệ, Thủ tướng cho rằng, khác với các nước, Việt Nam có dư địa rất lớn trong lĩnh vực này. Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh khó khăn, việc duy trì chính sách tài khoá và tiền tệ chặt chẽ, thận trọng có phải là bước đi đúng, phù hợp không, trong khi nhiều nước giảm lãi suất xuống còn 0% hoặc âm, bơm một lượng tiền lớn vào thị trường. Các nước G20 đã bơm tới 6.000 tỉ USD, tăng thâm hụt ngân sách lên 15-20% để kích thích tăng trưởng.
“Thống đốc NHNN, các bộ trưởng phải chỉ đạo tốt hơn, nhất là các địa phương cần hỗ trợ hơn cho doanh nghiệp. Các tập đoàn lớn của nhà nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã… đều cần môi trường tốt để phát triển thông qua chính sách động viên của chính quyền và chính sách tài khoá, tiền tệ khác của nhà nước”, Thủ tướng nói.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cho rằng, mới đạt 33% là rất thấp. “Chúng ta có gần 700 nghìn tỉ đồng, tương đương 3 tỉ USD, nếu giải ngân tốt thì đây là biện pháp kích cầu hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm và đầu năm 2021”, Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ KH-ĐT và các địa phương kiến nghị các giải pháp, chế tài cụ thể… để bảo đảm giải ngân hết số vốn này.
“Các đồng chí phải nóng ruột lên. Các bí thư, ông chủ tịch tỉnh phải xắn tay áo lên để giải phóng mặt bằng không? Khi các đồng chí đề nghị dự án thì rất quyết liệt, nhưng gặp giải phóng mặt bằng thì các đồng chí giao cấp dưới, không quan tâm. Tôi xin nói thật chỗ ấy. Tôi biết hết chỗ này. Tại sao nhiều địa phương giải ngân tốt, nhưng khi rất nhiều địa phương lại giải ngân rất chậm. Lần này phải có chế tài mạnh”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu tập trung rà soát các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. “Muốn phát triển thì phải có một thái độ phục vụ nhân dân, thái độ phục vụ trong phát triển doanh nghiệp, các loại hình kinh tế. Có không khí như vậy mới tạo điều kiện phát triển, còn chúng ta cứ quyền anh, quyền tôi, cứ gây khó khăn khó dễ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân thì không bao giờ tạo được động lực phát triển”, Thủ tướng nói.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị dự hội nghị (ảnh Q.H)
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành chỉ đạo phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị; phát triển nhà ở xã hội, bất động sản, tạo điều kiện cho người dân làm nhà ở. Đây không chỉ là nguồn giải quyết đời sống mà còn góp phần tăng trưởng. Có địa phương cả năm không có dự án nào khởi công trong khi nhu cầu rất lớn.
Trong thu hút đầu tư, Thủ tướng hoanh nghênh cộng đồng doanh nghiệp năng động, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, liên kết chặt chẽ nỗ lực vượt khó. Song để đạt được kết quả cao hơn thì chính chính quyền phải ra tay hỗ trợ.
“Nhiều nguồn vốn FDI sẽ không vào Việt Nam mà sang Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… nếu không có tạo điều kiện cơ sở hạ tầng và những điều kiện thu hút khác. Cho nên các đồng chí tập trung bàn giải pháp cải cách vượt trội để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư kể cả trong nước và quốc tế vào Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Theo Văn Kiên/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/xa-hoi/thu-tuong-cu-quyen-anh-quyen-toi-gay-kho-de-thi-sao-phat-trien-1681823.tpo