Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, từ nay đến 1/7/2021, khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiện lực thì hoàn toàn có cơ sở để cấp xong thẻ căn cước cho 50 triệu người.
>>“Bỏ sổ hộ khẩu là mong mỏi từ lâu của người dân”
>>Bỏ sổ hộ khẩu mừng như bỏ được sổ gạo thời bao cấp!
Chiều ngày 16/6, thảo luận tại hội trường, đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) cho biết, dự án Luật Cư trú (sửa đổi) đang nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri về việc quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân thay thế cho quy định về sổ hộ khẩu.
“Mặc dù cuốn sổ này đã tồn tại gần 70 năm qua, có những vai trò và ý nghĩa quan trọng với mỗi cá nhân, hộ gia đình. Có thể nói, đây là sự thay đổi tích cực, phù hợp với sự phát triển của trình độ khoa học công nghệ thông tin, đồng thời cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới”, đại biểu Huyền nói.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Ngàn Phương Loan (đoàn Lạng Sơn) cho biết, sau hơn 4 năm triển khai Luật Căn cước công dân mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo luật làm rõ tính khả thi khi đến 1/7/2021, mã số định danh cá nhân có thể thay thế sổ hộ khẩu như hiện nay.
Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an
Đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) cho rằng, việc cấp, quản lý, sử dụng giấy tờ đăng ký quản lý cơ trú như hiện nay ở nước ta là lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của công dân, chưa đảm bảo phục vụ tốt yêu cầu quản lý dân cư và hội nhập quốc tế. Bởi theo đại biểu, quản lý dân cư bằng giấy tờ, hồ sơ vừa lãng phí thời gian, vừa lãng phí giấy tờ của công dân.
Theo đại biểu đoàn Cao Bằng, việc thay thế phương thức quản lý dân cư từ thủ công bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý điện tử là đúng đắn và phù hợp với yêu cầu quản lý dân cư trong tình hình mới.
Tuy nhiên, đại biểu Bế Minh Đức cho rằng, việc dự kiến luật có hiệu lực từ 1/7/2021 và quy định thời điểm đó sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch thì cần phải xem xét thêm, cần có lộ trình thực hiện. Bởi hiện nay sổ hộ khẩu là giấy tờ quan trọng đối với người dân, thông dụng để xác lập các giao dịch, quan hệ pháp luật.
Phát biểu trước Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, theo đề xuất thì Quốc hội sẽ xem xét thông qua luật này vào kỳ họp tới, đồng thời luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.
Hiện ngành công an đã cấp được khoảng 16 triệu số định danh và căn cước công dân (trong tổng số hơn 90 triệu người). Như vậy, hiện còn khoảng gần 80 triệu người chưa được cấp căn cước công dân, trong đó có khoảng 30 triệu người dưới 14 tuổi.
“Tức là còn khoảng 50 triệu công dân cần được cấp căn cước công dân. Nếu được Quốc hội và Chính phủ ủng hộ (đến 1/7/2021 khi luật có hiện lực) thì hoàn toàn có cơ sở hoàn thành con số này trong vòng 1 năm tới”, Đại tướng Tô Lâm nói.
Theo Quang Phong/Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/dai-tuong-to-lam-co-the-cap-50-trieu-the-can-cuoc-cong-dan-trong-nam-toi-20200616224934237.htm