Phó Giáo sư-Tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng trong khi cả thế giới bất ổn, Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19, trở thành điểm tăng trưởng bền vững.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Thu Dung phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Ngày 15/6 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước.
Phiên thảo luận được tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình, thu hút sự quan tâm của đồng bào, cử tri cả nước.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ghi nhận ý kiến của cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau và Thái Bình về phiên họp này.
Việt Nam trở thành điểm tăng trưởng bền vững
Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội năm 2019 và sáu tháng năm 2020, Phó Giáo sư-Tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng trong khi cả thế giới bất ổn, Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19, trở thành điểm tăng trưởng bền vững.
Theo cử tri Trần Đình Thiên, khi thế giới bất ổn, đứt chuỗi, Việt Nam vẫn giữ được và đạt mức tăng trưởng. Thành công này có ý nghĩa rất to lớn, phải được tổng kết nghiêm túc, để rút ra bài học. Việc cần thiết và ưu tiên hàng đầu hiện nay là củng cố nền tảng, tạo sức hấp dẫn, để khi thế giới trở lại bình thường, sức hấp dẫn của Việt Nam sẽ càng lớn hơn. Việt Nam phải chuẩn bị tốt năng lực để đón nhận cơ hội, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội. Đơn cử trong việc đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoại sẵn sàng vào Việt Nam, đặc biệt là đầu tư có chất lượng tốt.
Cử tri Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam muốn vươn lên đẳng cấp cao hơn, phải dành nhiều thời gian củng cố nền tảng cũ, tạo ra năng lực mới cho cơ hội mới, không chỉ dừng lại khôi phục, trở lại như cũ. Muốn vậy, phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, cải cách thể chế và xây dựng lực lượng doanh nghiệp theo tinh thần khởi nghiệp, sử dụng công nghệ cao. Đây cũng là thời điểm thay máu nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp lớn để doanh nghiệp lớn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ hơn. Cứ vậy sẽ có sự hỗ trợ theo chuỗi, bởi lẽ bản thân Nhà nước không đủ sức hỗ trợ cho tất cả và càng không nên hỗ trợ theo kiểu chia đều. Nếu chỉ tập trung củng cố doanh nghiệp đời cũ thì chưa đủ mà phải có điều chỉnh, hướng đến khuyến khích thành lập lực lượng doanh nghiệp trẻ, tạo cơ chế để họ phát triển.
Điều chỉnh kịch bản tăng trưởng kinh tế cho phù hợp
Cử tri Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13, cho biết tình hình kinh tế của Việt Nam sáu tháng đầu năm 2020 tuy giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng những kết quả đã đạt được là một thành công lớn khi Việt Nam vừa chống dịch thành công, vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao.
Công dân hoàn thành cách ly chuẩn bị trở về địa phương. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao, tạo được niềm tin sâu sắc trong nhân dân. Song đại dịch COVID-19 vẫn có những diễn biến khó lường, tác động rất lớn đến nền kinh tế; nhiều nước vẫn thực hiện giãn cách xã hội, chưa mở cửa. Vì vậy, việc giao lưu, xuất nhập khẩu hàng hóa còn rất hạn chế, tác động lớn tới tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam trong sáu tháng cuối năm.
Cử tri Đỗ Văn Vẻ cho hay, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới trong năm 2020 sẽ tăng trưởng âm từ 3-5%, do đó Việt Nam cần phòng chống, dịch COVID-19 thật tốt để người dân, cộng đồng doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất; đồng thời phải xây dựng những kịch bản phát triển kinh tế, điều chỉnh kịch bản tăng trưởng cho phù hợp tình hình thực tế trong nước và thế giới.
Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách động viên, khích lệ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; khuyến nghị các doanh nghiệp nên tái cấu trúc, lựa chọn, chiếm lĩnh thị trường, xây dựng lại mô hình quản trị và tranh thủ uy tín của Việt Nam trên thương trường quốc tế để phát triển.
Theo cử tri Hồ Chí Thanh, nguyên Chủ tịch Mặt trận thành phố Cà Mau, nhiều đại biểu tại nghị trường thông tin nhà đầu tư coi Việt Nam là điểm đến an toàn, vì vậy đất nước có cơ hội và nhiều lợi thế đón làn sóng đầu tư hậu dịch COVID-19 nhưng cần hết sức cẩn trọng vì nguy cơ tái bùng phát dịch là rất lớn. Do đó, ngành chức năng cần siết chặt hơn nữa quy trình nhập cảnh khách quốc tế vào Việt Nam, đồng thời phối hợp với các nước làm xét nghiệm kháng thể cho khách muốn nhập cảnh, để không mang dịch vào Việt Nam.
Đạt nhiều kết quả quan trọng trong phòng, chống tham nhũng
Đánh giá về kết quả đạt được trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, Luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng thời gian qua, chúng ta đã nỗ lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phòng, chống tham nhũng. Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất và hành vi chiếm đoạt tài sản, tham nhũng tài sản công. Đáng chú ý là việc khắc phục hậu quả và thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước trong các vụ án kinh tế; trong năm 2019 đã thu hồi hơn 600 tỷ đồng và gần 12.000m2 đất, kê biên trên 795 tỷ đồng.
Đối tượng bị điều tra, xét xử tham nhũng không có vùng cấm, xử lý nghiêm nhiều nguyên cán bộ cấp cao trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng với các mức phạt từ cảnh cáo, cách chức và phạt tù. Phạm vi điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng cũng được mở rộng bao gồm lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, trong các chương trình cứu trợ cho đồng bào gặp thiên tai...
Điều này làm cho những kẻ đã, đang và sẽ có ý định tham nhũng phải chùn tay, biết sợ; đồng thời gia tăng, củng cố niềm tin cho nhân dân. Tuy nhiên, theo Luật sư Lê Bá Thường, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới vẫn còn gặp nhiều thách thức như vẫn còn một số vụ việc, vụ án được phát hiện nhưng chưa khởi tố hoặc đã xét xử nhưng chưa phản ánh đúng người, đúng tội danh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tình trạng tham nhũng tồn tại dưới nhiều hình thức, ngày càng tinh vi nhưng người dân và doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn đấu tranh, phê phán, tố cáo hành vì ngại đụng chạm, sợ bị trù dập và trả thù, lo bị gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình. Vì thế, các cơ quan Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán thường xuyên, trong mọi lĩnh vực; kịp thời xử lý nghiêm minh các cán bộ và tổ chức đảng, đảng viên có lối sống tha hóa.
Tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng
Qua theo dõi phiên thảo luận, cử tri Nhâm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Mặt trận Tổ quốc xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng (Thái Bình) cho rằng, không khí thảo luận, tranh luận tại nghị trường rất thẳng thắn. Các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ những suy nghĩ, cảm nhận, trách nhiệm trước cử tri và phản ánh được những tâm tư, nguyện vọng của cử tri, chất lượng ý kiến được nâng cao. Các bộ trưởng, tư lệnh ngành, thành viên Chính phủ đã thấy được những việc bản thân và ngành đã làm được, chưa làm được và sẽ phải làm trong thời gian tới.
Cử tri Võ Văn Xuyên, nguyên Phó trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ tỉnh Cà Mau nhận định, phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội vào sáng 15/6 nhìn chung diễn ra sôi nổi, chất lượng, tranh luận rất thẳng thắn, mang tính xây dựng.
Về việc điều hành phiên họp, theo cử tri Nhâm Mạnh Hùng, các đồng chí Thường trực Quốc hội có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, càng ngày càng chuyên nghiệp, chấn chỉnh ngay những thái độ, cử chỉ, cách trình bày của các các đại biểu Quốc hội./.
Theo Nhóm PV (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/kiem-soat-tot-dich-viet-nam-tro-thanh-diem-tang-truong-ben-vung/645727.vnp