Sáng 15.6, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, đặc biệt là vụ án Hồ Duy Hải.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh quochoi.vn
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, đây là vụ án đã xảy ra từ năm 2008 trải qua quá trình tố tụng nhiều cấp. Trong đoàn giám sát oan sai của Quốc hội năm 2015 cũng đã xem xét vụ án này. Qua sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và đến Chủ tịch Nước quyết định - câu chuyện bây giờ đặt ra là có oan sai hay phạm tội hay không?
Nói qua về diễn biến vụ án, Chánh án TAND Tối cao cho biết, Hồ Duy Hải có quen hai cô gái ở Bưu điện Cầu Voi. Tối ngày 13.1.2008, có đến đây chơi và gặp hai cô gái trong đó cô Vân đang làm việc còn cô Hồng đang được nghỉ. Lúc này, Hải vào nói chuyện với cô Hồng.
Đề cập đến một số chứng cứ để chứng minh Hải phạm tội Chánh án TAND Tối cao cho biết: Thứ nhất, Hải mô tả rất đúng tại hiện trường. Nếu không có mặt tại hiện trường thì không thể miêu tả được. Đặc biệt, Hải mô tả cụ thể đồ vật trong phòng ngủ của cô Hồng rất chính xác. “Bưu điện ở ngoài thì ai cũng biết nhưng trong phòng ngủ không phải ai cũng rõ. Ngoài ra, vị trí đồ vật như con gấu, tờ báo, túi trái cây, cốc nước… Các đồ vật này mỗi ngày một thay đổi nhưng Hải đều mô tả rất đúng”, ông Bình nói.
Chứng cứ thứ hai là diễn biến hành vi. Hải khai khi có hành vi sờ soạng thì cô ấy không nói gì nhưng khi đè cô Hồng thì bị phản ứng. Do đập đầu bằng thớt nên đầu cửa cô Hồng có một vết thương. Kết luận giám định pháp y cho thấy do tác động của vật cứng mặt phẳng. Nếu vật lồi lõm thì để lại vết lõm ở trên đầu.
Ngoài ra, theo ông Bình, sự phù hợp thứ ba là qua giám định pháp y trong âm đạo của cô Hồng có dịch và cơ chế hình thành dịch là do quá trình kích dục.
Còn về tài sản thu được, vị Chánh án TAND Tối cao cho rằng Hải khai sau khi giết hai cô gái có lấy của bưu điện tiền và sim card, lấy của hai cô gái dây chuyền, vòng tay, nhẫn. Cơ quan điều tra đã hỏi người thân của các cô gái thì đều phù hợp. Các lời khai của Hải đều phù hợp.
“Có một chi tiết đáng lưu ý và chứng minh cụ thể là Hải khai lấy được dây chuyền của cô Hồng là có mặt, còn cô Vân thì dây chuyền không có mặt. Kết quả khám nghiệm tại hiện trường thì mặt dây chuyền của cô Vân nằm trong ngực áo”, ông Bình nói thêm.
Ngoài ra, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội, trong đó lời khai nhận tội đầu tiên là tự viết ra, không phải là bản cung kiểu hỏi và đáp. Trong quá trình giải quyết vụ án, ở những thời điểm quan trọng của vụ án Hải đều nhận tội.
Khi nhận kết luận điều tra của Cơ quan điều tra, Hải đã nhận tội đúng như kết luận; khi nhận cáo trạng của Viện Kiểm sát, Hải cũng khẳng định cáo trạng là đúng; khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm (bị tuyên án tử hình), gửi đơn cho Chủ tịch nước xin ân giảm thì Hải không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Còn người kêu oan nhiều nhất là mẹ của Hồ Duy Hải.
Trước đó, tại phần thảo luận của mình, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nói rằng, có nhiều vụ án ông đã phải ngồi cả đêm để đọc, xem xét từng bản ảnh. Đặc biệt là vụ Hồ Duy Hải có rất nhiều vấn đề liên quan đến công tác tố tụng, công tác tư pháp. Từ đó, ông đề nghị tất cả chúng ta cần có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với công tác tư pháp, đề nghị phải có chuyên đề riêng để giải quyết những vụ án nghiêm trọng về tư pháp.
Theo C.Nguyên - T.Vương - Đ.Chung/Lao động
https://laodong.vn/thoi-su/chanh-an-toa-an-nhan-dan-toi-cao-noi-gi-ve-vu-ho-duy-hai-tai-quoc-hoi-812640.ldo