Sáng nay (2/6), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2020, tháng đầu tiên cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội.
Chính phủ sẽ thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; báo cáo dự kiến khả năng cân đối ngân sách nhà nước cho chi phí đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025; báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử, báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng và một số nội dung khác.
Nhìn trong tháng 5, tháng đầu tiên sau giãn cách, nền kinh tế bắt đầu giai đoạn “bình thường mới” và đã lóe lên những tia hy vọng mới. Số liệu thống kê cho thấy, hậu giãn cách, trong tháng 5/2020, đã có 5.056 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,7%. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 26,9%; IIP tăng 11,2%; xuất khẩu tăng 5,2% so với tháng trước... Điều này cho thấy, hậu giãn cách, nền kinh tế đang bắt đầu dần bình thường trở lại.
Tuy vậy, khó khăn phía trước còn rất lớn. “Lửa” COVID-19 sẽ tiếp tục thử thách sức chống chịu và khả năng bật dậy của nền kinh tế Việt Nam.
Doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 5 tăng mạnh 26,9% so với tháng trước nhưng giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 8,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%).
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa chịu ảnh hưởng mạnh của dịch COVID-19 khiến đơn hàng giảm mạnh. Song tín hiệu mừng là Việt Nam vẫn duy trì được xuất siêu sau 5 tháng đầu năm 2020.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 4/2020 chỉ đạt 17.583 triệu USD, thấp hơn 2.117 triệu USD so với số ước tính trước đó. Sang tháng 5, con số ước tính tích cực hơn, với 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,9 tỷ USD.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2020 đạt mức tăng 11,2% so với tháng trước mặc dù vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 5 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua.
Tổng cục Thống kê nhận định, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn, từ đó, gây ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp.
Trong khi đó, thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm ước tính đạt 529,6 nghìn tỷ đồng, bằng 35% dự toán năm.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ sẽ tập trung thảo luận về các giải pháp khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế khi mà chúng ta đã đẩy lùi được dịch bệnh, để làm sao lò xo kinh tế bật lên mạnh mẽ.
Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục thông tin về phiên họp này.
Theo Đức Tuân/Chinhphu.vn
http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Chinh-phu-hop-phien-thuong-ky-thang-52020/397061.vgp