Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét chuyển 3 dự án cao tốc Bắc-Nam từ đầu tư PPP sang đầu tư công.
Chiều 1/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội sang đầu tư sử dụng 100%.
Nội dung này đã được cho ý kiến một lần tại phiên họp tháng 5 và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý với đề xuất chuyển cả 8 dự án sang đầu tư công, đồng thời đề nghị xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Tại phiên họp chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Bộ Chính trị đã kết luận không chuyển cả 8 dự án sang đầu tư công; xem xét chuyển một số dự án và giao cho Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội thống nhất.
Chính phủ đề xuất 3 phương án
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đề xuất 3 phương án. Cụ thể Phương án 1 chuyển đổi toàn bộ 8 dự án thành phần, bổ sung thêm 44.493 tỷ đồng vốn nhà nước.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
Phương án 2: chuyển đổi 5 dự án (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), bổ sung thêm 33.056 tỷ đồng vốn nhà nước.
Phương án 3: Chuyển đổi 3 dự án (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), bổ sung thêm 23.462 tỷ đồng vốn nhà nước.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận không tán thành với Phương án 1 và phương án 2 cũng không phù hợp với yêu cầu tại Kết luận Phiên họp thứ 45. Về phương án 3 hiện vẫn có 3 loại ý kiến.
Chỉ trình Quốc hội phương án 3
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với phương án 3 mà Chính phủ trình. Bởi lẽ, ngoài dự án không có nhà đầu tư phải chuyển sang đầu tư công là đương nhiên (Vĩnh Hảo – Phan Thiết) thì 2 đoạn còn lại có lưu lượng xe rất lớn, nối vào hai trung tâm chính trị và kinh tế của đất nước là Hà Nội và TPHCM cần được quan tâm sớm triển khai.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, việc chọn 3 dự án như phương án 3 là phù hợp.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình phương án 3 để Quốc hội xem xét tại đợt họp thứ 2 tại Kỳ họp thứ 9 (dự kiến khai mạc vào ngày 8/6) và yêu cầu Chính phủ cùng các cơ quan hoàn thiện hồ sơ theo hướng chỉ trình 1 phương án 3 thay vì trình cả 3 phương án.
“Tinh thần là các dự án chuyển sang đầu tư công vẫn phải tiến hành các thủ tục đấu thầu theo quy định. Tất cả các khoản đầu tư của Nhà nước đều tiến hành thu phí để thu hồi vốn theo đúng Luật quản ý tài sản công” – ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh./.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/quoc-hoi-se-xem-xet-chuyen-3-du-an-cao-toc-bac-nam-sang-dau-tu-cong-1054616.vov