Từ vụ việc của ông Nguyễn Văn Hiến và nhiều vụ việc khác cho thấy, trách nhiệm của người đứng đầu là hết sức quan trọng.
Sau nhiều ngày xét xử, chiều 21/5, phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến (66 tuổi, cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân) đã kết thúc với phán quyết cuối cùng đối với các bị cáo. Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Hiến bị tuyên phạt 4 năm tù giam về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Trước đó, trả lời câu hỏi của luật sư tại phiên tòa, ông Hiến khai rằng, ông được đào tạo rất cơ bản về chỉ huy quân sự tới 9 năm ở nước ngoài, song "chưa từng một ngày được đào tạo về quản lý kinh tế, đất đai".
Trách nhiệm người đứng đầu
Bình luận về những "trần tình" của ông Hiến, PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương (nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản) cho rằng, lời khai của ông Nguyễn Văn Hiến rất khó thuyết phục dư luận. Nếu đã thừa nhận chưa được đào tạo, không có hiểu biết về quản lý kinh tế, quản lý đất đai thì khi cấp dưới trình lên, với tư cách là người đứng đầu, ông Hiến phải có sự cân nhắc, chưa nên ký quyết định ngay.
Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến tại phiên tòa.
Với trách nhiệm là thủ trưởng đơn vị, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, người lãnh đạo phải sử dụng đội ngũ tham mưu giỏi trong từng lĩnh vực cụ thể; trên cơ sở tham mưu có cơ sở khoa học và thực tiễn thì mới quyết định, chứ không thể “nhắm mắt” mà ký, càng không thể đổ lỗi cho việc không có kiến thức, không được đào tạo bài bản.
“Ông Nguyễn Văn Hiến khi đó giữ cương vị Đô đốc, là Tư lệnh Quân chủng Hải quân mà nói như vậy là không chấp nhận được. Lập luận của ông không chặt chẽ, không có căn cứ. Nếu bản thân không có kiến thức về quản lý kinh tế, quản lý đất đai thì khi cấp trên giao trọng trách Tư lệnh Quân chủng Hải quân thì ông không nên nhận. Và khi đã nhận chức vụ rồi thì phải làm cho đúng” – ông Vũ Văn Phúc nhấn mạnh.
Theo cáo trạng, quá trình thực hiện chủ trương của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân về làm kinh tế, ông Hiến đã không kiểm tra, tin tưởng vào cấp dưới nên phê duyệt các văn bản để đưa 3 khu đất quốc phòng vào liên doanh trái quy định, không kiểm tra và chỉ đạo kiểm tra năng lực thực tế của phía đối tác. Ngoài ra, ông Hiến còn không kiểm tra việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng 3 khu đất, không kiểm tra việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng về cấm góp vốn bằng đất và thiếu giám sát dẫn đến việc bị đối tác mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi thế chấp, chuyển nhượng quyền sở hữu cho bên thứ ba.
Viện kiểm sát Quân sự Quân chủng Hải quân đánh giá, hành vi của bị cáo Hiến do chủ quan, tin tưởng vào sự tham mưu của một số cán bộ dưới quyền, cùng thời điểm phải thực hiện nhiều chức trách, nhiệm vụ của Tư lệnh Hải quân và tin tưởng vào sự bàn bạc thảo luận tập thể.
PGS.TS Vũ Văn Phúc. |
Đứng trước tòa, bị cáo Hiến đã thừa nhận thiếu kiểm tra, giám sát. Khi Bộ trưởng cấm các đơn vị làm kinh tế góp vốn bằng đất, bị cáo đã ra lệnh tổng kiểm tra từng dự án. Nhưng do chưa sát sao, quyết liệt và truy đến cùng nên Quân chủng Hải quân chưa phát hiện ra sai phạm tại 3 lô đất...
Không đồng tình với lời khai vì “quá tin tưởng vào cấp dưới” của bị cáo, ông Vũ Văn Phúc cho rằng, là người chỉ huy cao nhất của Quân chủng Hải quân, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về một vấn đề nào đó, ông Nguyễn Văn Hiến cần phải xem xét kỹ lưỡng nhiều chiều, cân nhắc nhiều mặt lợi hại chứ không thể đổ lỗi cho việc cấp dưới tham mưu.
“Người đứng đầu phải có trình độ thẩm định về những tham mưu, đề xuất của cấp dưới. Vì cấp dưới chỉ có nhiệm vụ tham mưu, còn việc quyết định hay không quyết định là do thủ trưởng đơn vị, do người đứng đầu. Và việc đưa ra quyết định cuối cùng phải dựa trên lợi ích quốc gia dân tộc, vì lợi ích của đất nước mà cụ thể ở đây là vì lợi ích của Quân chủng Hải quân” – ông Vũ Văn Phúc nhấn mạnh.
Góp phần cảnh tỉnh, răn đe cán bộ
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, từ vụ việc của ông Nguyễn Văn Hiến và nhiều vụ việc khác cho thấy, trách nhiệm của người đứng đầu là hết sức quan trọng. Bởi quyết định của người đứng đầu đúng hay sai không chỉ ảnh hưởng về mặt chính trị mà còn ảnh hưởng về kinh tế, ảnh hưởng đến công tác cán bộ, cụ thể trong vụ việc này là những cán bộ dưới quyền cũng sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm trong việc gây ra hậu quả khiến Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 939 tỷ đồng.
“Điều đó cho thấy trách nhiệm của ông Hiến là rất lớn và việc truy tố, xét xử đúng người, đúng tội đối với ông Nguyễn Văn Hiến là hoàn toàn đúng pháp luật” – ông Vũ Văn Phúc cho biết.
Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) |
Nhấn mạnh công tác kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo, bởi “muốn lãnh đạo thì phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo”, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, đây cũng là bài học sâu sắc cần được rút ra từ vụ việc của ông Nguyễn Văn Hiến. Nếu người đứng đầu sát sao với công việc, nâng cao trách nhiệm kiểm tra, giám sát theo đúng quy định, kịp thời phát hiện những vi phạm và kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh đối với tập thể và cá nhân có vi phạm, khuyết điểm thì sẽ không dẫn đến hậu quả như hiện nay.
Theo ông Lê Văn Cương, nhiều vụ việc tiêu cực, nhiều cá nhân mắc sai phạm nghiêm trọng trong thời gian qua đã được phát hiện, chuyển cơ quan điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Ông tin rằng, với phán quyết công tâm, khách quan của tòa án đối với ông Nguyễn Văn Hiến và các bị cáo khác sẽ có tác động mạnh mẽ, có tính cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung./.
Theo Trí Anh/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/xet-xu-ong-nguyen-van-hien-bai-hoc-ve-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-1051050.vov