Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được Hội nghị Trung ương 12 thảo luận, cho ý kiến là xem xét, quyết định phương hướng công tác nhân sự Trung ương (T.Ư) khóa XIII. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, đây là công việc cực kỳ hệ trọng có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Bùi Bằng Đoàn và đồng chí Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được Hội nghị Trung ương 12 thảo luận, cho ý kiến là xem xét, quyết định phương hướng công tác nhân sự Trung ương (T.Ư) khóa XIII. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, đây là công việc cực kỳ hệ trọng có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước. Thực tiễn cũng cho thấy, ở đâu, cấp nào, nếu lựa chọn cán bộ đúng sẽ thúc đẩy phát triển, đem lại sự hài lòng cho doanh nghiệp và người dân, ngược lại, nếu chọn sai sẽ để lại những hệ quả hết sức nặng nề.
Bài 1: Học Bác chọn cán bộ
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Ðảng, trong công tác cán bộ vừa qua nảy sinh hiện tượng “đúng quy trình song không đúng người”, vì người ta lợi dụng tiền tệ, thân quen, chạy chọt. Do đó, hơn lúc nào hết, những người làm công tác nhân sự cho Ðại hội XIII của Ðảng cần phải nhìn lại những bài học sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lựa chọn được những cán bộ thực sự xứng đáng cho nhiệm kỳ tới đây.
Chọn cán bộ cho công việc, chứ không cốt “đủ ghế”
Theo ông Hà, sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, chính quyền cách mạng Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam giữa muôn trùng khó khăn. Để giữ vững thành quả cách mạng và xây dựng đất nước, Bác Hồ rất quan tâm mở rộng tìm kiếm, trọng dụng người tài trong xã hội. Khi đó, không có một cơ quan nào làm “quy trình” từ dưới lên trên, mà Bác theo dõi, cảm nhận, đánh giá và đề nghị những người tài ra giúp dân, giúp nước.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lựa chọn cán bộ khi đó là không phân biệt các tầng lớp, hễ là người có tinh thần dân tộc, có tài năng, có lòng yêu nước là kêu gọi ra giúp nước. Với quan điểm đó, Bác tập hợp được nhiều người vừa có đức, vừa có tài tham gia bộ máy như cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Huỳnh Thúc Kháng, luật sư Phan Anh…
“Cụ Huỳnh Thúc Kháng, lần đầu tiên nhận được lá thư của Bác mời ra tham gia Chính phủ giúp dân, giúp nước đã từ chối. Với quyết tâm trọng dụng được nhân tài, Bác lại viết thư mời cụ ra Hà Nội. Cụ Huỳnh Thúc Kháng khi ra Hà Nội với dự định lúc đầu là “gặp mặt nói một lời từ chối cho xong. Nhưng khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, trò chuyện, cụ cảm nhận được nên đã nhận lời và làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Điều đó cho thấy, Bác hết sức tinh tế trong việc trọng dụng người tài. Chính phủ cách mạng thời đó là một chính phủ tập hợp được những người tài, có tinh thần độc lập dân tộc, yêu nước”, ông Hà nhận xét.
Không chỉ trọng dụng người tài, theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bác Hồ còn để lại nhiều bài học có giá trị về bố trí đúng người, đúng việc như chọn bác sỹ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám.
Sau đó, đến năm 1954, ông được bầu lại chức Chủ tịch Ủy ban hành chính Thủ đô Hà Nội cho đến năm 1977. “Mặc dù ông Trần Duy Hưng là bác sỹ, song Bác nhìn thấy ở ông có tư duy và khả năng quản lý đô thị ngay sau khi giải phóng Thủ đô. Cái đấy cho chúng ta bài học về chọn cán bộ theo vị trí công việc, chứ không phải chọn cán bộ cốt sao cho đủ ghế”, ông Tiến bình luận.
"Trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải chăng cần nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, thật sự công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Ðảng, đặt sự nghiệp chung của Ðảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết? Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm", chạy chức, chạy quyền...”. Trích bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 12 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng |
Có thanh liêm thì dân mới tin
Theo ông Hà, Đại hội XIII của Đảng đang cận kề, trong đó công tác chuẩn bị và lựa chọn nhân sự là hết sức quan trọng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới đây nhấn mạnh yêu cầu lựa chọn được cán bộ có đức và có tài. Đây là những yếu tố cực kỳ quan trọng đối với cán bộ, thiếu một trong hai cái đó thì đều không đủ điều kiện, không đủ khả năng lãnh đạo.
Theo ông Hà, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có nói một ý rất sâu sắc trong việc giới thiệu, lựa chọn cán bộ là "đừng nhìn gà hóa cuốc”. Điều này nghĩa là hình thức phải đi với nội dung, “chứ không chỉ hô cách mạng trên đầu lưỡi, còn làm thì ngược lại; hay khi hô hào thì rất giỏi, song toàn làm ngược lại”.
Đề cập việc trước đây không có quy trình, song Bác Hồ lại chọn lựa được nhiều người có đức, có tài, còn hiện nay quy trình nhiều, song vẫn để lọt cán bộ không xứng đáng, ông Hà cho rằng, quy trình lựa chọn cán bộ là rất cần thiết, tạo môi trường công khai, minh bạch. Tuy nhiên, lâu nay cũng có tình trạng “đúng quy trình song không đúng người”, vì người ta lợi dụng tiền tệ, thân quen để chạy chọt. Quy trình là cần thiết, nhằm ngăn chặn tình trạng lựa chọn cán bộ theo kiểu yêu, ghét, lợi ích nhóm. Tuy nhiên, đúng quy trình nhưng phải đúng người như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói “đừng thấy đỏ tưởng là chín”.
“Việc chống chạy chức, chạy quyền là rất khó, song tôi nghĩ những người làm công tác nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng cần phải đọc và học lại những bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng dụng người tài, giúp dân, giúp nước”, ông Hà nói. Ông cho rằng, khi giới thiệu và lựa chọn cán bộ vào Trung ương phải công tâm, khách quan, bởi những người được chọn sẽ là những người lãnh đạo đất nước trong cả một nhiệm kỳ. Nếu chọn đúng thì giúp cho đất nước mạnh lên, kinh tế, xã hội phát triển, còn chọn sai người thì sẽ kéo lùi sự phát triển và để lại nhiều hậu quả khác.
Ông Hà lưu ý, khi chọn được người tài rồi thì phải đặt đúng vị trí phù hợp, chứ chọn rồi nhưng lại bắt làm trái với sở trường thì cán bộ khó phát huy năng lực. Dẫn ví dụ về việc Bác mời cụ Bùi Bằng Đoàn ra giúp dân, giúp nước, ông Tiến cho rằng, đây cũng bài học rất lớn của Bác về bố trí cán bộ. Cụ Bùi Bằng Đoàn trước đó nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực. Ngay trên công đường, cụ cho treo bảng thông báo "không nhận quà biếu" và nghiêm cấm người nhà nhận quà biếu. Do đó, trong giai đoạn đầu, Bác đã cử cụ làm Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt.
“Làm quan thanh tra thì việc quan trọng đầu tiên là phải sạch, không sạch thì nói ai nghe, không sạch thì làm sao mà phát hiện được sai phạm; làm sao mà bảo đảm được sự công tâm, khách quan trong các cuộc thanh tra”, ông Tiến nói. Ông Tiến cho rằng, tới đây khi lựa chọn nhân sự dự kiến vào các chức danh có nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng, cần chú trọng đến sự thanh liêm, trong sạch của nhân sự, có thế mới “tiếp lửa” được những kết quả của cuộc đấu tranh phòng chống, tham nhũng của Đại hội XII.
Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 12 Ảnh: TTXVN
Thảo luận phương hướng bầu cử ÐBQH
Sáng 12/5, ngày làm việc thứ hai Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII, Ban Chấp hành làm việc tại hội trường, thảo luận về tổng kết công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; về tổng kết việc phân bổ đại biểu dự Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI, XII và xây dựng tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng và dự kiến phân bổ đại biểu dự Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thay mặt Bộ Chính trị điều hành chương trình hội nghị. Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương làm việc tại tổ, thảo luận về Ðề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Văn Kiên
Theo Tiền phong
https://www.tienphong.vn/xa-hoi/lua-chon-nhan-su-khoa-xiii-%C3%B0ung-thay-do-tuong-la-chin-1656804.tpo