Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tình hình hiện nay đòi hỏi Phong trào Không liên kết cần đoàn kết chung tay ứng phó với dịch Covid-19.
Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Azerbaijan Ilham Aliyev, Chủ tịch đương nhiệm Phong trào Không liên kết, tối 4/5 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến của Phong trào Không liên kết với chủ đề “Đoàn kết ứng phó đại dịch Covid-19”.
Phát biểu tại hội nghị, kêu gọi các nước thành viên của Phong trào không liên kết đoàn kết, chung tay để chiến thắng COVID-19, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã sản xuất được bộ kit xét nghiệm nhanh và sẵn sàng xuất khẩu khẩu trang y tế và sẽ xuất khẩu máy thở trong thời gian tới.
Tham dự và trao đổi tại Hội nghị trực tuyến có nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của 40 quốc gia thành viên Không liên kết, đại diện cho các khu vực trên thế giới. Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), Tổng Thư ký LHQ, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tham dự và phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Tổng thống Azerbaijan nhấn mạnh tình hình hiện nay đòi hỏi tinh thần đoàn kết của Phong trào hơn bao giờ hết, kêu gọi các nước tăng cường hợp tác, ủng hộ xây dựng cơ sở dữ liệu chung của Phong trào.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao trực tuyến Phong trào Không liên kết. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)
Tổng Thư ký LHQ kêu gọi hạn chế các tác động về kinh tế - xã hội của đại dịch và có các biện pháp hỗ trợ để không ai bị bỏ lại phía sau, kiên trì thực hiện các thỏa thuận đa phương, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ đề nghị các nước có hình thức hỗ trợ, đặc biệt dành cho các nhóm dễ bị tổn thương nhất như trẻ em, người nghèo, người di cư.
Tổng Giám đốc WHO cảm ơn những hỗ trợ của Phong trào Không liên kết dành cho WHO và cam kết ủng hộ tuyệt đối các nỗ lực phòng chống đại dịch của Phong trào, nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác đa phương, cần có sự thay đổi trong cách tiếp cận từ ứng phó bị động sang chủ động với sự tham gia của cả xã hội.
Lãnh đạo các nước thành viên Không liên kết tham dự đã chia sẻ quan ngại chung về các thách thức chưa từng có tiền lệ mà đại dịch Covid-19 gây ra, nhấn mạnh sự ủng hộ đối với chủ nghĩa đa phương, Liên hợp quốc, WHO và kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế để cùng ứng phó với đại dịch.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ quan ngại chung và nhấn mạnh tình hình hiện nay đòi hỏi Phong trào Không liên kết cần củng cố và khẳng định tinh thần đoàn kết đã được hun đúc qua lịch sử 6 thập kỷ hoạt động để chung tay ứng phó với đại dịch Covid-19.
“Thứ nhất là thực tiễn qua hơn 6 thập kỷ hoạt động của Phong trào không liên kết, đoàn kết là một sức mạnh để Phong trào vượt qua nhiều khó khăn và phát triển lớn mạnh như ngày hôm nay. Nguy cơ từ đại dịch Covid-19 là to lớn và chưa từng có, đòi hỏi chúng ta siết chặt tay nhau, tăng cường đoàn kết, biến “nguy” thành “cơ” để vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch và tiếp tục tiến lên.
Thứ hai là mỗi nước thành viên cần chủ động hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm ở tất cả các cấp độ, lĩnh vực và diễn đàn, tiến tới xây dựng cơ chế chung về cảnh báo, ngăn ngừa, ứng phó với khủng hoảng dịch bệnh. Thứ ba, từ Việt Nam, chúng tôi rút ra, chúng ta nên có chiến lược thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, đó là vừa ưu tiên kiểm soát dịch bệnh, vừa duy trì ổn định phát triển kinh tế xã hội, bao gồm cả duy trì thị trường mở, thuận lợi hoá thương mại, duy trì chuỗi cung ứng và sản xuất, tạo việc làm và ưu tiên hỗ trợ các nhóm yếu thế. Người dân phải luôn là chủ thể trung tâm của một nỗ lực phục hồi vươn lên sau dịch” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Chia sẻ với các nước phương châm “chống dịch như chống giặc” và đạt nhiều kết quả tích cực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam nỗ lực tối đa vừa chống dịch vừa ổn định phát triển, đảm bảo an sinh xã hội để không một người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng cũng cho rằng, thời gian tới Phong trào Không liên kết cần tiếp tục ủng hộ tăng cường chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế và kiên trì thực hiện các cam kết đa phương then chốt. Theo Thủ tướng, Phong trào Không liên kết cần tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong thúc đẩy thượng tôn pháp luật và dân chủ hóa quan hệ quốc tế, phản đối các hành vi chính trị cường quyền và thúc đẩy dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, cấm vận đơn phương, hưởng ứng lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc để duy trì một môi trường quốc tế hòa bình, ổn định.
Với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết: “Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã và đang chủ trì nhiều thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác phòng, chống dịch trong nội khối ASEAN và đối với các đối tác quốc tế. Là Uỷ viên thường trực Hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam tích cực hợp tác với WHO, diễn đàn Liên hợp quốc và nhiều diễn đàn đa phương khác.
Trong chống dịch, Việt Nam đã nhận được nhiều tham vấn của WHO, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Và dù khả năng cũng có hạn, chúng tôi đã chia sẻ, hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu sản xuất tại Việt Nam cho nhiều quốc gia chịu nhiều ảnh hướng và đóng góp tài chính cho Quỹ ứng phó Covid-19 của Liên hợp quốc. Đặc biệt, chúng tôi đã có quan hệ tốt với nhiều quốc gia có mặt hôm nay như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia. Việt Nam đã sản xuất được bộ kit xét nghiệm nhanh và sẵn sàng xuất khẩu khẩu trang y tế và sẽ xuất khẩu máy thở trong thời gian tới. Việt Nam sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ trong tình bằng hữu trong Phong trào không liên kết của chúng ta”.
Có thể nói sự tham dự và chia sẻ của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến lần này có ý nghĩa quan trọng, khẳng định vai trò của Việt Nam tại Phong trào Không liên kết nói riêng và nỗ lực hợp tác của Việt Nam với cộng đồng quốc tế nói chung trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, khẳng định vị thế và hình ảnh một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng đóng góp ứng phó với các thách thức chung toàn cầu.
Kết thúc Hội nghị, các nước thành viên Không liên kết tham dự đã thông qua Tuyên bố chung với nội dung chính bày tỏ sự ủng hộ của Phong trào đối với chủ nghĩa đa phương, vai trò của các tổ chức quốc tế nói chung và Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói riêng, kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, lên án và kêu gọi xóa bỏ các hành động cấm vận đơn phương vi phạm Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế nhằm vào một số thành viên Phong trào, đồng thời nhất trí thành lập nhóm Đặc trách Không liên kết để xây dựng cơ sở dữ liệu chung của các nước thành viên Phong trào trong phòng chống đại dịch.
Phong trào Không liên kết ra đời vào đầu những năm 1960 của thế kỷ trước. Trải qua gần 6 thập kỉ, hiện Phong trào đã trở thành tập hợp lực lượng chính trị lớn nhất của các nước đang phát triển với 120 thành viên, có nhiều đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy các mục tiêu vì hòa bình, độc lập dân tộc và phát triển, dân chủ hóa quan hệ quốc tế. Việt Nam chính thức tham gia Phong trào Không liên kết vào năm 1976 và từ đó đến nay luôn tích cực tham gia, có nhiều đóng góp đối với Phong trào./.
Theo Vũ Dũng/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-keu-goi-cac-nuoc-khong-lien-ket-doan-ket-chien-thang-covid19-1044887.vov