Chịu đựng, chiến đấu, hy sinh, cống hiến đã tích lũy qua gần tám ngàn ngày để hội tụ vào ngày Ba mươi tháng tư lịch sử.
Trưa 30/4/1975, trời Hà Nội xanh cao, nắng vàng rực rỡ.
Những người ở tòa nhà 56 Quán Sứ, trụ sở của Đài Phát thanh Giải phóng A và 58 Quán Sứ, trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam vào đỉnh cao những ngày làm việc lịch sử vô cùng khẩn trương, tràn đầy niềm vui và không ít những lo lắng đến thót tim. Chuỗi ngày bám máy, bám bản tin, bám cơ quan suốt 24 giờ, bắt đầu từ chiến thắng Ban Mê Thuột 10/3/1975.
Ông Dương Văn Minh (ngồi, bên phải) đọc tuyên bố đầu hàng tại phòng thu của Đài Phát thanh Sài Gòn vào trưa ngày 30.4.1975. Ảnh tư liệu
Sau khi nghe lời đầu hàng vô điều kiện Quân Giải phóng của tướng Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và bản tin chiến thắng từ Bộ Tổng tham mưu do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký duyệt gửi cho Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam báo tin toàn thắng cho đồng bào chiến sỹ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè trên thế giới, chúng tôi bắt tay ngay vào làm bản tin ngắn gọn để phát ngay, phát thẳng lên bầu trời mùa hạ đầy nắng và gió.
Tôi cùng các anh chị Đào Quang Cường, Trần Quang Khải, Nguyễn Thị Kim Cúc, Trương Cộng Hòa dưới sự chỉ đạo của trưởng phòng Nguyễn Văn Vạn thực hiện bản tin đặc biệt này. Mỗi người mỗi ý, mỗi câu văn hay nhất, nhiều mỹ từ, trạng từ nhất hợp lại để rồi cuối cùng tôi chấp bút chỉ một câu ngắn gọn: “Mời đồng bào và chiến sỹ cả nước nghe tin đặc biệt: hồi 11 giờ 30 phút trưa nay, 30/4/1975, cờ Giải phóng đã tung tay trên nóc dinh Độc lập. Thành phố Sài Gòn Gia Định đã hoàn toàn giải phóng. Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng!” Thì ra, một khi chiến thắng quá lớn lao, niềm vui vỡ òa đến tột cùng thì thông báo ngắn gọn nhất là nói đúng sự thật. Lúc này sự thật là mỹ từ hay nhất.
Nhân dân Thủ đô vui mừng đón tin chiến thắng ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN
Tôi ngồi làm bản tin đặc biệt ở 56 Quán Sứ mà như hai trong một. Một biên tập viên, xung quanh bàn ngồn ngộn tin tức, phóng sự, ghi nhanh từ khắp các ngã chiến trường gửi về. Một hướng ra tiền tuyến. Nơi đó có đồng nghiệp, bạn bè, đồng bào từ Trường Sơn đến đồng bằng, thành phố và chiến sỹ quân giải phóng. Họ là những người làm nên chiến thắng. Tôi và đồng nghiệp may mắn, vinh dự được thông báo tin đại thắng đến muôn nhà.
Cũng một sáng ba mươi tháng tư cách đây năm năm, phóng viên AFP hỏi tôi: “ Từng là một phóng viên chiến trường, một nhà báo đi qua chiến tranh, ông có thể nói một nhận xét ngắn gọn”. Tôi trả lời không do dự, như đã thường trực bao năm. Đó là tám chữ “Chịu đựng, chiến đấu, hy sinh, cống hiến”
Chiến trường Quảng Trị năm 1972 (Ảnh: TTXVN)
Mùa hè năm 1972, tôi cùng đồng nghiệp đi vào chiến trường Trị Thiên Huế nỏng bỏng, rực lửa, nơi chiến đấu quyết liệt nhất và hy sinh lớn lao vô cùng để giành giật từng thước đất giải phóng. Khi đi qua đường 20 “quyết thắng”, hay vượt phà Long Đại, leo qua đỉnh núi “nghìn lẻ một”, tôi bắt gặp hàng trăm, hàng ngàn thanh niên xung phong đầu chang chang nắng, đội mưa, đội cả bom đạn để mở đường, thông tuyến cho xe ra trận. Ngạc nhiên vô cùng khi gặp đại đội nữ lái xe vận tải quân sự. Những cánh tay trắng trẻo, mềm mại ấy cũng nắm chắc vô lăng như những chàng trai mười tám đôi mươi len lỏi qua bao chặng đường lồi lõm, lầy bùn, khi thì bên vách đá cheo leo, lúc thì cận kề hố bom sâu hoắm. Họ đã chịu đựng vô vàn gian khó, hiểm nguy. Đi được thước đường nào là biết thước đường ấy, qua được trọng điểm nào là biết mình còn sống. Họ chịu đựng mọi thứ mang hình hài cái chết treo lơ lửng trên đầu, bất kể ngày hay đêm, đi hay ngủ. Là bom, từ tấn, tạ đến bom bi, bom lá; là pháo đến 175 ly; là rốc két, na pan, lân tinh, phốt pho; là chất độc hóa học, chưa kể đói cơm, đói muối, sốt rét rừng, rắn, rết, cây đổ, lũ quét. Sâu nặng và khoắc khoải hơn cả là nỗi nhớ người thân, cha mẹ, vợ chồng, con cái, người yêu…
Sức nặng của chiến tranh đến từ mọi phía như muốn thử thách lòng người, như muốn đè bẹp chút sức lực còn lại. Sức nặng ấy đâu chỉ tính đơn thuần bằng ngàn cân, vạn cân cộng lại, nhân lên mà trĩu nặng hơn bởi hai mươi năm có lẻ. Nhưng họ, đạo quân Giải phóng đã bật lên từ sức nặng ngàn cân ấy, xông trận, chiến đấu, biết “giành thắng lợi từng bước cho đúng”. Để có một chiến thắng có bao người anh dũng hy sinh. Có được một đại thắng phải đánh đổi biết bao tính mạng đồng bào, chiến sỹ cả nước. Mất mát một phần cơ thể trở thành thương binh. Hy sinh trở thành liệt sỹ, được Tổ quốc ghi công. Có một thứ hy sinh dai dẳng, mất mát lớn lao mà không thể lấy lại, không thể gọi thành tên. Đó là hy sinh tuổi trẻ, tuổi thanh xuân, tuổi đẹp nhất, rạng rỡ nhất của đời người. Hàng triệu, hàng triệu con dân Việt đã hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước này, dân tộc này, nhân dân này. Họ hy sinh để đánh đổi những gì còn cao quý hơn là hòa bình, hòa hiếu, hòa hợp, độc lập, tự do, hạnh phúc cho mọi người, cho hôm nay và cả muôn đời con cháu mai sau. Họ đã hy sinh không uổng. Cái giá hy sinh của họ được trang trọng ghi vào lịch sử, lung linh trên bảng vàng Tổ quốc.
Thế hệ thanh niên Hà Nội xếp bút nghiên lên đường ra trận. Ảnh tư liệu
Bạn tôi, từ thời chăn trâu cắt cỏ “học cả trên lưng trâu”- Lê Đức Viện – đã đổi tên thành Thư Viện để thỏa khát khao được học, được đọc sách, được yêu. Nhưng guồng chiến tranh đã cuốn anh đi, anh phải cầm súng chiến đấu oanh liệt và anh dũng hy sinh bên bờ nam sông Bến Hải khi mới qua tuổi hai mưa, chưa hề được yêu… Cũng bạn của tôi, thời đại học Văn khoa, cùng học một lớp, cùng ngủ một giường nơi sơ tán – Vũ Dũng – chưa bảo vệ luận án tốt nghiệp đã vào chiến trường Quảng Trị chiến đấu. Vũ Dũng cùng trang lứa ở các trường đại học Tổng hợp, Bách Khoa, Xây dựng, Kinh tế, Sư phạm, Y khoa… với hành trang là chữ nghĩa, khoa học, nhân văn chứ đâu phải học cầm súng. Nhưng khi Tổ quốc gọi tên họ đã lên đường, vào trận, chiến đấu ngoan cường. Trong một trận đánh ở Quảng Trị, Vũ Dũng bị thương nặng, máu chảy nhiều, nhưng thấy một đồng đội bắn chưa chính xác, anh nhảy lên mâm pháo thay thế, nhả đạn vào quân thù… và đã hy sinh khi mới ngoài tuổi đôi mươi. Anh đã bỏ dở ước mơ được nghiên cứu văn chương trong một học viện, hay một giảng viên trên giảng đường đại học để ra trận rồi hy sinh tất thảy, cả thể xác lẫn tuổi thanh xuân đầy ước mơ. Các anh đã hy sinh. Hy sinh là cống hiến lớn nhất, cao quý nhất.
Nhà báo Vĩnh Trà (giữa) trò chuyện với nhà báo Mỹ John Hess (trái) tại New York ngày 19/5/2002
Chịu đựng, chiến đấu, hy sinh, cống hiến đã tích lũy qua gần tám ngàn ngày để hội tụ vào ngày Ba mươi tháng tư lịch sử. Từ Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” đến chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng Miền Nam, thu non sông về một mối. “Ba mươi năm dân chủ cộng hòa, kháng chiến đã thành công”. Những năm và nhiều năm sau, nhiều tướng lĩnh, nhà nghiên cứu của Hoa Kỳ mới tìm ra lời giải cho chiến thắng toàn vẹn của Việt Nam là Văn hóa Việt mà cốt lõi là khát vọng hòa bình, hòa hiếu, hòa hợp, quý trọng độc lập toàn vẹn lãnh thổ, dân chủ văn minh, hạnh phúc. Nền Văn hóa ấy, tinh thần truyền thống ấy khắc sâu trong từng vỉa tầng lịch sử, lan tỏa trong cuộc sống, thấm đẫm tình người.
Nền Văn hóa ấy cũng là khát khao, ý nguyện của những người ngã xuống trên chiến trường. Một ai đó đi ngược lại, hay xuyên tạc, bôi đen lịch sử là đắc tội. Thế lực thù địch nào đó, với tâm địa đen tối, âm mưu nham hiểm hòng xâm phạm, cướp đi vùng trời, biển đảo, mặt nước, lòng đất của đất nước này chỉ chuốc lấy thất bại trước sức sống Việt, Văn hóa Việt, tinh thần Việt. Khi Tổ quốc cần, tất cả cho tuyến đầu trận chiến.
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước
Xây dựng, phát triển kinh tế cũng có tuyến đầu, chống đại dịch cũng có tuyến đầu, cũng khẩn trương, kỷ luật, cũng thần tốc như đánh giặc, mà cốt lõi chiến thắng là từ lãnh đạo sáng suốt của Tổng hành dinh, là sự đồng lòng, nhất trí của toàn dân. Hiếm có nơi đâu như ở Việt Nam, trong chiến tranh, khi tổ quốc gọi tên, tất thảy lên đường, xung trận. Nay “chống dịch như chống giặc”, theo lời Tổ quốc gọi hãy ở nhà, giãn cách xã hội để giữ bình yên, để hỗ trợ cho chiến sỹ áo trắng, chiến sỹ vũ trang trên tuyến đầu chiến thắng bệnh dịch, bảo vệ nhân dân.
Tinh thần ấy, sức sống ấy được hội tụ và lan tỏa từ Ba mươi tháng tư lịch sử./.
Kể từ khi thành lập vào ngày 1/2/1962, Đài Phát thanh Giải phóng đã thực sự là một mũi tiến công sắc bén, đưa tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đến đồng bào và chiến sỹ cả nước, đến với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, giúp cho cộng đồng quốc tế hiểu hơn về cuộc kháng chiến chính nghĩa, toàn dân, toàn diện của đồng bào miền Nam, dân tộc Việt Nam. Ngày 31/8/1976, Đài Phát thanh Giải phóng kết thúc hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đài Giải phóng A ở miền Bắc (Quán Sứ, Hà Nội), chỉ trong thời gian ngắn, đã phát 10 giờ mỗi ngày và bằng 5 thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Hoa và Khmer. Nhân dịp kỷ niệm 73 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945 – 7/9/2018), Đài phát thanh Giải Phóng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. |
Theo VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/tam-ngan-ngay-hoi-tu-vao-ba-muoi-thang-tu-lich-su-1043110.vov